Nghe tin chồng Thiếu tá Bùi Đình Toản (50 tuổi) là một trong 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích sau sự cố sạt lở đất ở Quảng Trị, chị Đào Thị Bích (48 tuổi) hoảng loạn, khóc ngất.
Người thân, hàng xóm thay nhau túc trực bên cạnh. Chị nằm lả, giọng khản đặc gọi chồng: “Anh về đi, anh gọi điện về nhà đi! Anh có mệnh hệ chi thì mẹ con em biết sống răng đây”.
Gia đình chị Đào Thị Bích ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Chồng là bộ đội, đi công tác biền biệt. Chị ở nhà không có công việc ổn định. Cuộc sống gia đình, nuôi 2 con trai ăn học chỉ dựa hoàn toàn vào lương hàng tháng anh Toản gửi về.
Gần đây, con trai lớn đã học xong, đi làm đỡ đần được cho bố mẹ chút ít. Còn con trai út vẫn đang học đại học ở Đà Nẵng.
Chị Bích nhớ lại, mới cách đây 2 hôm, chồng liên tục gọi về, nói trong đơn vị ở Quảng Trị mưa to không ngớt. Chị chỉ biết dặn chồng cẩn thận, đi ngủ sớm, mai còn có sức dậy đi giúp đỡ, cứu nạn người dân. Vậy mà sáng hôm sau, mở điện thoại ra, tràn ngập thông tin người dân Quảng Trị kêu cứu vì lụt, và sư đoàn 337 gặp nạn, 22 chiến sĩ bị vùi lấp.
Chị hốt hoảng gọi ngay cho chồng nhưng không được. Anh em trong gia đình lần lượt điện thoại cho anh Toản nhưng cũng bặt vô âm tín.
Chị Bùi Thị Hường (em gái anh Toản) nói trong nước mắt: “Chúng tôi lần lượt gọi cho anh Toản nhưng không được. Khi gọi trực tiếp điện thoại vào đơn vị hỏi thăm thì được xác nhận, có 22 cán bộ, chiến sĩ mất liên lạc sau sự cố sạt lở đất, trong đó có anh trai tôi.
Ở nhà sốt ruột cũng không làm được chi, mấy chị em kéo sang nhà ông bà để để đợi”.
Vậy là người thân, làng xóm tập trung về ngôi nhà cấp bốn của ông Bùi Đình Nuôi - bố của thiếu tá Bùi Đình Toản. Người cha già 74 tuổi trở thành chỗ dựa, nơi bấu víu cho cả gia đình. Nhưng chính ông cũng đang thất thần, quặn lòng ngóng đợi tin con.
Ông Nuôi từng là bộ đội, vào sinh ra tử trong thời chiến, trở về là thương binh 4/4. Sinh được 5 người con, anh Toản là con trai đầu, cũng là người nối nghiệp bố.
Suốt 34 năm qua, anh công tác xa nhà, thỉnh thoảng anh mới về thăm. Nhưng anh là người sống tình cảm, hiền lành, trách nhiệm nên không chỉ gia đình mà người dân trong xóm đều yêu thương, quý mến.
“Hơn một tháng trước Toản mới về được mấy ngày rồi lại đi. Cách đây mấy hôm, nó gọi về báo sang tuần sau, tình hình lũ lụt ổn định thì nó về thăm nhà, vậy mà...”, ông Nuôi bỏ lửng câu nói.
Mỗi lần có chuông điện thoại của người bên cạnh, ông Nuôi lại giật mình. Người cha già dường như đã hết hi vọng, sợ nghe tin xấu, nhưng vẫn cố bấu víu, tin vào một phép màu mong manh nào đó.