Thắp sáng đường đến trường

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 khiến không ít học sinh trở thành trẻ mồ côi, xót xa hơn, có em mất cả cha lẫn mẹ.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 1/2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đón học sinh trong ngày tựu trường.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 1/2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đón học sinh trong ngày tựu trường.

Năm học mới cận kề, ngoài sự quan tâm, lo lắng của người thân từ bộ quần áo đến sách vở, bút mực, các em còn được tiếp sức bởi cộng đồng xã hội. Dù không thể bù đắp hết mất mát nhưng tất cả đều mong các em vững bước trên con đường đến trường.

Anh trai dắt em gái tựu trường

Tính đến đầu tháng 2/2022, TPHCM ghi nhận hơn 2.200 trẻ mồ côi vì Covid-19. Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện chính sách chăm lo của Trung ương, TPHCM đã tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19. Ngoài tiền mặt, các em còn nhận quà là cặp sách, vở viết, đồ dùng học tập, gói an sinh gồm gạo, mì, dầu ăn… Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân còn cam kết đỡ đầu cho các em đến năm 18 tuổi.

Gần 1 năm nay cuộc sống của chị Huỳnh Thị Mỹ Linh, trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức (TPHCM) vất vả, tất bật hơn bội phần. Bởi từ khi chồng nhiễm Covid-19 qua đời, người phụ nữ 38 tuổi này vừa là người mẹ vừa là trụ cột cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Chị Linh cho biết, năm học 2022 - 2023, để tiết kiệm chi phí mua sách, vở và dụng cụ học tập, các con phải mặc đồng phục từ năm trước và những bộ đồ cũ của họ hàng cho. Chỉ riêng con gái thứ ba là Nguyễn Huỳnh Nhã Uyên năm nay bước vào lớp 1, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP Thủ Đức), dù đã được tặng đồng phục cũ nhưng vì mặc quá rộng chị phải mua mới.

Chị Linh hiện làm bảo mẫu ở một trường phổ thông tư thục cách nhà hơn 10 cây số. Để kịp lo bữa sáng cho các con trước khi đến trường, hàng ngày chị thức dậy từ 4 giờ sáng. 6 giờ kém 15 phút chị lên xe buýt đi làm đến hơn 5 giờ chiều mới về. Vì thế việc cho các con ăn sáng và đưa đón đi học đều phải nhờ bà ngoại sống gần đó và con gái đầu năm nay bước vào lớp 11 lo toan.

Theo chia sẻ của chị Linh, mỗi tháng chi phí lo ăn học cho các con mất gần 10 triệu đồng. Trong khi đó tiền lương của chị không đủ nên phải nhờ đến sự hỗ trợ từ những đồng lương làm công nhân của nhà ngoại.

Em Uyên, con gái thứ ba của chị Linh năm nay bước vào lớp 1.

Em Uyên, con gái thứ ba của chị Linh năm nay bước vào lớp 1.

Ngày tựu trường, những em nhỏ khác đều được bố mẹ đưa đón, thế nhưng vì mẹ bận công việc nên Uyên được anh trai Nguyễn Tấn Kiệt năm nay lên lớp 7 cùng bà ngoại đưa đến lớp.

“Anh trai trước đây học tại trường này nên biết rõ đường đi, vì thế cháu cùng bà ngoại đưa em đến trường. Bữa đó, tôi đi làm về nghe ngoại kể khi đến trường bà đợi ở cổng còn Kiệt dẫn em vào lớp rồi giới thiệu với cô giáo mà tôi không cầm được nước mắt”, chị Linh kể và bùi ngùi tâm sự: “Trước đây chồng tôi làm nghề lái xe, ngày nào có việc mới đi, nên thời gian rảnh anh đưa đón và lo cơm nước cho các con. Giờ anh không còn nữa việc đến trường của các con có hôm nhờ bà ngoại, nếu những hôm ngoại bận thì lại nhờ cậu, bác và người thân bên nhà chồng.

