Tháo ngòi một cuộc chiến

GD&TĐ - Cuộc xung đột vùng biên giới giữa Azerbaijan và Armenia đã bùng nổ trong 24 tiếng và có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh lớn thứ hai của thế giới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc xung đột ở vùng biên giới giữa Azerbaijan và Armenia đã bùng nổ trong 24 tiếng và có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh lớn thứ hai của thế giới hiện nay sau cuộc chiến Nga - Ukraine đã may mắn được tháo ngòi.

Căng thẳng tại vùng Nagorno-Karabakh đột ngột dâng cao thành cuộc chiến từ ngày 20/9, khi Chính phủ Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự “chống khủng bố”, đáp trả việc một số binh sĩ nước này thiệt mạng trong vụ tấn công của lực lượng ly khai Armenia trong khu vực.

Điểm nóng Nagorno-Karabakh là vùng đất được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng đa số dân tại đây là người gốc Armenia đã lập ra chính quyền ly khai lấy tên là “Cộng hòa Artsakh” và nhận được sự hậu thuẫn của Armenia. Đây chính là nguyên nhân khiến căng thẳng tại khu vực này dai dẳng trong nhiều năm qua và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc quân đội Azerbaijan đã pháo kích dữ dội vào Stepanakert, thành phố chính ở Nagorno-Karabakh, với ý đồ kích động chiến tranh.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đang triển khai hoạt động chống khủng bố ở Nagorno-Karabakh, vô hiệu hóa các vị trí chiến đấu, phương tiện quân sự, pháo binh và những bệ phóng tên lửa phòng không, các trạm tác chiến vô tuyến điện tử và khí tài khác thuộc về Armenia trong khu vực.

Phía Armenia cực lực bác bỏ thông tin trên và khẳng định họ không có lực lượng chính quy hay khí tài quân sự tại Nagorno-Karabakh. Do đó, lãnh đạo Armenia kêu gọi quốc gia trung gian trong vấn đề xung đột và có triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây là Nga phải thực thi phận sự. Lực lượng này đã phải sơ tán hơn 2.000 dân thường, bao gồm hơn 1.000 trẻ em, khỏi những khu vực nguy hiểm nhất của Nagorno-Karabakh.

Chiến dịch quân sự của Azerbaijan đã kéo dài trong 24 tiếng tại Nagorno-Karabakh và nguy cơ biến nơi này thành một cuộc chiến mới của thế giới, bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine. Tình hình leo thang nhanh chóng buộc Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken phải vào cuộc, khi ông điện đàm thúc giục Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chấm dứt các hành động bạo lực ở Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, chiến sự vẫn không hạ nhiệt khi Tổng thống Azerbaijan Aliyev tuyên bố sẽ không chấm dứt chiến dịch nếu lực lượng ly khai tại Nagorno-Karabakh không hạ vũ khí. May mắn là cuộc chiến tranh đã được tháo ngòi thành công vào ngày 21/9, khi lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh tuyên bố ngừng bắn và hạ vũ khí thông qua vai trò trung gian của Nga.

Phía Azerbaijan cũng xác nhận thông tin về lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến dịch quân sự trong vùng. Một cuộc chiến tranh mới của thế giới đã kịp thời được chặn lại sau 24 tiếng, nhưng nguy cơ bùng phát trong tương lai vẫn còn nguyên vì hiện trạng ở Nagorno-Karabakh vẫn không được giải quyết.

Trong khi đó, Mỹ vẫn triển khai một cuộc tập trận chung với Armenia như kế hoạch mang tên Đối tác Đại bàng 2023 trong tháng 9 tại khu vực gần thủ đô Yerevan, nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Armenia. Đây được cho là động thái “chọc giận” Nga khi Moscow vẫn đang duy trì căn cứ quân sự ở Armenia và có lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabach.

Đầu năm nay, Armenia còn từ chối tổ chức cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh do Nga dẫn đầu và bao gồm các thành viên cũ của Liên Xô. Với bối cảnh phức tạp và xung đột ảnh hưởng về địa chính trị của các nước lớn này, khu vực Nagorno-Karabakh sẽ tiếp tục nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.