Chia sẻ khó khăn của giáo viên phổ thông
Trao đổi với ý kiến của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã dành thời gian chia sẻ những điểm nghẽn của giáo dục đại học về thể chế, cơ sở vật chất, hạ tầng. Hiện, các trường ĐH công và tư đều cơ bản còn khá nghèo nàn về cơ sở vật chất. Hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được ở góc độ đỉnh cao theo tầm quốc tế. Do đó, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm ở các trường đại học. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần một chương trình quốc gia về hạ tầng hiện đại cho các trường đại học. Về lực lượng nhà giáo, lực lượng khoa học cũng cần phát huy trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ. Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác. Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo có nêu tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.
Ý kiến thầy cô trao đổi cũng nói đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Theo Bộ trưởng, đây là một thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non.
Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non; nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết: Hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD&ĐT nêu kiến nghị.
Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT. |
Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học - theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này.
Về ý kiến đề cập định mức giáo viên trên lớp, Bộ trưởng cho biết: Khi chúng ta thực hiện Chương trình GDPT 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, đương nhiên chúng ta cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện, Bộ GD&ĐT đang chủ trì sửa đổi Thông tư 16 liên quan đến vấn đề này.
Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng nhấn mạnh, để triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng.
Theo Bộ trưởng, nhiều địa phương thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy – học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn. Mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp.
Điểm cầu Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Ảnh: NTCC |
Bộ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục vụ tốt việc dạy - học của thầy – trò, nhất là với những giờ thực hành. Không để thiết bị trong kho và không được ra đến lớp. Để giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp, thì cần xây thêm nhà công vụ cho giáo viên ở những địa phương này.
Trước ý kiến về việc hiện đang có quá nhiều cuộc thi trong nhà trường, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 5814 từ năm 2017, nêu rõ danh mục các cuộc thi trong nhà trường. Còn lại, có nhiều cuộc thi do các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh.
Riêng với danh mục các cuộc thi của Bộ tại Công văn số 5814 có giảm nữa hay không, theo Bộ trưởng, cần hết sức cân nhắc, nếu không sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu sau phân tích thấy thực sự có ít ý nghĩa, sự cần thiết.
Với cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật, đây là cuộc thi được tổ chức nhiều năm, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, giáo viên. Về ý nghĩa, cuộc thi này phù hợp với xu hướng học đi đôi với hành, tăng cường giáo dục STEM, kích thích sự sáng tạo và triển khai ý tưởng ra sản phẩm của học sinh… Tuy nhiên, cuộc thi này cũng cần phải tiếp tục đổi mới cho thực chất, phù hợp với lứa tuổi học sinh…
Năm học tới, ngành Giáo dục cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao là xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ trưởng mong hội tụ được trí tuệ tập thể của hơn 1 triệu nhà giáo. Một nhiệm vụ quan trọng khác của năm học tới là triển khai tốt Chương trình GDPT 2018; bắt đầu triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới; tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành; tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo, phát triển hạ tầng cơ sở vật chất…
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS. Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định.
Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Bộ trưởng thông tin, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý IV/2023, phương án thi sẽ được công bố.
Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối cần được chặn tận gốc. Đáng nói, thời gian qua số nữ sinh tham gia vào bạo lực có xu hướng tăng. Biểu hiện và diễn biến của bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Bộ đã giao các Vụ, Cục chức năng tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trước tiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường ở đơn vị mình.
Trong nhiều giải pháp tổng thể, Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý với những vấn đề mình phải đối mặt. Cùng đó, trang bị cho các em về thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm. Cũng theo Bộ trưởng, cần phát triển văn hóa học đường, đây là vấn đề trọng tâm của xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục văn hóa, phát triển văn hóa giáo dục.
Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. |
Làm tốt hơn vấn đề tự chủ
Tại Hội nghị gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên các đại học, trường đại học, Bộ trưởng đã lắng nghe và trao đổi nhiều vấn đề lớn như nghiên cứu khoa học; giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đầu tư và các chính sách khác có liên quan; đạo đức nhà giáo; cơ sở vật chất...
Về ý kiến liên quan đến nghiên cứu khoa học; các giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ; vấn đề đầu tư và các chính sách khác có liên quan - Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề quan trọng với hệ thống giáo dục ĐH.
Các cơ sở giáo dục ĐH, cả định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, thì khoa học và nghiên cứu khoa học là yếu tố mang tính nền tảng, cốt lõi, đặc biệt với trường ĐH nghiên cứu. Việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, các sản phẩm khoa học thể hiện năng lực của đội ngũ giảng viên, cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của các trường ĐH. Một nhà khoa học có trình độ khoa học và kết quả nghiên cứu tốt là tiền đề để đóng vai trò một giảng viên tốt.
Trong quản lý của Bộ GD&ĐT, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục ĐH, CĐ; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Quang cảnh điểm cầu Hậu Giang. |
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi phí cho nghiên cứu khoa học, theo Bộ trưởng, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Cùng chi phí từ Nhà nước còn nhiều nguồn: Thu từ tự chủ của trường ĐH, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Với Bộ GD&ĐT, kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn và Bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Do đó, nhà trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan Nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; nhưng có 1 điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều. Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn. Làm được mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên.
Về ý kiến liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề rất hệ trọng. Các trường ĐH sư phạm trong chương trình đào tạo có thời lượng cho nội dung này. Nhưng với tất cả nhà giáo, quan trọng là yếu tố tự rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi, không chỉ trông chờ lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn. Ở giáo dục ĐH, không chỉ là đạo đức nhà giáo, đây còn là đạo đức của nhà khoa học, của người làm nghiên cứu.
