Thắp hi vọng ở Tương Lai

GD&TĐ -  Ở Đà Nẵng có Trường chuyên biệt Tương Lai là mái ấm tình thương của hàng trăm trẻ em khuyết tật trong gần 30 năm qua.

Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai Trương Thị Ngọc Hà tặng quà học sinh lớp 1 và lớp Mẫu giáo lớn đầu năm học 2022 - 2023.
Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai Trương Thị Ngọc Hà tặng quà học sinh lớp 1 và lớp Mẫu giáo lớn đầu năm học 2022 - 2023.

Từ mái ấm này, những trẻ em kém may mắn đã phấn đấu vươn lên, vượt qua số phận, đạt được những thành công nhất định và đáng trân trọng.

Trường chuyên biệt Tương Lai được thành lập năm 1994, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng. Hồi mới thành lập, trường chỉ có 14 học sinh, đến nay đã có 23 lớp học với tổng số 267 học sinh khuyết tật.

Các em khuyết tật về thính giác được học đến hết lớp 9 theo chương trình giáo dục phổ thông, các em khuyết tật về trí tuệ được học đến lớp 6 theo chương trình của Trường chuyên biệt Tương Lai. Ngoài học chữ, học sinh ở đây còn được học các kỹ năng sinh hoạt và những công việc lao động giản đơn như may vá, kết cườm, cắm hoa, trang điểm, làm nhang, rửa xe máy…

Hằng ngày, học sinh được chăm sóc bán trú tại trường. Gia đình đưa các em đến trường trước 7 giờ và đón sau 17 giờ. Tại ngôi trường này, mỗi lớp học chỉ có từ 8 - 12 học sinh, ngồi hình vòng cung, hướng lên bảng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây không chỉ có trách nhiệm, kiến thức, mà còn có cả tấm lòng như những người mẹ, người cha đối với các con của mình.

Từng thầy cô trước hết phải có tâm huyết, giáo dục, chăm sóc các em bằng tất cả tình thương yêu. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy chia sẻ: “Ở từng lớp, ban đầu, giáo viên phải cùng chơi đùa, tạo tình cảm thân thiết rồi mới dần dần chỉ bảo, hướng dẫn cho các em thực hiện từng kỹ năng nhỏ trong sinh hoạt và hoạt động thường nhật”.

Học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai biểu diễn văn nghệ năm học 2021 - 2022.

Học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai biểu diễn văn nghệ năm học 2021 - 2022.

Các lớp học ở Trường chuyên biệt Tương Lai đều có hình ảnh minh họa nhằm giúp trẻ khuyết tật dễ hiểu nội dung bài học. Tại lớp D3, cô Huỳnh Thị Thanh Thủy treo bức tranh có hình vẽ các chữ O, Ô, Ơ lên bảng và cô vừa chỉ, vừa làm động tác diễn giải cho các em hiểu. Cô dùng ngôn ngữ ký hiệu, làm đi làm lại nhiều lần một cách kiên trì và luôn ân cần, tươi vui, nhã nhặn. Sau khi hướng dẫn chung cho cả lớp, cô Thủy còn đến bên cạnh từng học sinh, tiếp tục dùng ngôn ngữ ký hiệu hướng dẫn với nụ cười luôn nở trên môi.

Cô Nông Thị Kim Sương, chủ nhiệm lớp Mầm non 1 - lớp có 8 trẻ em tự kỷ, cho biết, các em học sinh tính khí thất thường, em thì sợ tiếp xúc, em thì tăng động, không chịu ngồi yên. Dạy cho các em biết được một chữ là cả kỳ công khó nhọc. “Tuy nhiên, gần gũi các em, thương yêu, chu đáo với các em, dần dần các em cũng quý mến và vâng lời thầy cô”, cô Sương nói.

Sau khi học chữ, học nghề tại Trường chuyên biệt Tương Lai, đến 16 tuổi, các em có kỹ năng để sống hòa nhập với những mức độ khác nhau. Có em phụ giúp gia đình, có em vào học tại các trường nghề và không ít em tiếp tục con đường dùi mài kiến thức, học hòa nhập với những học sinh bình thường.

Trường chuyên biệt Tương Lai đón học sinh mới tại Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.

Trường chuyên biệt Tương Lai đón học sinh mới tại Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.

28 năm qua, nơi đây đã trở thành mái ấm tình thương của hàng trăm trẻ em bất hạnh và từ mái ấm này đã có nhiều em vượt qua số phận, phấn đấu tiến bộ trên hành trình hòa nhập cộng đồng. Đơn cử như em Nguyễn Thị Sương ở phường Hòa An (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), bị khuyết tật thính giác, đã học hết lớp 9 và thành thạo các công đoạn trang điểm.

Hiện nay, Sương làm nhân viên quán cắt tóc, gội đầu trên đường Tôn Đản (quận Cẩm Lệ), có thu nhập và cuộc sống ổn định. Đặc biệt, em Trần Hoài Trang ở phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu, Đà Nẵng), sau khi học hết lớp 9 tại đây, em đã tiếp tục học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Đà Nẵng.

Đến năm 2020, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoài Trang được Trường chuyên biệt Tương Lai tuyển dụng làm nhân viên quản sinh kiêm nhiệm một số công tác khác. Nhiệm vụ nào, Hoài Trang cũng nhiệt tình, năng nổ và hoàn thành với hiệu quả cao. “Em coi ngôi trường này như gia đình thứ hai của mình. Các thầy cô nơi đây đã dạy dỗ, chăm sóc em từng li từng tí suốt hơn 10 năm ròng và hình ảnh các thầy cô ấy mãi mãi in đậm trong tâm trí em”, Hoài Trang bày tỏ.

Những năm qua, Trường chuyên biệt Tương Lai liên tục được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên duy trì phong trào thi đua viết đề tài sáng kiến, làm đồ dùng dạy học, đem lại nhiều kết quả khả quan.

Trong đó, các đề tài “Đồ dùng rèn luyện trẻ tự kỷ tập trung chú ý” của cô Trần Thị Mỹ Dung, đề tài “Xây dựng bài tập phát triển ngôn ngữ lời nói cho trẻ khuyết tật trí tuệ” của thầy Phan Văn Tính, đề tài “Âm nhạc trị liệu thông qua các trò chơi vận động tinh” của thầy Lê Quang Hải được các cơ quan chức năng đánh giá cao và được công nhận sáng kiến cấp sở…

“Thời gian tới, chúng tôi chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, phấn đấu nâng cao hiệu quả thực hiện những giải pháp đổi mới về giáo dục học sinh khuyết tật của Bộ Giáo dục và Đạo tạo”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