Thấu triệt triết lý "hai con dê qua một cây cầu" để cả đời không còn hận thù, phiền lụy

Khi ai đó cho mình đúng thì cũng đồng thời không chấp nhận đối phương. Do đó, cả hai người vô tình đóng bít cánh cửa truyền thông với nhau.

Thấu triệt triết lý "hai con dê qua một cây cầu" để cả đời không còn hận thù, phiền lụy

Hỏi: Có trường hợp hai bên sân hận, thề không đợi trời chung, cả hai chấp ngã và tự cho mình là đúng, bên kia sai. Họ không hề có thiện chí hòa giải và nói rằng: “Suốt cuộc đời tôi không bao giờ chấp nhận hòa giải”. Kết quả cả hai vì sân hận mà đau khổ. Vậy khi rơi vào tình huống này chúng ta phải làm gì?

Thấu triệt triết lý "hai con dê qua một cây cầu" để cả đời không còn hận thù, phiền lụy ảnh 1

Biết buông xả, sống từ bi thì mọi hận thù sẽ được hóa giải (ảnh minh họa)

Khi cánh cửa truyền thông bị khép vì sân hận

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Nhà triết học Phật giáo Việt Nam cho rằng, đây là tình huống khúc mắc mà rất nhiều người vấp phải trong cuộc sống. Khi ai đó cho mình đúng thì cũng đồng thời không chấp nhận đối phương. Do đó, cả hai người vô tình đóng bít cánh cửa truyền thông với nhau.

Khi biết hai người đang khúc mắc với nhau, chỉ cần khách quan quan sát truy tìm gốc rễ vốn bắt nguồn từ đâu. Khi cái gốc bế tắc được hỗ trợ bằng thái độ không tha thứ thì dù có nỗ lực hóa giải cũng khó thành công. Chính đức Phật Thích Ca có lần đã thất bại trong vai trò làm người hóa giải cơn sân hận của vua Lưu Ly với hoàng tộc dòng họ Thích Ca trong cuộc truy sát tiêu diệt tập thể dòng họ Thích Ca.

Trong quá khứ, quan hệ giữa dòng họ Thích Ca và Lưu Ly của vua Lưu Ly có nhiều mâu thuẫn. Là nước yếu, vua Lưu Ly đời trước đã nỗ lực tìm cách thiết lập quan hệ với nước Thích Ca hùng mạnh bằng cách ngỏ lời cầu hôn công chúa của nước láng giềng. Nỗ lực này nhằm tạo liên minh và biến thù hận thành tình thân.

Bên dòng họ Thích Ca khinh thường thiện chí của nước Lưu Ly, cho rằng vua Lưu Ly không đủ tư cách kết hôn với công chúa của mình. Vì vậy, dòng họ Thích Ca âm thầm tráo công chúa, thay vào một tỳ nữ của dòng họ Thích Ca và gả cho vua nước Lưu Ly. Vua nước Lưu Ly cứ ngỡ là công chúa nên sống rất hạnh phúc. Chuyện được giấu kín nhiều năm. Đến đời vua Lưu Ly thế hệ con tương ứng thời đức Phật, sự việc tráo đổi mới bị phát hiện. Ông vua hậu duệ này cảm thấy dòng họ Lưu Ly bị nhục mạ, khinh bỉ nên ôm lòng phục thù.

Sau khi đức vua Tịnh Phạn qua đời, dòng họ Thích Ca rơi vào tình trạng không có người kế ngôi xứng đáng. Thái tử thay vì phải trở thành Quốc vương lại trở thành bậc Giác Ngộ. Các hoàng thân quốc thích như A-Nan, Nan Đà, La Hầu La đều đã trở thành người xuất gia. Vua Tịnh Phạn không còn người kế thừa.

Phật Thích Ca đề nghị Ma Ha Nam làm người kế vị ngôi vua. Khi biết được tâm ý sân hận của vua Lưu Ly, Đức Phật đã đích thân đi gặp vua Lưu Ly để hóa giải hận thù quá khứ giữa hai nước. Đức Phật khuyên vua Lưu Ly không nên khơi dậy nỗi đau quá khứ mà những người Thích Ca và Lưu Ly hiện tại không hề can hệ trực hay gián tiếp. Hãy trải tâm từ bi để xóa bỏ hận thù.

Sự quy trách nhiệm sai lầm của người nào đó trong quá khứ để buộc những người không can hệ gì phải gánh hậu quả ở hiện tại là vết loang của nỗi đau không được tháo mở. Ngược lại, chỉ tạo thêm những hận thù mới. Do không xả bỏ được lòng sân, mối thù cá nhân ở quá khứ đã trở thành mối thù tập thể đối với hai nước. Lịch sử cho thấy, năm trăm người của dòng họ Thích Ca bị truy sát tập thể.

Thái độ ứng xử của vua Lưu Ly là không khôn ngoan. Sự trả đũa chỉ tạo thêm tội lỗi và liên lụy tiêu cực tới dòng họ Lưu Ly trong quá khứ, tạo thêm khổ đau cho hai nước ở hiện tại và tương lai. Đức Phật khuyên, hãy lấy tình thương để xóa bỏ hận thù, lấy lòng từ bi để hóa giải những cái gút khổ đau trong quá khứ cũng như hiện tại. Thế mà vua Lưu Ly ngoan cố không chấp nhận. Do đó, cuộc chiến đã diễn ra. Sự thương tổn, chết chóc không chỉ dòng họ Thích Ca phải chịu, ngay cả phía vua Lưu Ly cũng vậy. Sự kiện lịch sử này cho thấy, dù đức Phật muốn hóa giải nhưng nếu người được hóa giải không có lòng muốn chuyển hóa, không có lòng hỷ xả, bao dung thì sự hóa giải đó khó đạt được kết quả như mong đợi.

