Lấy nghị lực từ miền đất khó
“Trong hơn 7 năm công tác tại trường, tôi đã cùng với đội ngũ giáo viên huy động được trên 4 tỷ đồng (quy ra tiền) để nuôi học sinh và làm 2 cây cầu sắt phục vụ nhân dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ làm nhà dân, chữa bệnh cho học sinh, làm bể chứa nước, nhà ở bán trú” – thầy Bảo cho biết.
Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên (trước là tỉnh Lai Châu), thầy Phạm Quốc Bảo (SN 1980) đã thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của vùng cao. Chính những cái khó ấy đã rèn cho thầy nghị lực để vượt lên trong quá trình “gieo chữ” ở vùng cao.
Thầy Bảo kể: “Bố mẹ tôi quê ở Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Ông bà là thanh niên xung phong, lên xây dựng Điện Biên từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bố tôi là công chức, còn mẹ làm nghề buôn bán nhỏ. Cuộc sống không mấy khấm khá nên ngay từ nhỏ, tôi đã quen với nhịp sống vùng cao, gắn bó với đồng bào trên này”.
Năm thầy Bảo học lớp 5, cả gia đình di chuyển vào Mường Nhà (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) sinh sống. Mọi công việc của những đứa trẻ vùng cao khi ấy thầy đều được trải nghiệm và nhớ rõ. Hàng ngày vẫn tuần tự: Sáng đi lấy bon cho lợn, chiều chăn trâu, cắt cỏ…
“Lúc đó, mình bỏ học một năm để vào sống cùng bố mẹ. Ở đó toàn bà con người dân tộc thiểu số. Hàng ngày vẫn lên rừng, lội suối cùng bố để kiếm măng, bắt cá. Năm sau, mình được các chú bộ đội biên phòng vào động viên mới tiếp tục đi học trở lại”, thầy Bảo kể.
Các nhà hảo tâm ủng hộ gạo cho trường. |
Vào năm 1999, thầy Bảo thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, vào học lớp Trung cấp Sư phạm 12+2. Sau 2 năm, thầy Bảo ra trường và lên dạy hợp đồng tại huyện Tủa Chùa - mảnh đất vùng cao chỉ có đất đai cằn cỗi xen cùng các vỉa đá non. Nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất khan hiếm, giao thông đi lại hạn chế… đã khiến cuộc sống của đồng bào người Mông ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
“Năm đó, toàn tỉnh không tuyển dụng biên chế, chỉ có hợp đồng. Nên tôi đã xin lên dạy tại Trường Tiểu học Trung Thu, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa. Khi ấy, tuổi còn trẻ, mình chỉ khao khát được cống hiến, khó đến mấy cũng mong muốn vượt qua”, thầy Bảo nói.
Đến tháng 8/2002, thầy Bảo được Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu tuyển dụng và phân công về Trường Tiểu học Nậm Ban, huyện Sìn Hồ công tác.
Theo thầy Bảo, Nậm Ban ngày đó đường sá còn nhỏ hẹp, chưa có đường như bây giờ. Vào trường công tác, đa số phải đi bộ. Địa bàn chủ yếu là đồng bào Mảng, điều kiện kinh tế thuộc diện đặc biệt khó khăn. Khi đó, bà con rất ít trồng rau, nuôi lợn. Gà thường hay bị dịch nên rất hiếm khi mua được thực phẩm tại chỗ. Thầy cô phải đi bộ tới chợ Pa Tần, cách trường 35km để mua rau, thịt hay cá khô vào dự trữ, ăn dần.
Thầy Bảo trong những lần trực tiếp lên bản đón học sinh đến trường. |
Thầy Bảo tiếp chuyện, khó khăn nữa là ruồi vàng. Khi đó, ruồi vàng ở Nậm Ban nhiều lắm. Nhiều khi trời nắng nóng, mọi người cũng vẫn phải mặc quần áo dài tay, đeo tất ngồi soạn bài nhưng vẫn bị đốt. Những vết đốt về sau nổi cục, ngứa ran.
“Nhiều thầy cô khi đó rất sợ ruồi vàng. Phải đến hè năm 2006, ruồi vàng mới bớt. Khi đó, Nậm Ban trải qua nhiều trận mưa lũ, tôi nghĩ chắc do nhiều khu vực sinh sống của ruồi vàng bị cuốn trôi. Những năm gần đây, hầu như không còn ruồi vàng ở đó”, thầy Bảo chia sẻ.
Vượt qua tất thảy những khó khăn đó, vào năm 2006, thầy Bảo được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Ban. Cũng năm đó, Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Khi đó, nhà trường có rất nhiều học sinh không biết đọc, viết, tính toán mặc dù đã học quá lớp 2.
“Từ một giáo viên cắm bản, không có kinh nghiệm quản lý, tôi được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng. Song, bản thân luôn nỗ lực vươn lên, đồng thời tích cực học hỏi đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau 3 năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tôi, nhà trường không còn tình trạng không biết đọc, viết, tính toán. Học sinh cơ bản đạt chuẩn kiến thức” – thầy Bảo chia sẻ.
Khi nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục ở Nậm Ban được đền đáp, thầy Bảo lại có một thời gian chia tay với nghề giáo. Thầy chuyển về làm chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Sìn Hồ từ năm 2010 - 2013.
Thầy Bảo hỗ trợ gạo và thực phẩm cho hộ nghèo trong xã. |
Xã thoát nghèo, học sinh thêm khó...
