Thầy cô F0 kiên cường duy trì lớp học

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát, để trò không lỡ nhịp học, nhiều thầy cô dù đang trong quá trình điều trị vẫn tự nguyện đứng lớp, duy trì nền nếp.

Cô Lê Thị Khánh Trang - giáo viên Lịch sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân, TPHCM) duy trì dạy online cho học sinh giữa mùa dịch.
Cô Lê Thị Khánh Trang - giáo viên Lịch sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân, TPHCM) duy trì dạy online cho học sinh giữa mùa dịch.

Cùng nhà trường gỡ khó

Trường THPT chuyên Lào Cai có hơn 10 thầy cô nhiễm Covid-19 tuy nhiên tất cả vẫn đảm trách công việc dạy học bình thường (qua trực tuyến). Thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Do thiếu nhân lực, số lượng giáo viên bị nhiễm bệnh cùng một thời điểm khá nhiều nên nếu không có sự cố gắng của thầy cô rất khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng dạy học, đặc biệt khi thời điểm kết thúc năm học, các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT đang đến gần.

Để tháo gỡ khó khăn tạm thời, thầy Xuân cho biết: Với trường hợp giáo viên bệnh nặng, Ban giám hiệu sẽ bố trí giáo viên cùng tổ chuyên môn hỗ trợ 2 - 3 ngày hoặc giáo viên môn học khác tăng cường tiết dạy cuốn chiếu. Khi giáo viên F0 đỡ và khỏi bệnh sẽ dạy bù số tiết trong thời gian nghỉ. Với giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dù biểu hiện nhẹ cũng yêu cầu dạy online để giữ gìn sức khỏe cho học sinh. Nhà trường thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, chia sẻ tâm tư tình cảm, nắm bắt tình hình sức khỏe giáo viên trong quá trình điều trị bệnh mà vẫn dạy học…

Cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết có gần 20 giáo viên nhiễm Covid. Vì số lượng quá nhiều nên không thể bố trí dạy thay thế hoàn toàn để giáo viên nghỉ ngơi điều trị. Do đó, ngoài giáo viên bệnh trở nặng thì đồng nghiệp cùng tổ, khối hỗ trợ dạy thay một số buổi. Các cô sẽ dạy trái giờ, sáng dạy lớp mình, chiều dạy lớp đồng nghiệp. Thậm chí, khi giáo viên nhiễm bệnh nhiều trường phải chia lớp làm 3 để ghép vào các lớp còn lại mới đủ giáo viên dạy hỗ trợ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn dạy học trực tuyến dù đang điều trị bệnh. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn dạy học trực tuyến dù đang điều trị bệnh. Ảnh: NVCC

Theo cô Hương, 20 thầy cô các khối lớp bị nhiễm Covid vẫn tự nguyện dạy học bình thường. Tất cả đều đặt tinh thần trách nhiệm quyền lợi được học của học sinh… lên trên hết. Chế độ vật chất hỗ trợ giáo viên dù cố gắng lắm trường cũng chỉ trả được 500.000 đồng/người và mang tính động viên, tình cảm. Ngoài ra, đồng nghiệp có thể thăm hỏi, động viên, cùng nhau trao đổi cách điều trị… cùng nhau vượt dịch.

Với 40% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bị nhiễm Covid (trong đó 30% giáo viên trực tiếp đứng lớp), giáo viên mắc bệnh Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội) “gối” nhau, 2 - 3 người một đợt nên vẫn có thể thay thế giảng dạy.

Chia sẻ của cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường, để học kỳ II về đích đúng kế hoạch, chất lượng dạy học đảm bảo… thì người khỏe giúp người yếu; người triệu chứng nhẹ giúp người triệu chứng nặng. Sự hỗ trợ “bọc lót” kiên cường, tinh thần trách nhiệm với học sinh, công việc và tình cảm đồng nghiệp ấm áp… là điều dễ nhận thấy trong thời gian qua.

