Thầy Bùi Mạnh Nhị đa tài

GD&TĐ - Có một thầy Bùi Mạnh Nhị đa tài hiện lên trong 'Trang sách trang đời'.

Bức ảnh PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị và thầy Lê Trí Viễn được in trong cuốn sách 'Trang sách trang đời'.
Bức ảnh PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị và thầy Lê Trí Viễn được in trong cuốn sách 'Trang sách trang đời'.

Ở đó, thầy Nhị không chỉ sâu sắc trong nghiên cứu văn chương mà còn sắc sảo khi viết báo, sâu lắng lúc làm thơ và vô cùng giản dị, chân tình với bạn bè…

Ngòi bút sắc sảo

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị.

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị.

Nhân việc bình luận về cái tài “phê” từ “tâm thành, trí thông” của nhà văn Nguyễn Tuân khi viết phê bình văn học, tác giả đã băn khoăn: “Chao ôi, cái tâm của người phê bình, bây giờ, cũng cần lắm lắm”, cũng bởi: “Một trong những mặt yếu kém của đời sống văn học Việt Nam những năm qua là lĩnh vực lý luận, phê bình. Phê bình bị kêu ca nhiều quá, cả từ phía người sáng tác, cả từ phía người đọc. Thiết tưởng, đọc lại phê bình văn học của Nguyễn Tuân, chúng ta sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích”. Bài viết này - “Nguyễn Tuân viết phê bình văn học” - được thầy Nhị viết và đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay từ tháng 2 năm 1985 - cách đây gần 50 năm nay được chọn in trong “Trang sách trang đời” vẫn nóng hổi tính thời sự bởi thông điệp của bài viết sát với thực trạng và tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với giới lý luận phê bình văn học hiện nay.

“Trang sách trang đời” là cuốn sách tuyển chọn các bài viết ở nhiều thể loại và được viết trong nhiều thời điểm của PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị. Trong đó, hơn nửa số trang sách (384/628tr) được dành cho những bài tiểu luận, phê bình và phân tích thể hiện góc nhìn mang nhiều tính phát hiện của một ngòi bút sắc sảo.

Trước hết, từ những câu chuyện dân gian rất xa xưa song dưới góc nhìn của tác giả thì thông điệp mà cha ông gửi lại luôn nóng hổi tính thời sự. Từ đó, thầy Nhị đưa ra những chỉ dẫn, phân tích, nhận định đầy thuyết phục như một dẫn mở cho độc giả hôm nay cùng thấu cảm, suy ngẫm và soi mình.

Ở bài viết về truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, tác giả đã có cách giải mã rất thú vị khi đưa ra vấn đề về “văn hóa chọn người hiền tài” cùng nhận định về lời vua Hùng nói với mọi người về hai loại bánh mà hoàng tử Lang Liêu dâng lên, rất chí lý: “là cách “đọc”, cách “giải mã”, cách “thưởng thức”, nhận xét về văn hóa, con người. Nhận xét của vua Hùng về bánh chưng, bánh giầy cũng chính là ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của nhân dân về cách chọn người hiền tài” (Tr11).

Hay khi khép lại bài nghiên cứu chuyên sâu viết chung với PGS.TS Nguyễn Tấn Phát “Nhân vật lý tưởng và cốt truyện của truyện cổ tích thần kỳ”, các tác giả đã nhấn mạnh đến giá trị của truyện xưa mà chưa giờ xưa: “Không một cổ tích thần kỳ nào mà có tuổi đời trẻ hơn tuổi ông bà chúng ta và cũng thật là kỳ lạ, không một cổ tích nào già nua trong ngàn vạn đôi mắt của lớp lớp những thế hệ mới. Một cuộc đời tươi sáng hơn, một xã hội hạnh phúc hơn, một thế giới yên lành hơn,... Đó là ước mơ của bao thế hệ. Cổ tích thần kỳ đã chứa đựng trong nó một sức bung vô tận để thỏa mãn ước mơ ấy của chúng ta” (Tr26)

Đối với các văn nghệ sĩ hiện đại, bên cạnh việc thêm một lần khẳng định về tài năng của họ thì tác giả còn có những kiến giải của riêng mình. Như với bài viết “Nguyễn Bính - Nhà thơ của nhiều thời”, thầy Nhị có phát hiện rất độc đáo về nhà thơ “chân quê” này khi đưa ra cặp phạm trù không phải của cá nhân thi sĩ mà của nhân loại: “Nguyễn Bính là nhân vật điển hình của cặp phạm trù “gia đình - không gia đình” thời Thơ mới.