Nhìn những đứa trẻ khác được cha mẹ đưa đón thực sự tôi rất thương các con. Sắp tới khai giảng năm học, bản thân cũng muốn xin nghỉ để đưa cháu đến trường, nhưng công việc hiện tại rất bận rộn nên tôi đành chịu. May mắn hai cháu đầu từ năm cuối cấp tiểu học đến nay đã tự đạp xe đến trường. Còn việc đưa đón cháu Uyên và đứa con út đang học mầm non đều phải nhờ người thân hai bên nội ngoại”.

Ngọc Mai vui mừng khi nhận học bổng và đồ dùng học tập từ nhà hảo tâm trước năm học mới.

Ngọc Mai vui mừng khi nhận học bổng và đồ dùng học tập từ nhà hảo tâm trước năm học mới.

Tự lực đến trường

Cũng có người thân mất vì dịch bệnh Covid-19, nhưng với em Trần Thị Ngọc Mai, năm nay học lớp 4, Trường Tiểu học Khánh Hoà Đông, huyện Đức Hoà (Long An) lại có phần đau xót hơn. Bởi, bố mất từ khi còn nhỏ, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình và chăm lo cho hai đứa con ăn học đều dựa vào những ngày đi bán vé số của người mẹ. Thương mẹ vất vả, chị gái Ngọc Mai chỉ học đến lớp 9 đành nghỉ học phụ mẹ kiếm tiền. Thế nhưng đợt dịch vừa qua, mẹ Ngọc Mai bị nhiễm Covid-19 và qua đời.

Từ ngày mẹ mất, hai chị em Ngọc Mai về sống với ông bà nội. Hàng ngày, chị gái đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về nên không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc em mình. Trong khi đó, ông bà nội đã lớn tuổi, bệnh tật nên không thể đưa đón Ngọc Mai đi học. Ngọc Mai nói: “Trước đây, mỗi sáng trên đường đi làm, mẹ chở con đến lớp, chiều về đón còn mua kẹo bánh. Giờ mẹ không còn nữa, ông bà đi lại khó khăn nên em tự đạp xe đến trường”.

Năm học mới này em Nguyễn Đức Bảo xác định sẽ phấn đấu học tập để thi đậu vào đại học.

Năm học mới này em Nguyễn Đức Bảo xác định sẽ phấn đấu học tập để thi đậu vào đại học.

Ngồi bên cạnh cháu nội, ông Nguyễn Văn Dư (sinh năm 1954) cho biết: “Năm học mới này may mắn được nhà hảo tâm ở TPHCM, cô chú công tác tại xã Khánh Hoà Đông và nhà trường hỗ trợ tiền, quần áo, sách vở và dụng cụ học tập nên tôi không phải mua sắm thêm. Nhưng nghĩ đến ngày khai giảng mà thương cháu không cầm được nước mắt. Bởi trước đây dù công việc bận thế nào đầu năm học mẹ cháu đều tận dụng thời gian để đưa đón đến lớp, thế nhưng từ ngày mẹ mất Ngọc Mai phải tự đạp xe đến trường. Trong lòng tôi rất muốn đưa cháu đến trường ngày khai giảng nhưng do đi lại khó khăn, cũng không còn cách nào!”.

Khi được hỏi mong ước trong thời gian tới, Ngọc Mai cho biết: “Điều em mong muốn nhất là hằng ngày vẫn được đến trường. Đặc biệt là mong ông bà có nhiều sức khoẻ để sống cùng hai chị em. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng ông bà nội, mẹ và chị”.

Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Long An cho biết: “Khi học sinh trở lại học trực tiếp sau đợt dịch lần thứ tư bùng phát, sở đã yêu cầu các trường rà soát, lập danh sách trẻ có cha, mẹ mất trong mùa dịch Covid-19 để hỗ trợ kịp thời như: Miễn giảm học phí, dụng cụ học tập. Đặc biệt, khi có nhà hảo tâm đến hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì ưu tiên những em mồ côi cha mẹ vì dịch bệnh trước để tạo động lực cho các em vững tin tới trường”.

Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An và ông Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BITEX GROUP tặng học bổng cho học sinh mồ côi cha, mẹ vì dịch bệnh Covid-19.

Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An và ông Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BITEX GROUP tặng học bổng cho học sinh mồ côi cha, mẹ vì dịch bệnh Covid-19.

