GD&TĐ - Thực hiện Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719), tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi trên địa bàn.
Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số
Theo đó, việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đã có nhiều nguồn lực khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục. Với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.
Thái Nguyên hiện có 16 trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và 51 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn với gần 14 nghìn học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú. Đồng thời quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng kinh phí thực hiện 5 năm qua là trên 26 tỷ đồng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, bao gồm: học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, cấp phát gạo… cũng được thực hiện kịp thời.
Thầy giáo Hoàng Minh Đức, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Sảng Mộc, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hàng năm, học sinh dân tộc thiểu số diện bán trú theo học tại trường được hưởng chế độ trợ cấp Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn bằng 50% mức lương cơ bản và 15kg gạo/em/tháng. Học sinh của nhà trường được thụ hưởng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Nhờ đó, nhiều năm gần đây toàn trường không còn tình trạng học sinh bỏ học, đối với một vài trường hợp các em đến trường vài hôm lại nghỉ, giáo viên luôn sát sao, thường xuyên nhắc nhở, phối hợp cùng gia đình để nhắc nhở, đốc thúc trò đi học lại.
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Còn tại trường Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên ngoài với việc tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, chăm lo hỗ trợ cho học sinh tại điểm trường, năm học 2023 - 2024 huyện Đồng Hỷ cũng đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất để Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học, nhà ở với 16 phòng và bếp ăn 1 chiều đang gấp rút được hoàn thiện, sẽ đáp ứng nhu cầu ở bán trú của gần 120 học sinh.
Việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các em học sinh tiếp cận với chương trình giáo dục 2018 đặc biệt là với học sinh lớp 4, các em được học tin học và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các em sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương. Đồng thời, các em sẽ có môi trường học tập, sinh hoạt tốt nhất.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh để xây dựng những chính sách riêng của tỉnh dành cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi (6-10 tuổi) đi học đạt 99% trở lên.