Tháp Bà Ponagar là công trình kiến trúc cổ, tọa lạc trên ngọn đồi cao gần 50 mét từ bao đời nay. Thế nhưng, gần đây, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cấp phép xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng ở phía Đông khiến công trình nổi tiếng này bị che khuất tầm nhìn ra biển.
Ponagar Nha Trang từ lâu đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc trên ngọn núi cao nổi bật giữa những xóm chài bên sông Cái ở phía dưới. Người dân và du khách từ Tháp Bà Ponagar phóng tầm mắt nhìn ra vịnh Nha Trang trong xanh, những hòn đảo xinh đẹp hình ảnh tiêu biểu của vùng đất Nha Trang- Khánh Hòa.
Tháp Bà Po Nagar ở Khánh Hòa bị nhà cao tầng che khuất tầm nhìn |
Thế nhưng, từ trước đến nay, cảnh quan của tháp Bà Po Nagar ít khi được đề cập đến trong các quy hoạch xây dựng đô thị của địa phương này. Mấy năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình cao tầng đã mọc lên ở phía biển khiến tầm nhìn bị che khuất.
Sắp tới, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn khi công trình của Tập đoàn Mường Thanh lên đến hơn 40 tầng, cao hơn 100 mét và hàng loạt công trình khác dự định sẽ được xây dựng phía trước.
Ông Bùi Mau, Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa cho biết, Di tích Tháp Bà Po Nagar là quần thể công trình có giá trị nghệ thuật đặc sắc, địa điểm du lịch nổi tiếng và là điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc trong khu vực cửa sông Cái hướng tầm nhìn rộng ra vịnh Nha Trang.
Nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa đã cố gắng giữ gìn tầm nhìn này, khi khống chế chiều cao của các công trình xung quanh. Thế nhưng, gần đây một số công trình đã được phép xây dựng gây ảnh hưởng đến cảnh quan của Di tích văn hóa cấp quốc gia này .
Ông Bùi Mau lo lắng: “Đứng trên Tháp Bà nhìn ra biển thấy vẻ đẹp của Nha Trang. Ngay xây dựng cầu Trần Phú cũng yêu cầu làm thấp hơn Tháp Bà, để bảo đảm cảnh quan hài hòa thiên nhiên. Mường Thanh đang xây một cái nhà cao bốn mươi mấy tầng che chắn tầm nhìn của Tháp Bà. Còn cái công trình gì đó của Ấn Độ mà làm cái nữa thôi còn gì cảnh quan đâu”.
Tháng 3/2015, khi một số công trình đã hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn xây dựng thì UBND tỉnh Khánh Hòa mới lập đoàn liên ngành khảo sát thực tế tháp Bà Po Nagar để nghiên cứu phương án quản lý chiều cao các công trình xung quanh tháp.
Tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Sở Xây dựng và Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất phương án khống chế độ cao công trình xây dựng xung quanh Tháp Bà. Cụ thể là giảm độ cao và mật độ xây dựng, hạn chế thấp nhất những khối bêtông vây hãm không gian Tháp Bà.
Đa số các kiến trúc sư đề xuất phương án cho xây dựng cao dần từ hướng Tháp Bà nhìn ra biển với quy mô từ 3 đến 7 tầng. Riêng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị khống chế chiều cao ở khu vực xung quanh không quá 15 mét để không vượt quá chân Tháp Bà.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng nghiên cứu, khảo sát thực tế và khoanh vùng quản lý quy hoạch, khống chế chiều cao xây dựng các công trình ở khu vực xung quanh chân tháp Bà Po Nagar một cách hợp lý.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Nguyên giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Công trình đó cần phải bảo tồn thực trạng của nó và bảo tồn cả cảnh quan. UBND tỉnh đây cũng đã bắt đầu nhìn thấy điều đó, để rồi chúng ta khống chế. Phải nghiên cứu không gian kiến trúc, tầm cao của tất cả các công trình xây dựng gần, xa Tháp Bà, có độ cao nào, hình thức kiến trúc nào để cho nó phù hợp... vẫn bảo tồn được, quản lý cái quy hoạch đó được tốt hơn”.
Chủ các dự án xung quanh Tháp Bà Po Nagar ở thành phố Nha Trang đang có nhu cầu xây dựng các công trình cao tầng để tăng diện tích sử dụng. Vì vậy, việc quản lý quy hoạch xây dựng xung quanh Tháp Bà Po Nagar cần được tiến hành khẩn trương nhằm tránh tình trạng chuyện đã rồi.