Đây cũng là cổ mẫu rất tiêu biểu của văn hóa và văn học nhân loại (...) Trong thơ Nguyễn Bính, mẫu đề “Không gia đình” luôn song hành với mẫu đề “Đi - Lỡ bước” (...) Các nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính phần lớn cũng trong trạng thái tinh thần “Không gia đình”, cô đơn...”.

Với Lưu Quang Vũ, thật thú vị khi được đọc những lý giải về “người khổng lồ” mà nhà viết kịch này “đứng lên” để tạo nên sức hấp dẫn trong những sáng tác của mình: “Người khổng lồ” đầu tiên có lẽ chính là từ truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc, nhân loại(...) “Người khổng lồ” thứ 2 là sự liên kết các thể loại.

Liên kết các yếu tố tạo nên trò diễn. (...) “Người khổng lồ” thứ 3 là quan niệm nghệ thuật, tâm hồn, trái tim nghệ sĩ trong chính con người anh (...)”. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm đến độc giả “người khổng lồ” không phải chỉ ở bên tác gia Lưu Quang Vũ mà: “Những người khổng lồ vừa hữu hình vừa vô hình. Và hình như, ai cũng có bên cạnh. Tầm vóc có thể khác nhau. Vấn đề là biết đi tìm, đánh thức và nuôi dưỡng...” (bài viết “Sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ”).

Ăm ắp cảm xúc

Một bạn văn chịu chơi

“Trong đời sống thường nhật thời bao cấp khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh, người thơ Bùi Mạnh Nhị chịu chơi tới mức nổi tiếng là giỏi chịu đựng bạn bè văn nghệ. Nhà thơ Hoài Anh chuyển từ Hà Nội vào tá túc ở nhà anh cả tháng! Nhà thơ trẻ Cao Xuân Sơn mới ra trường chờ việc, tá túc ở nhà anh cả tháng. Chơi với Lưu Trọng Văn, nhưng ông em đẹp trai Lưu Trọng Mã, tới nhà tá túc cả tháng! Vậy mà vẫn cười, vẫn không bỏ lớp và không bỏ các chiếu rượu văn nghệ”… Nhà văn Trần Quốc Toàn

Cùng với một nhà khoa học nghiêm cẩn, sắc sảo, từ “Trang sách trang đời” độc giả còn được gặp gỡ một tâm hồn thi sĩ Bùi Mạnh Nhị với những trang chân dung, tùy bút ăm ắp cảm xúc.

Đọc các bài viết khắc họa chân dung những người thầy đáng kính như: GS. NGND Lê Trí Viễn; GS.NGND Hoàng Như Mai; PGS.NGƯT Nguyễn Nguyên Trứ... của Bùi Mạnh Nhị, độc giả không chỉ được thêm một lần cảm phục về tài năng, tâm huyết với nghề của các nhà giáo mà còn được chiêm ngưỡng gương mặt đời thường rất đỗi giản dị, hồn hậu của các thầy.

Với thầy Lê Trí Viễn là câu chuyện đắm mình trong những giây phút cảm thụ tác phẩm: “Mấy anh “nhất quỷ nhì ma” đã có lúc xem trộm thầy ngồi viết một người đang nhập đồng. Đọc. Ngâm nga. Khóc. Đập bàn. Vò nát sách… Rõ ràng là một nghệ sĩ đích thực. Rõ là hậu duệ của “nòi văn”...”. (Bài viết “Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn - hậu duệ của nòi văn”).

Với thầy Hoàng Như Mai là ký ức: “Nhà giáo dục Hoàng Như Mai luôn gắn với con người nghệ sĩ. Giọng thầy rất sang, đầy thuyết phục. Từng là nghệ sĩ sân khấu, thầy biết phát huy sức mạnh của giọng nói...” (Bài viết “Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai - cây đại thụ của giáo dục và văn hóa Việt Nam”).

Với thầy Nguyễn Nguyên Trứ lại là cuộc trò chuyện về “thương người” và “thương thân” gợi lên bao suy tư xen những ngậm ngùi: “Trong một lần trò chuyện, thầy Nguyễn Nguyên Trứ hỏi tôi: “Nhị ơi, trong câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”, vì sao dân gian đặt vế “thương người” lên trước “thương thân”?” (Bài viết “Nhớ về Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ”)…

Riêng chân dung về GS. TSKH Trần Văn Nhung được tác giả khắc họa khá đặc biệt - từ tác phẩm “Sộp thành nhà giáo” của nhân vật. Đó là một thầy Trần Văn Nhung có tới 5 con người, từ nhà quản lý, nhà khoa học, người thầy đến con người của vị thế, thể diện quốc gia và con người nghệ sĩ “làm duyên dáng, hóm hỉnh những con người kia.