Khi huyện Nậm Nhùn được thành lập (năm 2013) trên cơ sở chia tách huyện Sìn Hồ và huyện Mường Tè, thầy Bảo về làm chuyên viên phòng GD&ĐT của huyện mới. Một năm sau đó, thầy nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh.
“Lúc mới lên trường, tôi thấy thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tới sân chơi cho học sinh. Tỷ lệ chuyên cần rất thấp, chỉ khoảng 80%. Học sinh thường bỏ học về nhà từ thứ 4 và phải vận động mãi mới đến trường. Phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con. Uy tín của nhà trường, giáo viên với phụ huynh, học sinh chưa cao”, thầy Bảo nói.
Khó chồng thêm khó, khi từ năm 2017, xã Nậm Manh ra khỏi xã khu vực 3. Hơn 200 học sinh khi đó bị mất chế độ chu cấp gạo và tiền ăn hàng tháng từ nguồn ngân sách. Vì vậy, tỷ lệ huy động học sinh đến trường càng giảm sút.
Chính vì thế, thầy Bảo cùng các giáo viên trong trường đã chia sẻ hoàn cảnh của học sinh lên các trang mạng xã hội để huy động sự ủng hộ. Trong 2 năm (2017 - 2018) nhà trường đã huy động được gần 600 triệu đồng từ “Quỹ trò nghèo vùng cao” để mua thức ăn cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh, chia sẻ: “Người dân nơi này sinh nhiều con, có gia đình đến 5, 6 đứa đi học nên không đủ gạo đóng cho các con ăn học tại trường. Trước đây, thầy cô phải rất vất vả đi huy động học sinh đến trường. Nay, các em đến trường được nuôi ăn, ở nên việc vận động cũng dễ hơn nhiều”.
Các nhà hảo tâm ủng hộ gạo cho trường. |
Đến tháng 1/2019, học sinh ở bán trú trong trường được tỉnh Lai Châu hỗ trợ tiền ăn nhưng không được hỗ trợ gạo. Không thể ép phụ huynh góp gạo cho con, trách nhiệm lo cho trò cơm đủ no lại dồn lên vai nhà giáo. Những lá thư xin gạo đã được thầy Bảo nhiều lần gửi đi.
Trong bức thư, thầy Bảo kể rằng: Học kỳ I, học sinh đã có đủ gạo để ăn. Nhưng trong 4 tháng của học kỳ II, nhà trường cần 9.774 kg gạo để nuôi các em. Ngoài nhu cầu về gạo, nhà trường cũng cần xây thêm một bếp ăn bán trú (65m2)…
“Nhà trường kính mong các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hết sức giúp đỡ”, thầy Bảo kêu gọi.
Từ bức thư ngỏ của thầy Hiệu trưởng, giáo viên nhà trường cũng chia sẻ để câu chuyện thiếu gạo ở Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh được lan tỏa đến với các nhà hảo tâm.
“Chúng tôi xác định xin cho trò nghèo thì không có gì phải ngại. Nên ở đâu có thể thì chúng tôi gửi thư đến xin. Cái cốt là có gạo để nuôi các em”, thầy Bảo trải lòng.
Trước tấm lòng của thầy, cô giáo vùng cao đến với trò nghèo, hàng chục tấn gạo được gửi đến trường để giúp đỡ nuôi các em. Đây cũng là động lực để thầy cô “giữ trò” trên rẻo cao Nậm Manh.
Theo thầy Bảo, nhà trường luôn xác định xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Muốn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thì phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Đây là quan điểm được thầy cùng với ban giám hiệu nhà trường xác định trong mỗi năm học.
Cô Lương Văn Được, giáo viên nhà trường, chia sẻ: “Không chỉ làm tốt công tác xã hội hóa, thầy Bảo còn được rất nhiều thầy cô nhà trường kính mến. Thầy luôn là tấm gương để giáo viên chúng tôi học tập, noi theo”.
“Hiện tại, tôi đang kêu gọi để làm 6 phòng ở công vụ cho giáo viên vì nhà gỗ hiện nay đã xuống cấp. Là trường phổ thông DTBT nên việc giáo viên ở trong trường sẽ thuận lợi hơn cho quản lý, giáo dục học sinh nội trú. Đồng thời, tôi kêu gọi xây 3 phòng học để thay thế các phòng làm bằng sắt, thưng tôn rất nóng bức”, thầy Bảo nói.
Thở phào vì trò sẽ không bị đói, nhưng thầy Bảo vẫn mong sớm có một chính sách hỗ trợ sát với thực tế hơn. Bởi dù thương trò đến mấy thì thầy cô cũng không thể đi xin mãi được, nhất là sắp tới, tập thể giáo viên nhà trường phải dồn sức cho việc đổi mới giáo dục.
Năm học 2021 - 2022, Nậm Manh là địa phương duy nhất của tỉnh Lai Châu từ xã vùng 2 trở thành vùng 3. Học trò nhà trường được hưởng lại những chế độ chu cấp gạo và tiền ăn. Gánh nặng về bữa cơm đủ no của học sinh nhà trường thêm phần vơi bớt. Nhưng những nỗ lực của thầy Bảo sẽ luôn được học sinh và bà con dân bản ghi nhận.
Bà Lý Thị Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Manh, chia sẻ: “Không chỉ vận động cho học sinh, thầy Bảo còn vận động ủng hộ bà con nhân dân trên địa bàn. Những hộ nghèo hay gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều được thầy kêu gọi và cùng chính quyền địa phương hỗ trợ. Cùng với đó, thầy cũng làm tốt công tác tham mưu ký kết giữa các thôn bản với chính quyền xã trong việc huy động học sinh đến trường. Từ đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường luôn được duy trì cao”.