Mở cánh cửa bằng lòng từ bi

Quan niệm, “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” là một cách thức giải quyết những xung đột trong cuộc đời. Mặc áo giấy đi với ma chỉ nên diễn ra sau nỗ lực mặc áo cà sa mà vẫn không thành công. Sau khi người dấn thân nỗ lực chuyển hóa những con ma không thành công, chúng không chịu làm mới mà vẫn tiếp tục cố tình cản phá, gây trở ngại, khổ đau cho nhiều người, lúc ấy người dấn thân cần có biện pháp mạnh. Chuyển hóa bằng cách giáo dục đạo đức không thành tựu thì phải áp dụng chuyển hóa bằng luật pháp và hình phạt. Đây là cách thức các hệ thống luật pháp trên thế giới đã áp dụng.

Luật pháp chuyển hóa con người bằng sự trừng phạt nghiêm khắc chứ không bằng lời nói của tình thương. Nếu ai đã gây khổ đau cho cuộc đời và người thì phải bị luật pháp trừng phạt bằng khổ đau tương tự. Quá trình sống với khổ đau do luật pháp trừng phạt, người phạm luật sẽ không tái phạm nữa. Sự trừng phạt có tác dụng giáo dục chuyển hóa những người không biết lắng nghe tiếng nói của đạo đức và lương tâm. Tức là phải có những phương tiện thích đáng để giúp những người cang cường khó hóa độ có cơ hội chuyển hóa.

Tinh thần “đi với ma mặc áo giấy” nói lên tính thích ứng trong việc chọn phương pháp đối trị và cứu giúp chúng sinh. Nó có thể sử dụng đối với luật pháp nhưng không đúng với tinh thần nhà Phật. Vì các đức Phật, Bồ tát, các vị A la hán nhìn thấy được khả năng chuyển hóa những sai lầm, nỗi đau, phiền não của con người. Bởi thế, các ngài tin tưởng đã chọn phương cách giúp cho chúng sinh được gần gũi với tông chỉ của các Ngài để họ tự chuyển hóa (mặc áo cà sa). Kết quả của sự chuyển hóa sẽ mang lại hạnh phúc cho cả hai.

Người dấn thân cứu đời nên tận dụng tất cả những điều kiện, phương pháp để góp phần tiêu diệt con ma nghiệp lực, phiền não. Nhờ sự sáng suốt và thái độ dứt khoát có thể chặn đứng cây gươm khổ đau, dừng lại các cây súng bất hạnh, hành động khủng bố của những kẻ xấu, ác đang mất phương hướng.

Vấn đề cần hiểu ở đây là: Những lời của Phật, Tổ dạy và những điều các nhà văn học Phật giáo viết có sự khác nhau rất lớn. Có trường hợp nhà văn học Phật giáo viết giống với tinh thần đức Phật dạy, nhưng cũng có trường hợp không đúng. Nếu cho những gì nhà văn Phật giáo viết là chân lý bất di bất dịch và áp dụng theo là đang đi ngược lại tinh thần Phật dạy. Lúc đó, khổ đau có thể xuất hiện làm con người chán chường, thất vọng, mất phương hướng.

Cho nên, đệ tử Phật phải noi theo tinh thần hóa giải của đức Phật. Khi áp dụng câu “đi với ma mặc áo giấy” đừng nên lạm dụng tinh thần này, nghĩa là, đừng lấy quan niệm trừng phạt áp đặt lên đối tượng cần giáo dục mà chưa nắm rõ được đối tượng đó có cần luật quá nghiêm khắc “mặc áo giấy” hay không? Nếu kẻ xấu chỉ làm một điều xấu và vì trị tội họ nên ta “mặc áo giấy”, làm điều xấu lại tương tự gấp hai ba lần thì không khác gì người xấu đó, thậm chí còn xấu tồi tệ hơn họ. Cách ứng xử của đức Phật hoàn toàn khác với thái độ ứng xử phàm phu.

Nên đức Phật có triết lý dạy chúng ta khi rơi vào tình huống “không đội trời chung”: “Điều gì thuộc về khổ đau đều đặt sự thay đổi đó vào khái niệm vô thường. Vì tâm vô thường nên tâm lý xấu có thể chuyển hóa thành tâm lý tốt. Cái gì thuộc về phục vụ và đóng góp thì đặt vào khái niệm chuyển hóa”.

Phần lớn người đời ứng xử “ăn miếng trả miếng”. Nếu đã từng bị làm khổ đau thì bây giờ không tha thứ, bỏ qua. Có người cố tình trả đũa bằng nhiều cách nghĩ rằng, phải cho người ta một bài ọc. Trong sự trả đũa, cả hai đã trở thành nạn nhân khổ đau. Sự lận đận tiếp tục có mặt ở tương lai, tiếp nối chập chùng từ đời này sang đời khác, không chấm dứt. Hậu quả của nó như hai con dê qua một chiếc cầu nhưng không ai nhường nhau nên đều rơi xuống sông.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.