Và những con người kia làm sâu sắc thêm con người nghệ sĩ”, tác giả luận bình trong bài viết “Sách thú vị của một người thú vị, hay là người thú vị của sách thú vị”. Ngoài bài viết này, thầy Nhung còn thấp thoáng ở bài viết “Thơ tình” (đã được đăng trên báo Giáo dục và Thời đại) của thầy Nhị.

Tác giả đã thật tài khi chỉ thêm đôi câu liên quan tận cuối bài nhưng đủ thấy một người nghệ sĩ trong thầy Nhung: “Trưa nay, sếp chúng tôi, Giáo sư Trần Văn Nhung, đi mừng sinh nhật thầy giáo cũ, không biết cuộc vui này. Mai nghe, thế nào cũng quở: Chúng mày không đợi tao!”

Thực ra, “Thơ tình” là một trong số các bài viết theo lối tùy bút chân thực đến nhẹ tênh và hài hước hóm hỉnh để tác giả kể chuyện về đồng nghiệp, bạn bè thân quý của mình qua những tình huống, sự việc cụ thể.

Dù không tường tận như một bài viết chân dung nhưng ở những trang tùy bút này độc giả vẫn có thể nắm bắt được bao điều thú vị về một con người mà tác giả phải có sự quan sát tinh tế cùng tấm chân tình, yêu mến thì mới có thể tái hiện lại sinh động như thế.

Ở đó có cựu chiến binh Nguyễn Minh Mẫn lịch lãm, làm thơ tình rất hay để Bùi Mạnh Nhị được bình, được đọc ra hồn vía… Hay trong “Bạn quý” là một Hà Văn Công giỏi thẩm rượu và tiếu lâm nhưng giao tiếp thì “tưng tửng, từng tưng” được dẫn ra trong từng câu chuyện, cuộc đối thoại khiến bạn đọc phải bật cười.

Bên cạnh đó còn có một Ngũ Duy Anh được gắn với những giai thoại của một con người chí tình. Rồi thì Duy Anh mau nước mắt trong cuộc sống đời thường song khi đối diện khó khăn trong công việc thì "lì" lắm.

Lúc anh gặp sóng gió, có lần tôi gợi ý hay Duy Anh về chỗ này chỗ kia, hoặc cùng lắm, Duy Anh về chỗ tớ. Anh cảm ơn và chịu đựng. Những lúc ấy, tôi cứ nghĩ, hay là anh có “sức bền thể thao”. Cái quý nhất của thể thao, phải không, là nó giúp người ta vượt qua chính mình, chiến thắng chính mình?”.

Có khi còn là ghi chép một nét “Thưởng trà” nhẹ nhàng, thanh tao nhưng đầy dư vị; là niềm tự hào về cây tre Việt Nam “con mắt tre đánh dấu từng tuổi lớn. Từ cây tre thấy hình của nước” để rồi Bùi Mạnh Nhị nhắc nhở: “Thế kỷ XXI, những kỹ nghệ sắt thép, xi măng đã hóa rất bình thường. Nhưng cần nhớ rằng sắt thép, xi măng chỉ có ý nghĩa công năng, chứ không mang ký hiệu văn hóa. Tre là lối vào lịch sử và văn hóa Việt Nam” (Bài viết “Việt Nam ơi, ta lại gọi tên mình”).

Nhưng cũng có khi tác giả chỉ khiêm tốn đặt nhan đề “Một ghi chép đời thường” song gieo vào lòng người đọc những nốt trầm về chuyện nhân nghĩa ở đời: “Tiễn em về. Giờ thì đến lượt tôi khóc. Thương các em tôi. Cậu mợ tôi mất cả rồi. Như có tiếng vọng từ cánh đồng làng, nơi cậu mợ tôi yên nghỉ, tiếng cậu mợ tôi: Anh Nhị, giúp cậu mợ để nhắc nhở các em!”.

Cất lên tiếng thơ…

Từ 'Trang sách trang đời' độc giả được gặp một thầy Bùi Mạnh Nhị đa tài. Ảnh: Bình Thanh.

Từ 'Trang sách trang đời' độc giả được gặp một thầy Bùi Mạnh Nhị đa tài. Ảnh: Bình Thanh.

Và, tâm hồn thi sĩ của PGS.TS Bùi Mạnh Nhị còn cất lên ở gần 40 thi phẩm được in trong “Trang sách trang đời” như thổ lộ tiếng lòng trong ông với chính mình, với thế thái nhân tình. Có thể kể đến một “Vô đề” không phải cho riêng thi nhân: “…Rót đất trời vào ly nhỏ/Thiên địa rung rinh lòng ta//Rót cho đầy vĩnh cửu/Uống cho cạn thoảng qua…”.

