Chuỗi cung ứng rời Trung Quốc: Việt Nam có cơ hội “hóa rồng”?

Chuỗi cung ứng rời Trung Quốc: Việt Nam có cơ hội “hóa rồng”?

Cơ hội cho Việt Nam

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đã có biện pháp đẩy lùi Covid-19 một cách hiệu quả. Các hoạt động đời sống xã hội cũng dần trở lại trạng thái bình thường. Đất nước đang đứng trước thời cơ mới.

“Từ góc nhìn quốc tế, hiện uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống dịch. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt là về sự tin cậy chiến lược, điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận dòng vốn chuyển dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là lợi thế tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất lịch sử nhân loại đang chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, đất nước một lần nữa đứng trước cơ hội “hóa rồng, hóa hổ”.

Cũng theo ông Lộc, để chủ động đón nhận dòng vốn FDI mới, cần triển khai chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược cấp quốc gia. Làm vậy chúng ta mới có thể tiếp cận trực tiếp với “đại bản doanh” của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần chủ động tham gia kiến tạo và vận động, không thụ động chờ họ tìm đến với mình.

Tập trung xây dựng chuỗi cung ứng mới

Ngày 8/5, báo Nikkei Asian Review cho biết, một nguồn tin tiết lộ, hãng công nghệ Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods lần đầu tiên ở Việt Nam trong quý này. Nikkei nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy Apple đang tiến hành đưa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Phần lớn dòng AirPods, gồm AirPods thông thường và AirPods Pro vẫn được sản xuất tại Trung Quốc dù một số thiết bị điện tử bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung từ năm ngoái. Các sản phẩm chủ chốt khác của Apple như iPhone và MacBook vẫn chưa bị áp thuế và chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc.

Theo ông Trần Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), việc chống dịch hiệu quả đi cùng an sinh xã hội và phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng. Nó khiến niềm tin của các nhà đầu tư, tập đoàn nhập khẩu bán lẻ gia tăng đáng kể với Việt Nam.

“Các quốc gia sản xuất Thuỷ sản lớn trên thế giới đang bị kẹt trong Covid-19, trong khi chúng ta có cơ hội phục hồi sớm hơn. Việt Nam sẽ có cơ hội thay thế để duy trì nguồn cung Thuỷ sản cho thế giới”, ông Hòe cho hay.

Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu, chế biến và nuôi trồng Thuỷ sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á cũng như Việt Nam, nhất là sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, ông Hoè nói.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, thị trường ngoài nước được quan tâm trọng điểm từ cuối năm 2020 như một điểm nóng để tạo nên sức bật cho kinh tế, thương mại Việt Nam. Trong đó, các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN sẽ là thị trường trọng điểm. Do đó, Việt Nam cần tập trung khai thác hiệp định thương mại tự do để xây dựng chuỗi cung ứng mới thông qua hoạt động thu hút, liên kết đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Thúc đẩy cơ chế liên kết trong chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế.

“Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Điểm đến hứa hẹn

Vừa qua, bản tin của Bloomberg cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc, khi đại dịch phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Trước đó, Nhật Bản cũng đã thảo luận cách đưa hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trở về nước và chuyển hoạt động sản xuất những mặt hàng khác sang các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cho rằng, Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

JLL cho hay, dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Mỹ cho thấy, lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2018, đối nghịch với mức giảm 16,2% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm ngoái, báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho biết, khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Có tới 40% doanh nghiệp thông báo sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.