Chuẩn bị năm học mới: Trường vùng khó… ngóng giáo viên

GD&TĐ - Năm học 2021 – 2022, nhiều địa phương vẫn còn thiếu giáo viên. Khắc phục tình trạng này, một số cơ sở GD đã áp dụng các giải pháp tình thế, nhằm đảm bảo mục tiêu: Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên đứng lớp.

Học sinh Trường THCS - THPT Xuân Trường (Lâm Đồng) trong giờ thực hành. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THCS - THPT Xuân Trường (Lâm Đồng) trong giờ thực hành. Ảnh minh họa

Thiếu giáo viên ở tất cả cấp học

Là một trong những trường thuộc vùng biên giới, thầy Đỗ Văn Long – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết: Ngày 20/8, thầy – trò sẽ tựu trường, chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà trường vẫn thiếu 5 giáo viên cơ bản và chưa có giáo viên bộ môn Tin học, Tiếng Anh. “Chúng tôi mong ngóng từng ngày để được bổ sung giáo viên cho năm học này. Hy vọng, điều đó sẽ thành hiện thực trước khi năm học mới bắt đầu” – thầy Long bộc bạch.

Nhiều khu vực khác của tỉnh Hà Giang cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 180 trường phổ thông dân tộc bán trú. Với hơn 18.000 cán bộ, giáo viên, hiện tỉnh này thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn ở bậc mầm non và tiểu học. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học nhiều nơi thiếu thốn và xuống cấp.

Ông Đặng Hữu Dương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho hay: Năm học 2021 - 2022, tuy không còn tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng toàn huyện thiếu khoảng 50 giáo viên, chủ yếu dạy tiểu học.

Một lớp học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Một lớp học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Giám đốc Sở GD&ĐT Hoà Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học. Tỷ lệ các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày còn thấp (khoảng 22,7%); một số huyện thiếu giáo viên nên chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1. Ở một số địa phương, việc phân bổ giáo viên giữa các vùng chưa cân đối, còn 6/223 trường chưa đạt tỷ lệ 1 giáo viên tiểu học/lớp, không đảm bảo tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình còn thiếu 111 giáo viên THPT và 355 giáo viên THCS; trong đó có giáo viên các môn: Khoa học tự nhiên, Toán, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh…

Bệnh cạnh đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương này chưa có giáo viên giảng dạy các môn học: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Âm nhạc, Mỹ thuật; chưa có giáo viên được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành giảng dạy các môn: Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương. Hòa Bình cũng thiếu giáo viên các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân; giáo viên giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chưa bảo đảm về trình độ đào tạo.

Giờ học môn Sinh của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC
Giờ học môn Sinh của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Giải pháp tình thế

Thanh Hóa thiếu khoảng 3.000 giáo viên mầm non và tiểu học. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá Trần Văn Thức, tỉnh đang giao các địa phương tuyển dụng giáo viên; đồng thời khuyến khích giáo viên có năng lực dạy thêm giờ. Ngoài ra, sở hợp đồng với các giáo viên đã nghỉ hưu còn sức khoẻ, có nguyện vọng và có chuyên môn tốt tái ký hợp đồng giảng dạy. “Về lâu dài, sở đang tham mưu cho tỉnh và phối hợp các địa phương để có chính sách khuyến khích học sinh thi, xét tuyển vào các trường sư phạm theo dự báo thiếu của từng cấp, môn và từng địa phương để có nguồn tuyển” – ông Thức nói.

Ông Đặng Hữu Dương thông tin: Theo kế hoạch, cuối năm nay có đợt tuyển dụng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở một số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Mong rằng, đợt tuyển dụng này sẽ giải quyết được số lượng và chất lượng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước mắt với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Theo thầy Đỗ Văn Long, tình trạng thiếu giáo viên nên dẫn đến thiếu thầy/cô chủ nhiệm ở một số lớp. Vì vậy, nhà trường buộc phải phân công 1 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp, một lớp học sáng và một học lớp buổi chiều. Cũng vì thiếu giáo viên nên năm học 2020 - 2021, toàn bộ  thành viên Ban giám hiệu nhà trường phải luân phiên đứng lớp dạy học. Có những hôm giáo viên nghỉ ốm, hiệu trưởng, hiệu phó trở đều đứng trên bục giảng.

“Nếu các cơ quan quản lý cấp trên chưa kịp bổ sung giáo viên cho nhà trường, giải pháp tình thế này sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm học 2021 - 2022” – thầy Long nói, đồng thời cho hay: Trước mắt, nhà trường ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1 và lớp 2 để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ở một số điểm trường xa trung tâm, vẫn phải thực hiện 1 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp (lớp 1 và lớp 2), mỗi lớp học 1 buổi (sáng – chiều).

Anh Hoàng Văn Chương - thôn Tìa Chờ Chứ, xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) có con vào lớp 2A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái mong muốn: các con có đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập khi bước vào năm học mới, nhà trường có đủ giáo viên đứng lớp để trẻ được học 2 buổi/ngày như điểm trường chính.

“Trước mắt, chúng tôi đề xuất UBND huyện cho phép các cơ sở giáo dục còn thiếu giáo viên được ký hợp đồng với sinh viên đã tốt nghiệp trường sư phạm. Qua đó, nhằm đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới” – ông Đặng Hữu Dương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