Nỗ lực bước vào giảng đường đại học

Cách đây tròn 1 năm, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của bố và mẹ Nguyễn Đức Bảo. Nỗi đau mất người thân đã bao trùm lên hai anh em. Đặc biệt gánh nặng đè lên đôi vai của Bảo vì phải chăm người anh trai mắc hội chứng Down từ nhỏ.

Kìm nén nỗi đau, Bảo đã không ngừng nỗ lực trong học tập và chăm sóc anh trai Nguyễn Đức Thiên Ân. Đến nay, cậu học sinh năm cuối Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) đã học được cách sắp xếp cuộc sống gia đình. Hàng ngày, em dậy từ 5 giờ sáng, học bài một tiếng sau đó chuẩn bị đồ ăn. 6 giờ 30 phút, Bảo đánh thức anh trai dậy cùng ăn. Để Bảo yên tâm lên lớp, đặc biệt, các bác và dì ở gần hàng ngày qua phụ giúp chăm sóc anh trai. Mọi người thay phiên nhau mang đồ ăn trưa đến, Bảo chỉ phải nấu bữa chiều. Trước đó, nam sinh ít khi vào bếp nhưng nay đã tự học làm được các món mỳ Ý, Pizza, hay món mẹ thường nấu (canh chua, thịt kho tàu, cá kho) để đổi bữa, kích thích anh trai ăn nhiều hơn.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng 4 người con của chị Linh rất ngoan ngoãn, lễ phép và thương mẹ.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng 4 người con của chị Linh rất ngoan ngoãn, lễ phép và thương mẹ.

Bảo tâm sự: “Những ngày qua ngoài sự giúp đỡ của người thân, em và anh trai còn được cô chú ở địa phương, nhà trường, phụ huynh các bạn trong lớp và kể cả những người không quen biết đến động viên tinh thần và chia sẻ gánh nặng kinh tế. Năm học mới này, em được mẹ của một bạn trong lớp hỗ trợ sách, vở và đồng phục nên mọi thứ phục vụ năm học mới đã đầy đủ”.

Trước đây, Bảo đặt ra mục tiêu phấn đấu học tập để thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) được mẹ đồng tình ủng hộ. Bảo chia sẻ: “Mẹ thường nói, ba mẹ luôn ủng hộ, giúp đỡ em thực hiện ước mơ mà bản thân lựa chọn. Những ngày điều trị Covid-19 trong bệnh viện thu dung cũng vậy, lúc bớt mệt, mẹ lại dặn dò em. Mẹ mong muốn em thực hiện được hai việc đó là học hành để có việc làm ổn định và chăm sóc, lo lắng cho anh Ân thay cha mẹ”.

Năm học 2021 - 2022 với Bảo là khoảng thời gian không thể nào quên. Nhưng vì ba mẹ, anh Ân, nam sinh cố nén nỗi đau, nỗ lực học tập. Cuối năm học, em đứng thứ 7 của lớp về thành tích học tập. “Năm học mới này, em xác định sẽ nỗ lực học tập và thi đậu vào ngôi trường đại học mong ước”, Bảo thổ lộ.

Nói về trường hợp của Bảo, thầy Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết: “Toàn trường duy nhất có trường hợp em Bảo diện người thân mất trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Nhà trường đã miễn giảm tất cả các khoản thu cũng như tiền ăn bán trú buổi trưa. Những khoản hỗ trợ từ nhà hảo tâm, nhà trường đã giúp em làm sổ tiết kiệm để quản lý và chi tiêu trong cuộc sống. Ngoài ra, ban giám hiệu, thầy cô giáo, phụ huynh luôn cảm thông và hỗ trợ, động viên, tạo mọi điều kiện để Bảo có điều kiện học tập tốt nhất”.

Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Tỉnh có 144 trẻ bị mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương Binh & Xã hội quản lý với những trường hợp trẻ đặc biệt khó khăn. Từ đó có chính sách, cơ chế để hỗ trợ các em. Ngoài việc duy trì sổ tiết kiệm, địa phương còn có chính sách hỗ trợ các điều kiện về học tập như: Máy tính, học phí, dụng cụ học tập,… giúp các em có nghị lực, niềm tin để vượt lên khó khăn và học tập thật tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