Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư giáo dục

GD&TĐ - Đánh giá vai trò quan trọng của các trường ngoài công lập với ngành Giáo dục, TPHCM sẽ tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư lĩnh vực này.

Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC
Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Đồng thời Thành phố kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhiều trường học mới.

Khó tiếp cận quỹ đất

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa sở với doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm ghi nhận và tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Buổi đối thoại có 108 doanh nghiệp, đại diện hơn 1 nghìn đơn vị ngoài công lập đang hoạt động gồm trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học và tổ chức dịch vụ khác trên địa bàn thành phố.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp chia sẻ hàng loạt khó khăn khi đầu tư dịch vụ giáo dục, trong đó lớn nhất là vấn đề quỹ đất. Ông Nguyễn Bá Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Mỹ cho biết, hiện đa phần đất dành cho giáo dục được xây trường công lập, số còn lại xa trung tâm, vùng ít dân cư.

Với gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, doanh nghiệp của ông Linh sở hữu 4 cơ sở giáo dục mầm non, một trường tiểu học ở Bình Chánh. Khi đi thực tế khảo sát đất, lên kế hoạch mở rộng trường, ông nhận thấy giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đối cao, phát sinh chi phí lớn. Nếu thực hiện đầu tư, học phí phải ở mức cao mới có thể bù đắp. Do đó, chủ doanh nghiệp này muốn TPHCM có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng trường học, lãi suất vay vốn cho mục đích giáo dục.

“Tôi muốn biết thành phố có chính sách nào liên quan đến vốn vay ưu đãi cho dự án giáo dục để các đơn vị tư nhân thuận lợi, có điều kiện đầu tư, góp phần vào xã hội hóa giáo dục”, ông Sơn nói.

Tương tự, ông Bùi Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục sớm Sài Gòn băn khoăn về việc tiếp cận quỹ đất và vốn cho đầu tư giáo dục.

Doanh nghiệp hiện đầu tư vào một số trường mầm non, có định hướng đầu tư giáo dục phổ thông liên cấp. Tuy nhiên, đơn vị gặp khó trong tiếp cận quỹ đất giáo dục cũng như thông tin về nhu cầu, dự án giáo dục của TPHCM, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến vốn vay ưu đãi dành cho dự án giáo dục.

Một số doanh nghiệp khác cũng nêu khó khăn sau khi trải qua gần 3 năm đại dịch Covid-19. Bà Đào Thị Tin - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Phúc cho biết, có thời điểm số lượng giáo viên trong trường nhiều hơn trẻ đi học. Hiện nhiều trường phải cầm cự hoạt động, cố gắng đảm bảo thu nhập, chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên.

Trường Mầm non Nam Mỹ (huyện Bình Chánh) ở tình trạng tương tự khi nhiều giáo viên không trụ nổi đã xin nghỉ việc sau đại dịch, theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Luyến - Chủ đầu tư trường. Cơ sở mầm non tư thục này phải xoay xở đủ cách để có thể duy trì hoạt động. Song họ cũng như nhiều cơ sở khác khó khăn khi phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội.

Đại diện doanh nghiệp khác tại hội nghị cũng trình bày khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký biến động sử dụng đất; cấp phép lao động đối với giáo viên người nước ngoài; kinh doanh trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm…

Dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo Trường THPT Trưng Vương, Quận 1 vừa được HĐND TPHCM thông qua tại Kỳ họp tháng 9/2023. Trong ảnh là Trường THPT Trưng Vương được sửa chữa tháng 11/2020. Ảnh: Lê Nam

Dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo Trường THPT Trưng Vương, Quận 1 vừa được HĐND TPHCM thông qua tại Kỳ họp tháng 9/2023. Trong ảnh là Trường THPT Trưng Vương được sửa chữa tháng 11/2020. Ảnh: Lê Nam

Gỡ vướng thủ tục, kêu gọi đầu tư

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM giải thích thắc mắc liên quan đến quy định về đầu tư, đất đai. Theo ông Nam, doanh nghiệp giáo dục cần xác định việc đầu tư lĩnh vực này là lâu dài, không thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Thành phố và ngành Giáo dục cũng nhận thấy khó khăn của doanh nghiệp và sẽ từng bước tháo gỡ.

Thông tin về nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục của TPHCM thời gian tới, ông Lê Hoài Nam cho biết, HĐND TPHCM sắp ra nghị quyết để kêu gọi đầu tư theo đối tác công - tư (PPP). Theo đó, Nhà nước bỏ đất để đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành một thời gian hoặc toàn bộ; mức đầu tư một dự án phải trên 100 tỷ đồng.

Sở GD&ĐT đang hoàn thiện đề án xây dựng trường học từ nay đến năm 2025. Dự kiến, các quận, huyện sẽ có hơn 100 dự án trường học kêu gọi đầu tư xã hội hóa; trong đó, 86 dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Sau khi được thành phố phê duyệt đề án, sở GD&ĐT sẽ thông tin cụ thể các dự án để nhà đầu tư tham gia. Về vốn, doanh nghiệp có thể tiếp cận gói kích cầu đầu tư; chỉ phải trả gốc, không lãi suất trong 7 năm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định vai trò quan trọng của trường ngoài công lập với ngành GD-ĐT TPHCM. Khối ngoài công lập chia sẻ áp lực về chỗ học cho người dân trong bối cảnh dân số, số học sinh thành phố đều tăng qua từng năm. Đặc biệt ở mầm non, tỷ lệ đóng góp của các trường ngoài công lập hơn 50%. Cơ sở ngoài công lập cũng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân với nhiều phân khúc, loại hình.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị nhà đầu tư thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đang hoạt động. Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập trực thuộc sở được giao tổ chức họp giao ban định kỳ với đơn vị ngoài công lập, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương mới từ bộ, ngành.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu sở GD&ĐT mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin, thường xuyên có phản hồi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này. Theo ông Dương Anh Đức, thành phố có nhu cầu lớn trong thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục, mong muốn tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm tới vấn đề này.

UBND TPHCM đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao - văn hóa, sẽ trình HĐND TPHCM thông qua. Trong đó, với dự án đầu tư xây dựng trường lớp, quy mô đầu tư mỗi dự án từ 100 tỷ đồng trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