Để học sinh cảm nhận và yêu thích
Cô Lê Thị Kim Huế, Phó Hiệu trưởng, GV môn Văn Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho rằng vai trò, ý nghĩa của văn học đối với HS là rất quan trọng. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản của phân môn Tập làm văn là giúp HS tạo ra được ngôn bản nói và viết theo phong cách chức năng ngôn ngữ, hình thành và phát triển năng lực tạo lập ngôn bản - một năng lực được tổng hợp từ các kĩ năng như: Xác định mục đích nói, lập ý, triển khai ý thành lời. Tập làm văn, viết văn, hành văn là cái đích cuối cùng cao nhất của việc học môn Tiếng Việt. Đối với HS tiểu học việc nói đúng, viết đúng, diễn đạt mạch lạc đã khó, để nói hay, viết hay, có cảm xúc, giàu hình ảnh lại khó hơn nhiều.
Cái khó ấy chính là cái đích, để từ đó các em được mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc, thẩm mĩ, hình thành nhân cách. Chương trình Tập làm văn ở tiểu học chủ yếu là dạy văn miêu tả. Ngay từ lớp 2 - 3, các em đã được làm quen với loại văn này khi tập quan sát và trả lời câu hỏi.
Lên lớp 4, 5 các em hiểu thế nào là văn miêu tả, biết quan sát, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn văn và liên kết đoạn văn thành một bài văn. Để hoàn thành bài văn dạng này thường khó khăn đối với HS do đặc điểm tâm lý, do năng lực sử dụng ngôn ngữ chưa phát triển tốt, đặc biệt là kĩ năng quan sát của các em còn hạn chế.
Đối với GV, nhiều người còn lúng túng, chưa có những biện pháp tối ưu giúp HS có được kĩ năng quan sát, để khắc phục tồn tại trong văn miêu tả cho các em.
“Tôi đã nghiên cứu, tìm tòi và tìm hiểu thực trạng dạy học văn miêu tả ở HS lớp 5. Từ đó nêu ra một số giải pháp, biện pháp dạy, học nhằm rèn kĩ năng trong văn miêu tả, đồng thời đưa ra cách thức rèn kỹ năng làm văn trong dạng văn miêu tả cho HS lớp 5. Ở trường học, nếu GV truyền tải được hết cái hay, cái đẹp của văn, đặc biệt là kho tàng văn học Việt Nam thì chắc chắn HS sẽ yêu thích giờ dạy và cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường” - cô Huế cho biết.
Học sinh luôn được giữ vai trò trung tâm. |
Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm
Để có thể dạy tốt các tiết tập làm văn miêu tả ở lớp 5, GV cần vận dụng các tri thức về miêu tả, trong đó có các hiểu biết về đề tài, về ngôn ngữ, tư tưởng, đối tượng. Muốn vậy, GV phải dạy HS tìm ý trong bài văn miêu tả bằng cách dạy quan sát và ghi chép các nhận xét. GV hướng dẫn HS biết vận dụng các giác quan để quan sát, biết lựa chọn vị trí và thời gian quan sát, biết liên tưởng, tưởng tượng khi nhận xét sự vật và diễn đạt điều quan sát được một cách gợi cảm, gợi tả - tức là có hình ảnh và cảm xúc.
Sự tác động đó thể hiện ngay ở khâu ra đề, cần đảm bảo các nhân tố giao tiếp, gợi dậy ở HS hứng thú tạo lập sản phẩm ngôn ngữ. Khi tổ chức dạy học tập làm văn GV cần rèn luyện cho học sinh các kĩ năng quan sát và kĩ năng tìm ý cho đề văn. Đối với văn miêu tả thì kĩ năng quan sát rất quan trọng - nó được xem là năng lực giúp con người khám phá thế giới xung quanh. Quan sát có nghĩa là trông, xem xét để thấy rõ, biết rõ. Làm sao cho việc dạy học – cả người dạy lẫn người học đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc trong mỗi giờ lên lớp.
Theo cô Lê Thị Kim Huế, GV cần giúp HS biết nhìn nhận, đánh giá và biết thể hiện tình cảm, bộc lộ những rung cảm, cảm xúc của mình trước đối tượng làm văn. Qua đó giáo dục cho các em những tình cảm trong sáng, sự tích cực trong nhìn nhận, đánh giá, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Việc học tập trên lớp cần phải tập trung và có phương pháp học hiệu quả, đặc biệt trong đó là phát huy tính sáng tạo, năng lực cảm nhận của mỗi cá nhân. GV và cha mẹ HS đều phải biết tạo điều kiện để HS có kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội, học được cách viết văn, bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu con người, tình yêu tiếng Việt.