TS Đinh Minh Hằng – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Nhấn mạnh đến liêm chính học thuật, Bộ trưởng cho biết, một số chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học đề cập đến vấn đề này. Trong hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, vấn đề liêm chính học thuật cũng ngày càng được đề cao và được nêu ra một cách rõ ràng, các yêu cầu ngày càng cụ thể hơn; đặc biệt là yêu cầu giảng viên trung thực trong công bố kết quả nghiên cứu.
Một vấn đề lớn là tự chủ đại học. Nhận định nhiều trường ĐH đã tự chủ rất cao, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới. Cùng với đó, về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính cũng cần có điều chỉnh để làm tốt hơn vấn đề tự chủ.
Về vấn đề quy hoạch, đây là nhiệm vụ rất lớn và rất khó. Bộ GD&ĐT vẫn đang tiến hành quyết liệt vì liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Những kết quả bước đầu cũng đang hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đó có cơ cấu của các ĐH vùng, các ĐH sư phạm trọng điểm, mật độ đào tạo cho từng khu vực cũng sẽ sớm được xem xét. Ngoài ra, dự kiến các khu vực như: Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ, miền núi phía Bắc cũng sẽ có đại học vùng.
Với vấn đề các trường CĐ sư phạm, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đào tạo trình độ CĐ với giáo viên mầm non là nhu cầu chắc chắn ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm cũng đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm mầm non nên chưa phát huy được hết năng lực. Do đó cần sắp xếp lại theo hướng, một số trường sẽ sáp nhập vào các trường đại học có đào tạo về khoa học cơ bản.
Với ý kiến của đại diện khối các trường ngoài công lập, Bộ trưởng khẳng định quan điểm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn đánh giá cao hệ thống các trường ngoài công lập; ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập; trong đó chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai, mặt bằng, địa điểm. Các cơ sở công lập hay ngoài công lập đều có thể tham gia vào các hoạt động NCKH và đào tạo; thi đua, khen thưởng. Với trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng mong với tiềm lực tốt về cơ sở vật chất, các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế.
Với thi đua, khen thưởng, hiện nay việc thực hiện khen thưởng với khối trường ngoài công lập đang được thực hiện bình thường, không trở ngại. Đã có nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi các trường ngoài công lập. Riêng hoạt động xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú thông qua kênh các tỉnh/thành và theo như Bộ GD&ĐT vừa xét chuẩn bị trình thì có nhiều nhà giáo thuộc khối ngoài công lập. Quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu không phân biệt công, tư. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng cần lưu ý chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để có những nhà giáo xứng đáng được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu trên.
Ngoài ra, công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường đại học. Hiện, Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động.
Lực lượng ngành Y đào tạo về chuyên môn có nhiều đặc thù so với các ngành nghề khác. Bác sĩ nội trú đã tương đương với trình độ Thạc sĩ hay chưa thì cũng cần bàn thảo thêm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đại biểu Hà Tĩnh tham dự Chương trình tại điểm cầu chính. |
Kiên định với mục tiêu đổi mới
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên. Mỗi ý kiến thầy cô nêu là nhiều nhóm vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng, ai cũng hiểu điều đó nhưng chúng ta vẫn cần nhắc lại điều này. Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc, trí tuệ, trình độ khoa học công nghệ và biểu hiện sở hữu nhân tài của đất nước. Phát triển giáo dục đại học là bài toán khó, phức tạp, lâu dài. Giáo dục đại học đang chuyển đổi, từ cách thức quản trị, quản lý Nhà nước, cho đến sử dụng nguồn lực, cơ cấu ngành nghề… Đại học là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, nhà khoa học đã khắc phục khó khăn, đóng góp vào phát triển giáo dục đại học; Bộ trưởng nhìn nhận, các nhà khoa học, chuyên gia là lực lượng giúp Bộ GD&ĐT làm chính sách chiến lược mang tầm quốc gia. Theo Bộ trưởng, chăm sóc các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT đang từng bước làm mọi việc để phát triển nguồn lực này; đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
Ở thời điểm này, giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục đại học phát triển cả quy mô và chất lượng. Những năm gần đây, số lượng sinh viên tăng; số sinh viên nhập học tăng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng được cải thiện. So với 10 năm trước, giáo dục đại học có bước phát triển dài. Song, so với yêu cầu của đất nước, tốc độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn thì chúng ta sẽ khó khăn để đạt đến đỉnh cao của chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm, trong đó cần hoàn thành quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh - hạt nhân nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần có sự cải thiện tài chính cho giáo dục đại học.
Về thể chế, Bộ sẽ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho giáo dục đại học và tự chủ theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số… Qua đó cho thấy, còn nhiều công việc đang chờ phía trước.
Trong khuôn khổ của sự kiện, Bộ trưởng kỳ vọng các nhà giáo, nhà khoa học lưu ý làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, tự chủ đại học – vấn đề đang được quan tâm. Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, mà còn đến các giảng viên, nhà khoa học… Thứ hai, hiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Bộ trưởng mong các nhà khoa học giỏi hơn nữa. Phát triển khoa học công nghệ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Mong rằng, đây là sự phấn đấu của cá nhân, nhưng cũng cần cơ chế chính sách của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng cũng mong muốn, nhà giáo nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp chung. Công bố quốc tế quan trọng nhưng cũng cần những công trình giải quyết những vấn đề nóng của đất nước. Đặt vấn đề, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo? Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều việc phải làm, trong đó có cả những việc cần làm sớm nhưng cũng có những việc cần có thời gian.
Trước mắt, cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học. Các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo – một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, chúng ta cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành; kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành; kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Và chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt...