Tăng cường phúc lợi và cải thiện việc làm
Một trong những điểm mới, tiến bộ đã được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2019 là bảo đảm bình đẳng giới, trong đó bao gồm những quy định riêng đối với lao động nữ.
Cụ thể hóa nội dung này của Bộ luật Lao động 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết nhiều vấn đề liên quan, trong đó, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản và các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng lao động nữ vào làm việc khi người đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định quy định cụ thể về tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ. Người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; Khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành...
Khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, giao việc tại nhà, đào tạo nâng cao tay nghề; lao động nữ được đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ…
Nghị định quy định đối vơi người sử dụng lao động, căn cứ điều kiện cụ thể xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo đối với người lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ bằng tiền hoặc hiện vật. Mức hỗ trợ được quyết định sau khi được trao đổi, thảo luận giữa hai bên thông qua đối thoại tại nơi
làm việc.
Bảo đảm việc làm, tiền lương và chế độ an sinh
Trong lĩnh vực lao động giúp việc gia đình với số đông là lao động nữ, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng có những quy định riêng nhằm bảo đảm thực thi Bộ luật Lao động, bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho nhóm đối tượng lao động giúp việc gia đình.
Trong đó quy định, khi nhận người giúp việc gia đình vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người lao động bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Lao động. Người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong khi thực hiện công việc được yêu cầu.
Thỏa thuận về tiền lương của người giúp việc gia đình, Nghị định quy định mức lương theo quy định bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của người lao động gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương khoản tiền bằng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi vào ngày làm việc bình thường người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người giúp việc gia đình được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục; Bố trí nghỉ hàng tuần hoặc phải bảo đảm nghỉ bình quân ít nhất 4 ngày trong 1 tháng.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP đồng thời quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH thực hiện tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình; quản lý thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn…