Cùng sự quan tâm của chính quyền, các trường từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt “bù” thiếu đội ngũ để bảo đảm kế hoạch năm học.
Nỗ lực đầu tư
Trường THCS thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy. Năm học trước, trường được đầu tư 13 phòng học thông minh với trang thiết bị hiện đại gồm: Hệ thống màn hình tương tác thông minh, bảng trượt, camera, webcam trực tuyến cùng với phần mềm dạy học hiện đại. Điều kiện thuận lợi giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, năm học 2021 - 2022, huyện đưa vào sử dụng 2 trường học được xây mới đó là Mầm non Đông Xá và Tiểu học thị trấn Cái Rồng.
Cô Nguyễn Hương Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Rồng chia sẻ: Năm học tới nhà trường chuyển sang học tại địa điểm mới. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp với 25 phòng học đáp ứng việc học 2 buổi/ngày cho học sinh. Trường mới có đầy đủ phòng học bộ môn như: 2 phòng ngoại ngữ, 2 phòng tin học, 1 phòng âm nhạc, 1 phòng mỹ thuật, 1 phòng giáo dục nghệ thuật, với khu hiệu bộ rộng rãi. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Với sự đầu tư trang thiết bị, xây mới các trường học, ngành Giáo dục huyện Vân Đồn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Hải Yến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn cho hay: Năm học 2021 - 2022 ngành Giáo dục đưa vào sử dụng 40 phòng học, phòng bộ môn. Các trường được bổ sung phòng học như: Tiểu học và THCS Bình Dân 6 phòng; Tiểu học Đông Xá 8 phòng; Tiểu học Hạ Long 1 bổ sung 6 phòng…
Ngành Giáo dục cũng được quan tâm bổ sung các thiết bị dạy học, bàn ghế cho trường còn thiếu với kinh phí 3,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 31 đơn vị trường học trong huyện được sửa chữa, chỉnh trang môi trường với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Vân Đồn là huyện đảo, với đặc thù địa hình chia cắt với nhiều hòn đảo lớn, nhỏ. Hạn chế bởi điều kiện kinh tế, phương tiện di chuyển cách trở nên nhiều trường học nơi đảo xa chưa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giáo dục mới.
Năm học mới, Trường Tiểu học và THCS Vạn Yên, huyện Vân Đồn dự tính có 223 học sinh. Trường có một điểm chính và 2 phân hiệu. Cô Bùi Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vạn Yên, huyện Vân Đồn chia sẻ: Cơ sở vật chất của nhà trường đã cũ nhưng chưa được xây mới do vướng quy hoạch của địa phương. Bảo đảm công tác dạy học, hàng năm nhà trường được quan tâm, sửa chữa các phòng học. Tuy nhiên, trường không có các phòng học bộ môn. Thiết bị đồ dùng mới bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho công tác giáo dục nên thầy trò nhà trường cùng nỗ lực khắc phục. Dự kiến năm 2022, nhà trường sẽ được xây mới. Thông tin này khiến các thầy cô giáo, phụ huynh rất phấn khởi.
“Điểm trường Tân Lập, Trường Tiểu học Quan Lạn, xã Quan Lạn (Vân Đồn) hiện nay vẫn ghép cùng điểm trường mầm non. Thiết bị dạy học chủ yếu là “cơ động” từ điểm trường chính mang sang. Điện lưới không ổn định, không có mạng Internet nên việc kết nối dạy học qua mạng, ứng dụng CNTT vào giảng dạy không được thực hiện”, cô Huyền nói.
Không riêng gì Tân Lập, nhiều điểm trường lẻ của Vân Đồn còn thiếu thốn, hạn chế về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Năm thứ 2 thực hiện chương trình mới, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện chưa đủ phòng học để tổ chức 2 buổi/ngày trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội hóa khó khăn. Khắc phục hạn chế, các nhà trường tập trung phát huy nội lực, ưu tiên cho các lớp đầu khối để “chạy” chương trình.
Linh hoạt sắp xếp
Bà Tô Thị Khâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cát Bà, TP Hải Phòng cho hay: Năm học 2021 - 2022 đến gần, đáp ứng nhu cầu thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ chương trình mới, phòng GD&ĐT phối hợp cùng phòng Tài chính - Kế hoạch khảo sát, trang bị thiết bị dạy học cho 6 trường: Mầm non Hoàng Châu, Mầm non Phù Long, Tiểu học Đoàn Đức Thái, Tiểu học và THCS Xuân Đám, THCS thị trấn Cát Bà, THCS thị trấn Cát Hải với tổng kinh phí trên 19 tỉ đồng. Các trường đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất đón năm học mới.
Năm học tới, Trường Mầm non và Tiểu học Bạch Long Vĩ, huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng dự kiến có 50 học sinh. Theo thầy Ngô Quang Minh - Hiệu trưởng nhà trường, dù là huyện đảo nhưng nhà trường được đầu tư khá đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học. Đến nay, đồ dùng học tập và SGK cho năm học tới đã chuyển về trường. Nhà trường cũng được sở GD&ĐT hỗ trợ 20 bộ SGK. Dự kiến ngày 23/8, nhà trường tập trung đội ngũ chuẩn bị cho năm học mới.
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, đối với 31 đơn vị trực thuộc, số biên chế được giao năm 2021 là 856, số biên chế hiện có là 801. Tính đến 31/5/2022, số GV thiếu theo biên chế là 70 người.
Cô Hoàng Thị Thanh Chải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quan Lạn trao đổi: Nếu số lượng đội ngũ ổn định như năm học trước, nhà trường cơ bản đủ giáo viên để giảng dạy. Tuy nhiên là đặc thù xã đảo, giáo viên chủ yếu đến theo diện “nghĩa vụ”, năm học này nhiều cô xin về đất liền do điều kiện con nhỏ, sức khỏe yếu nên có thể nhà trường sẽ thiếu giáo viên.
Năm nay, nhà trường tuyển sinh 75 trẻ lớp 1, do có nhiều phân hiệu lẻ nên phải chia thành 5 lớp. Với các lớp thực hiện chương trình mới và lớp cuối cấp, nhà trường không thực hiện ghép lớp. Còn lại các lớp khác tại các điểm trường lẻ như Tân Lập, Yến Hải, Sơn Hào, nhà trường linh hoạt ghép lớp bảo đảm sĩ số và đủ giáo viên đứng lớp.