Tháo gỡ khó khăn thực tiễn bằng Luật Nhà giáo

GD&TĐ - TS Nguyễn Tùng Lâm mong dự án Luật Nhà giáo sớm được Quốc hội thông qua, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Gỡ khó từ thực tiễn

Góp ý với dự thảo Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Tâm lý Giáo dục Việt Nam có những góp ý cụ thể, sát thực tiễn.

Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên đang đảm nhận nhiệm vụ này. Vì thế, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Luật nhà giáo nên có điều luật xử lý việc này để có thời hạn giải quyết và người chịu trách nhiệm giải quyết.

Tình trạng giáo viên bỏ việc một phần do chính sách đãi ngộ không thoả đáng, kịp thời. “Vậy luật nhà giáo nên có dành riêng điều luật để giải quyết vấn đề này. Tổ chức nào trong cơ sở giáo dục đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhà giáo nói chung, nhà giáo trong các trường ngoài công lập nói riêng?” - TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, quan hệ của các nhà giáo trong các trường ngoài công lập là quan hệ có tính chất cá nhân với chủ trường (người đầu tư mở trường). Vậy khi có xung đột, mâu thuẫn quyền lợi thì tổ chức nào có trách nhiệm hỗ trợ tổ chức Công đoàn giáo dục hay Hội cựu giáo chức ở các địa phương?

Đặc biệt, mối quan hệ giữa người làm thuê với chủ trường và mối quan hệ trách nhiệm được pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trao quyền với chủ trường, người quản lý kinh tế khi có xung đột, mâu thuẫn thì quy trình và cơ quan nào xử lý cũng cần có một điều luật nào đó trong Luật Nhà giáo để có phương án giải quyết.

nguyentunglam.JPG
TS Nguyễn Tùng Lâm trong một hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội).

Cần bổ sung một số điều, khoản

Góp ý vào những điều cụ thể của dự án Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị bổ sung: “Luật Nhà giáo nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng hợp pháp của nhà giáo; đồng thời giúp nhà giáo thường xuyên học tập rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực nghề nghiệp để hoàn thành tốt các nghĩa vụ, trách nhiệm, sứ mệnh nhà giáo”.

“Có nhấn mạnh điều này mới nâng cao ý nghĩa, vai trò của luật và mới giúp nhà giáo có ý thức rèn luyện bản thân, nâng cao chất lượng” - TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.

Tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật có ghi: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định”. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu chỉ nêu như dự thảo thì đơn giản, không phản ánh hết bản chất cao quý của nghề giáo trong các cơ sở giáo dục và nó càng không làm rõ Điều 4 về vị trí vai trò nhà giáo.

Do đó nên ghi tiếp Khoản 1 với ý: “…Và là người thực hiện tốt sứ mệnh của nhà giáo, là người truyền cảm hứng để mỗi học sinh có thể tự khám phá những khả năng tiềm ẩn, những điều tốt đẹp của chính mình; biết tự phát triển bản thân; tự vượt qua những khó khăn, trở ngại để thành công trong quá trình lập thân, lập nghiệp”.

Đối với chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo (Điều 7, dự thảo luật), TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị sửa thêm:

Khoản 1: “Nhà Nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, “chính quyền địa phương các cấp và các cơ sở giáo dục chủ động” huy động các nguồn lực xã hội cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo”.

Việc chăm lo cho nhà giáo không chỉ trông chờ ở những chính sách lớn của Đảng, mà phải dựa vào chính quyền địa phương các cấp. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải chủ động quan hệ, đề xuất với chính quyền địa phương được phân cấp quản lý, thì mới kịp thời có chủ trương vận động các lực lượng xã hội trên địa bàn thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội.

Với nhà giáo, Luật phải cụ thể hoá 2 điều cơ bản mới được quan tâm chăm lo thường xuyên. Điều 41 chăm lo các quyền lợi nhà giáo cũng phải thêm điều này.

Khoản 4: Có chính sách ưu đãi “về tiền lương , phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác” để nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến. Luật nhà giáo phải khẳng định rõ nhà giáo phải được hưởng thâm niên nghề nghiệp một cách ổn định, không để tình trạng lúc có, lúc không.

Đặc biệt, các nhà giáo giỏi có thâm niên nghề nghiệp được đưa lên làm cán bộ quản lý các cấp trong ngành Giáo dục phải được hưởng chế độ thâm niên nghề nghiệp của nhà giáo

Khoản 5: Có chính sách ưu đãi “ưu tiên đầu tư” phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Khoản 6: Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phát triển các trường sư phạm ở trung ương và các địa phương thành trường sư phạm trọng điểm chất lượng cao.

Về quyền của Nhà giáo (Điều 9, dự thảo luật), TS Nguyễn Tùng Lâm góp ý:

Khoản 1, cần bổ sung: “Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải là những nhà Sư phạm tiêu biểu cho các nhà giáo ở cơ sở giáo dục đó và đảm bảo đạt chuẩn của nhà giáo quy định Điều 13 của Luật này. Đồng thời phải là người nắm vững khoa học tâm lý, khoa học giáo dục và khoa học quản lý giáo dục”.

Khoản 3: Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục, cần thêm mục d, được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp riêng của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong thời gian đảm nhận chức vụ. Mức lương này do chính phủ quy định nhưng ít nhất phải bằng gấp đôi lương nhà giáo cao nhất của cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