Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, tại khóa tập huấn, các báo cáo viên sẽ cùng với học viên chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong quản trị tài chính ở các nhà trường.
Khóa tập huấn, bồi dưỡng sẽ giải quyết 5 nội dung chính của mô – đun 3: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và các yêu cầu nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học; Quản trị tài chính trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh; hoạt động quản trị tài chính trong trường tiểu học hướng tới kết quả giáo dục học sinh tốt hơn; Huy động và sử dụng các nguồn tài trợ cho trường tiểu học; xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp về quản trị tài chính trường tiểu học.
Các học viên sẽ có 5 ngày học tập qua mạng và 3 ngày tập huấn theo phương thức trực tiếp với cách tiếp cận tương tác, chú trọng hoạt động trải nghiệm và định hướng sản phẩm.
Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp và trở thành báo cáo viên để bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương về quản trị tài chính.
Quản trị tài chính ở trường tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những thay đổi đòi hỏi hiệu trưởng và cán bộ quản lý phải có khả năng thích ứng; do đó các học viên cần tự học và hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện khả năng thích ứng, nhận diện được các trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện chương trình và biết cách vượt qua.
Đồng thời cùng nhau học tập để nâng cao năng lực, giải quyết xung đột, biết đồng cảm, chia sẻ để đạt được sự đồng thuận trong triển khai chương trình giáo dục, nhằm đạt được các mục tiêu mong đợi.
Ngay sau lễ khai mạc, hơn 100 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán thuộc 4 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Phước, Khánh Hòa và Hà Tĩnh cùng với báo viên là ông Vũ Đình Chuẩn – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) bước vào nội dung đầu tiên của khóa tập huấn, bồi dưỡng là: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và các yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của nội dung này là, xây dựng cơ chế tài chính mới cho GD-ĐT, nhằm huy động ngày càng cao và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cũng như xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong GD-ĐT...