Học sinh lớp 2A7 của cô Nguyễn Thị Ngọc Hà không bị gián đoạn học tập. Ảnh: NVCC
Học sinh lớp 2A7 của cô Nguyễn Thị Ngọc Hà không bị gián đoạn học tập. Ảnh: NVCC

Chung sức vượt đại dịch

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng, cho biết hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiễm bệnh (trong đó 27 giáo viên). Số giáo viên nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ nên tất cả vẫn dạy học trực tuyến, tiến độ chương trình đảm bảo. Trường hợp giáo viên nào trở nặng sẽ được Ban giám hiệu bố trí người thay thế.

Trường Tiểu học Phan Đình Giót cũng hỗ trợ giáo viên F0 kịp thời hiệu quả cả về vật chất lẫn tinh thần (3 triệu đồng/giáo viên F0). Cùng đó Công đoàn trường thường xuyên hỏi thăm động viên, tổ nhóm Covid-19 cấp phát thuốc, hướng dẫn giáo viên điều trị theo mức độ bệnh thực tế. Thậm chí, gia đình giáo viên cùng nhiễm bệnh, không thể mua thuốc điều trị, tổ Covid-19 sẽ mua và mang thuốc tới tận nhà.

Cô Ngọc cho biết: Quy chế chi tiêu của trường không có khoản hỗ trợ giáo viên bị Covid. Tuy nhiên, trường trích từ nguồn đi tham quan, nghỉ hè để hỗ trợ tức thời. “Sức khỏe của giáo viên là điều quan trọng, nghỉ hè có thể không đi. Hơn thế, giáo viên với đồng lương chưa cao, có người phải nuôi bố mẹ già yếu, con nhỏ, chồng công tác xa. Việc hỗ trợ dù nhỏ cũng cần thiết để phụ thêm về vật chất. Mặt khác, giáo viên cảm nhận được tình cảm ấm áp, động viên tinh thần từ Ban giám hiệu, đồng nghiệp… sẽ tiếp thêm nghị lực để chống chọi, vượt dịch bệnh…”, cô Ngọc chia sẻ.

Cô  Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên lớp 2A7 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) hàng ngày bên cạnh dạy học trực tuyến còn hỗ trợ y tế phường trong việc phòng, chống dịch nên không may mắc bệnh. Hiện, cô vừa điều trị vừa đảm đương việc dạy học trực tuyến.

Cô Hà chia sẻ: “Vì triệu chứng nhẹ nên bản thân vẫn có thể khắc phục để dạy học. Việc dạy học là trách nhiệm, tình yêu với học trò và công việc nên tôi vui vẻ, tự nguyện dù nhà trường có thể bố trí giáo viên thay thế hỗ trợ”.

“Khi nhận được thông báo tôi bị nhiễm Covid-19, Hiệu trưởng, y tế trường, tổ hỗ trợ Covid… đều gọi điện chia sẻ, động viên và hỗ trợ. Nhà trường để giáo viên chủ động về mặt thời gian khi giảng dạy trong quá trình điều trị. Sẵn sàng bố trí người hỗ trợ nếu bệnh nặng hoặc mệt không đảm nhiệm được. Sự quan tâm động viên lớn lao này giúp tôi thêm nghị lực vượt lên dịch bệnh, thấy mình cần tăng thêm trách nhiệm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với học trò, nhà trường…”, cô Hà trao đổi.

Dịch bệnh gây khó khăn với học trò, giáo viên, trường lớp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trải qua khó khăn chung các thầy cô đều hiểu rằng so với các y, bác sĩ – những người tuyến đầu đã vất vả hơn 2 năm qua thì với mình thử thách còn rất nhỏ. Vì vậy ngay khi nhiễm bệnh, tất cả giáo viên đều cố gắng khắc phục, điều trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc để tiến độ, chất lượng dạy học được duy trì và học trò được học tập liền mạch… Nhà trường luôn đồng hành, gỡ khó cùng đội ngũ. - Cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