Thầy, cô giáo - người gieo mầm đạo đức

GD&TĐ - Trong môi trường trường học, thầy cô chính là người gieo mầm đạo đức. Nếu chúng ta gieo hạt khỏe và chăm sóc tốt, chúng ta sẽ nhận được quả ngọt.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Ảnh minh hoạ/internet
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Ảnh minh hoạ/internet

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, TS Thanh Nga có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Yếu tố cốt lõi của giáo dục đạo đức

- TS từng nói, yếu tố cốt lõi của giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là giúp các em hình thành và phát triển nhân cách. TS có thể chia sẻ rõ hơn về ý kiến này?

– Đúng vậy! Yếu tố cốt lõi của giáo dục đạo đức là giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về phẩm chất đạo đức. Dựa trên nền tảng kiến thức đó, nhà giáo dục giúp các em rèn luyện trong từng các giao tiếp, ứng xử hàng ngày.

Thực tế cho thấy, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt nhân cách. Trong giáo dục phổ thông, tôi cho rằng việc đưa 12 giá trị sống do UNESCO đề xuất là hoàn toàn cần thiết.

Tuy nhiên để cho những giá trị đạo đức được nở hoa kết trái thì cần có những biện pháp, hình thức giáo dục phù hợp. Trong môi trường trường học, thầy cô chính là người gieo mầm đạo đức. Nếu chúng ta gieo hạt khỏe và chăm sóc tốt, chúng ta sẽ nhận được quả ngọt.

- Vậy giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần chú trọng vào các biện pháp nào – thưa TS?

- Nhà trường có thể xây dựng các nội dung giáo dục lối sống cho học sinh dựa trên các hiện tượng nổi cộm trong xã hội, các hành vi lệch chuẩn xuất hiện trong đời sống học đường.

Một nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu đó là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy; Chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, là những bậc thầy hiền trí, chúng ta mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được.

Vì vậy, tôi đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường. “Tam bảo” để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh gồm: người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay. Thầy cần là người thầy đủ năng lực và phẩm chất nhân cách. Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh.

Vì tự học vẫn là một kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết các lực lượng giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh theo hướng thiết thực nhất như: tổ chức nhiều buổi “Parenting”; trong đó tập trung trao đổi, chia sẻ về phương pháp giáo dục để nhà trường, gia đình hiểu nhau hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục con trẻ.

TS Nguyễn Thị Thanh Nga. Ảnh: NVCC.
TS Nguyễn Thị Thanh Nga. Ảnh: NVCC.

Giải pháp "kiềng 3 chân"

- Nhiều trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá để giáo dục và phát triển kĩ năng cho học sinh. Việc này có cần thiết không?

- Hoạt động giáo dục ngoại khóa là một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh. Riêng theo ghi nhận từ con tôi và những học sinh, sinh viên mà tôi biết, các em rất hào hứng với những giờ ngoại khóa.

Khi tham gia các hoạt động này, các em được xả căng thẳng sau các giờ ngồi bó hẹp trong không gian lớp học. Nếu chúng ta tổ chức tốt, hoạt động này giúp cho người học phát huy được nhiều kỹ năng, năng lực và chính là hoạt động củng cố, mở rộng các kiến thức trên lớp.

- Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần sự phối hợp của nhà trường – gia đình – xã hội. Tuy nhiên, mỗi khi có việc gì xảy ra, nhiều người lại đổ lỗi cho nhà trường. Vậy theo TS, vai trò của gia đình và xã hội như thế nào để thực sự là “kiềng 3 chân” trong giáo dục học sinh?

- Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhất thiết phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Bác Hồ đã chỉ ra: “Giáo dục nhà trường chỉ là một phần, cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình”.

Sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người đều chịu ảnh hưởng từ 3 lực lượng giáo dục gồm: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho học sinh.

Rất nhiều nhà tâm lý học cho rằng, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, tấm gương của cha mẹ… có hình hài như thế nào thì đứa trẻ phản ánh đúng như thế vào các mối quan hệ tại trường và ngoài xã hội. Gia đình thiếu sự yêu thương, quan tâm hoặc giáo dục không đúng cách chính là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống đạo đức của học sinh.

Yếu tố thứ hai dẫn tới những hành vi lệch chuẩn hiện nay của học sinh chính là việc tiếp xúc với Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc,… mà chưa được giáo dục các kỹ năng cần thiết như: sử dụng như thế nào? Lựa chọn các thông tin thu nạp? Kỹ năng ứng phó với việc sử dụng internet quá đà…

Yếu tố thứ ba đó chính là trường học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng: Giáo dục là con đường cơ bản nhất trong việc phát triển nhân cách của con người thông qua việc định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của cá nhân gồm:

Xác định mục đích giáo dục cho cả hệ thống, cho từng bậc học, cấp học, trường học và từng hoạt động giáo dục cụ thể; Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học và giáo dục, lựa chọn phương pháp, phương tiện và hình thức giáo dục đáp ứng mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung và đối tượng, điều kiện giáo dục cụ thể; Tổ chức các hoạt động giáo dục; Đánh giá, điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục…

Xin cảm ơn TS!

"Giáo dục con người nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Tuy nhiên, trong câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại xem công tác giáo dục đạo đức đã được quan tâm đúng mức chưa? Có thiên về kiến thức: Văn, Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa… hơn so với các môn như: đạo đức, giáo dục công dân không? Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đã đạt hiệu quả chưa…?" - TS Nguyễn Thị Thanh Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.