Thách thức từ thực tế
Tuyên Quang là một trong những địa phương có tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp so với trung bình toàn quốc (khoảng 62%); tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày năm học 2020- 2021 đạt 48,2%. Trong đó, HS lớp 1 được học 9-10 buổi/tuần mới chỉ đạt 65,8%.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là cơ sở vật chất nhiều trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục; tỉ lệ phòng học kiên cố đạt thấp, một số trường tiểu học thiếu phòng học; Khối các phòng phục vụ học tập cũng còn thiếu so với quy định.
Đặc biệt, trang thiết bị dạy học đối với các cấp học được trang cấp từ nhiều năm tuy đã được tỉnh quan tâm đầu tư bổ sung song vẫn thiếu so với quy định.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị triển khai CT GDPT 2018, ông Nguyễn Quang Long – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết một trong những vướng mắc hiện nay là cơ sở vật chất.
Tại Hà Nam, hiện phòng học tiểu học đạt 0,99 phòng/nhóm, lớp; tỉ lệ kiến cố đạt 97% (do tăng dân số cơ học tại thành phố, khu công nghiệp; một số trường đang trong quá trình xây dựng, mở rộng);
Số lượng phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, diện tích đất tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định mới. Thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu cũng thiếu so với các Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định.
Ông Phan Thành Công – Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình chia sẻ: Bên cạnh khó khăn về định mức GV chưa đảm bảo, thiếu GV Tiếng Anh, Tin học thì việc triển khai CT, SGK mới tại Ninh Bình cũng khó khăn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày cũng như thực hiện đổi mới giáo dục. Phòng học, phòng chức năng thiếu, các thiết bị hiện đại được trang bị chưa nhiều. Một số trường TH chưa đủ tỉ lệ 1 phòng học/lớp, chưa có phòng phục vụ học tập…
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỉ lệ phòng học của Tiểu học trung bình cả nước là 0,89 (Miền núi phía Bắc 0,9; Tây Nguyên 0,85; Tây Nam Bộ 0,7) trong khi đó để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo CTGDPT 2018 cấp Tiểu học thì tỉ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học).
Như vậy, vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã và đang trở thành rào cản không nhỏ đối với các địa phương trong quá trình triển khai CT GDPT 2018.
Để tăng cường về cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo CT, SGK mới, Bộ GD&ĐT khuyến cáo cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo các địa phương cấp huyện tập trung, lồng ghép nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện CT GDPT 2018.
Mặt khác, cần tổ chức các đoàn kiểm, khảo sát địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện…
Vượt khó
Theo báo cáo của ngành giáo dục Tuyên Quang, hiện tại số thiết bị dạy học lớp 1 đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ giảng dạy, học tập của GV và HS lớp 1. Tuy nhiên, năm học 2022–2023 thực hiện CT GDPT 2018 đối với lớp 3 cần bổ sung thêm phòng học để đảm bảo 1 lớp/phòng, bổ sung các phòng bộ môn Tin học, Tiếng Anh.
Năm 2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã bổ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6; giao Sở GD&ĐT tham mưu Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện CTGDPT 2018 giai đoạn 2021 – 2025
Ông Phan Thành Công – Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Để chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện CT GDPT 2018, đặc biệt triển khai lớp 2 lớp 6 theo CT GDPT mới, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện triển khai đổi mới CT, SGK phổ thông cho các trường học trên địa bàn tỉnh...
Riêng với thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6, UBND các huyện, thành phố đã bố trí dự toán năm 2021 với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 cho các trường học trên địa bàn.
Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng dự toán, được UBND tỉnh bố trí 60 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 cho các trường học trên địa bàn; Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố mua sắm, trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 cơ bản đáp ứng yêu cầu cho 100% các trường học trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2021.
Có thể thấy, việc triển khai CT GDPT 2018 ở năm đầu tiên đã tạo ra những tiền đề cơ bản để các địa phương, nhà trường tiếp tục triển khai CT, SGK mới ở lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn bộn bề khó khăn. Nhiều địa phương không chỉ đưa ra giải pháp tháo gỡ “đường dài” mà còn chủ động tháo gỡ bằng giải pháp tình thế.
Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa (Lào Cai) – ông Đỗ Văn Tân cho biết số phòng, lớp học triển khai lớp 2, lớp 6 năm học tới đã tạm đủ. Tuy nhiên, thiết bị đồ dùng dạy học mới chỉ được trang bị cơ bản nên còn thiếu về số lượng và chủng loại.
Để tháo gỡ, ngành sẽ tận dụng thiết bị còn phù hợp với chương trình mới theo hướng dẫn của Bộ. Mặt khác, rà soát thiết bị dạy học dùng chung của lớp 1 và lớp 2, cái nào có thể lồng ghép sử dụng được sẽ tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, sẽ chỉ đạo các nhà trường kêu gọi xã hội hóa để hoàn thiện hơn trang thiết bị dạy học. Đề nghị Tỉnh và Sở cấp kinh phí hỗ trợ để đầu tư, tăng cường trang thiết bị dạy học…
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La) - Phạm Thanh Hải chia sẻ: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trang thiết bị dạy học năm học tới cho lớp 2, lớp 6 trước mắt sẽ là tận dụng thiết bị cũ còn sử dụng và đáp ứng được yêu cầu dạy học. Số trang thiết bị dạy học cơ bản chưa đủ GV sẽ tạm “dạy chay” và chờ tới khi ngân sách địa phương cấp cho các nhà trường…