Thầy chủ nhiệm chia sẻ bí quyết xây lớp học hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với nhiều đồng nghiệp và học sinh Trường THPT Trưng Vương, thầy Trần Văn Phương, chủ nhiệm lớp 12A14 được xem như “anh cả” của lớp.

Thầy Phương hóa trang thành Ông già Noel trong một hoạt động của lớp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thầy Phương hóa trang thành Ông già Noel trong một hoạt động của lớp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những hoạt động gắn kết lớp học

Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, thầy Phương (SN 1987), giáo viên chủ nhiệm lớp 12A14, Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết lớp học, nỗ lực rút ngắn khoảng cách thầy trò, mang lại môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh.

Ở lớp 12A14, dường như mỗi tháng đều có một đợt chúc mừng sinh nhật cho các trò. Trong đợt đầu tiên, thầy Phương sẽ là người hỗ trợ các khâu viết kịch bản, chuẩn bị quà, trang trí lớp và qua các đợt sau, học sinh sẽ tự chuẩn bị sinh nhật cho bạn mình.

Trong Ngày phụ nữ Việt Nam, thầy Phương tạo điều kiện cho cho các bạn nam thể hiện vai trò, quan tâm các bạn nữ, nhưng các bạn nữ cũng có thể tặng quà cho các bạn nam, giúp hoạt động này trở thành một hoạt động tương tác chứ không phải một chiều.

Thầy Trần Văn Phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thầy Trần Văn Phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đặc biệt thầy Phương không chỉ gắn kết tình cảm giữa bạn học, giữa thầy trò trong lớp mà còn giúp gắn kết quan hệ cha mẹ và con cái. Vào buổi họp phụ huynh cuối học kì I vừa rồi, thầy đã nhờ phụ huynh học sinh viết một bức thư cho con em mình, để bức thư đó vào bao lì xì gửi cho các em. Hoạt động lì xì đầu năm của lớp ý nghĩa hơn rất nhiều bởi những lời yêu thương, chia sẻ.

Ngoài ra, vào ngày 14/2, thay vì tổ chức Lễ tình nhân thì thầy tổ chức ngày “Lễ tình thân” bằng hình thức đưa cho mỗi học sinh số tiền nhỏ được trích từ quỹ lớp, để các em tự chuẩn bị quà và đưa đến lớp tạo chương trình “đổi quà bốc số”. Lớp học nhờ vậy mà sôi nổi hơn, không cá nhân nào bị đơn lẻ trong tập thể.

Để trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Theo thầy Phương, việc quan trọng nhất trong môi trường giáo dục chính là việc học, nhưng để học sinh có thể học tập theo hướng tích cực và phát huy được hết sở trường thì vấn đề gắn kết tình cảm giữa thầy và trò rất quan trọng.

Giáo viên phải tạo ra môi trường lớp học như một gia đình, để các em có thể thoải mái chia sẻ với nhau, làm cho lớp cảm nhận được rằng không thể thiếu đi thành viên nào. Người thầy cũng cần phải kiên nhẫn vì lớp học như một xã hội thu nhỏ, những tính cách khác nhau không thể hòa nhập trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong guồng quay của cuộc sống, thời gian để ba mẹ dành cho con cái ngày càng hạn chế. Nhận thấy được thực tế như vậy, thầy Phương như một người cha luôn tận tụy và chia sẻ cùng học sinh. Thầy cho rằng đây là độ tuổi cần sự quan tâm nhiều nhất, thế nên luôn lắng nghe và tiếp cận trao đổi với học sinh.

Với những học sinh có cá tính mạnh, luôn thu mình trong không gian riêng, thầy sẽ lắng nghe và tạo cơ hội để các em được thể hiện ý kiến cá nhân, từ đó tìm ra được điểm tương đồng giữa các em đó và phần còn lại của lớp để gắn kết cả lớp lại với nhau.

Xung đột và bất đồng về mặt tính cách giữa học sinh là điều không thể tránh khỏi, lúc này người giáo viên sẽ là người điều hòa, đứng ra giải quyết những mâu thuẫn, giúp các em hiểu nhau hơn. “Cái tôi cá nhân của các em ở độ tuổi này là rất cao và phải có sự đồng cảm, sự chia sẻ mới có thể giúp các em chan hòa hơn’, thầy Phương chia sẻ.

Công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội được ứng dụng nhiều cũng góp phần tạo thêm sự kết nối. Thầy Phương và học sinh lớp 12A14 thường chia sẻ và trao đổi thông qua những nhóm chat trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, thầy trò càng có dịp gần gũi hơn.

Thầy Phương trong một tiết học ở lớp (Ảnh: Minh Thư).

Thầy Phương trong một tiết học ở lớp (Ảnh: Minh Thư).

Những nỗ lực của thầy Phương trong việc rút ngắn khoảng cách với trò không chỉ giúp hoạt động dạy học bộ môn Lịch sử của thầy hiệu quả hơn, công tác chủ nhiệm tốt hơn, mà còn góp phần tạo nên lớp học hạnh phúc, để học trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nguyễn Khánh Hà (học sinh lớp 12A14) cho biết: “Thầy Phương rất tận tụy, luôn tâm sự với em mỗi khi em stress về việc học tập. Em xem thầy như người cha thứ hai, nhờ thầy mà lớp em khá hòa hợp. Em biết ơn thầy nhiều, vì thầy luôn giúp đỡ tụi em hết mức có thể trong năm học cuối cùng của cuộc đời học sinh.”

Còn Đồng Minh Ngọc (học sinh lớp 12A14) chia sẻ: “Giáo viên để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho em là thầy Phương. Thầy đã dẫn dắt em đến những mục tiêu đã đặt ra. Thầy đã gắn kết các bạn lại với nhau nên trong lớp rất đoàn kết, vui vẻ. Năm lớp 12 của tụi em càng ý nghĩa hơn khi có thầy”.

Cô Lương Bích Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với năm đầu tiên chủ nhiệm lớp 12, thầy Phương đã có những đóng góp tích cực, tạo được sự gắn bó với lớp để các em có kỉ niệm đẹp về trường. Lớp 12A14 là tập thể lớp đoàn kết, năng động và sáng tạo dưới sự dẫn dắt của thầy Phương. Vì vậy thầy được nhiều học sinh tôn trọng và quý mến.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