Rồi thì giây phút hòa vào thế giới âm thanh cuộc sống đến nghẹt thở từ buổi hòa nhạc: “Những âm thanh xô vào ngực tôi/Những âm thanh bốc lửa trong đầu tôi…/Tôi nghẹt thở trước âm thanh kỳ diệu…//Buổi hòa nhạc ngừng rồi/Tôi đi như chạy ra khỏi nhà hát/Tìm những người yêu nhau lưu lạc/Tìm tiếng khóc trẻ con yên tính nhất trên đời/Tìm những con chim vặt lông mình làm tổ…” (bài thơ “Âm nhạc”)…

Bên cạnh đó, tâm hồn thi nhân của Bùi Mạnh Nhị cũng có khi rất đỗi dịu dàng, ấm áp: “Tôi có là một đọt âm thanh/Để xóa đi nỗi buồn lá rụng/Sóng đôi cùng mùa Xuân xao động/Tôi lắng nghe Xuân, tôi lắng nghe mình…” (Bài thơ “Lắng nghe”).

Và cũng có khi vô cùng trìu mến, đong đầy lòng biết ơn khi nhìn từ truyền thuyết xưa: “Truyền thuyết An Tiêm truyền thuyết của bàn tay/Con cháu đời sau học ông bà gieo hạt/Biết đào sông, san đồi đắp đập/Bấm đốt ngón tay tính vụ tính mùa…” (Bài thơ “Bàn tay người và truyền thuyết An Tiêm”)…

Thực ra, tâm hồn thi nhân của thầy Bùi Mạnh Nhị thì ai từng biết cũng bắt đầu đi từ ngạc nhiên đến mến mộ. Điều này độc giả sẽ nhận thấy khi đọc gần 10 bài viết về ông cũng được tập hợp trong cuốn “Trang sách trang đời”.

GS.TS N.I.Nhikulin (Viện Văn học thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) khi viết ý kiến nhận xét về luận án Phó Tiến sĩ “Lịch sử nghiên cứu thi pháp thơ ca trữ tình phi lễ nghi trong folklore học ở Nga và Việt Nam” của Bùi Mạnh Nhị đã bày tỏ: “Tôi thích thú bắt tay vào việc này và nhận ra rằng trước tôi là cả một công trình không chỉ của một nhà khoa học folklore, tác giả cuốn giáo trình về folklore cho sinh viên đại học mà còn là một con người có tâm hồn của một nhà thơ, có một mẫn cảm thơ ca tinh tế đối với ngôn từ nghệ thuật”.

Tiếp đó, chính vị giáo sư này đã đi từ khâm phục đến niềm vui hãnh diện khoe về thành công luận án Tiến sĩ của Bùi Mạnh Nhị đã ghi dấu vào lịch sử tại nhà Puskin: “Ngày 30/10/1995 là Ngày Việt Nam đầu tiên tại nhà Puskin, lần đầu tiên một luận án tiến sĩ về folklore học đã được bảo vệ ở Nga bởi một nhà khoa học Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Nhà Puskin, đã vang lên âm điệu và những từ ngữ ca dao Việt Nam”.

Với GS.TSKH Trần Văn Nhung thì: “Tôi thích thơ anh vì phong cách vừa dân dã vừa hàn lâm, vừa cụ thể vừa trìu tượng, không dung tục nhưng gợi cảm, kích thích trí tưởng tượng hình khối, hương vị, màu sắc, đa chiều của bạn đọc”.

Qua bài viết: “Một kỷ niệm về thơ với Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Vinh Hiển”, thầy Nhung còn tiết lộ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Vô đề” của Bùi Mạnh Nhị - bài thơ được đăng báo Văn nghệ rồi tuyển in trong bộ “Nghìn năm thơ Việt 1010 - 2010” do Nxb Văn học ấn hành.

Có thể thấy, thêm một lần độc giả hôm nay được gặp và được “khám phá” về một thầy Bùi Mạnh Nhị đa tài khi cùng đọc cuốn “Trang sách trang đời” do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Cũng từ những trang sách không chỉ ăm ắp các bài viết hữu ích, những kỷ niệm khó quên cùng bao tấm hình lưu giữ những khoảnh khắc quý giá mà “khi chuẩn bị bản thảo, tôi luôn nhớ tới gia đình, quê hương, nhà trường, cơ quan, đơn vị, những người thầy, người anh, đồng nghiệp, học trò ở trong và ngoài nước đã giúp tôi trưởng thành” (như lời ngỏ đầu sách của PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị), độc giả thêm một lần được hiểu bởi đâu mà người thầy ấy luôn được thầy cô giáo, bạn học và cả các văn nghệ sĩ đều yêu quý, kính trọng…


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.