Tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số trong giáo dục ở ĐBSCL

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục phổ thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua được quan tâm đầu tư và có khởi sắc. 

Thầy trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ thực hành Tin học.
Thầy trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trong giờ thực hành Tin học.

Tuy nhiên quá trình này vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để chuyển đổi số được phát huy hiệu quả.

Ưu tiên chuyển đổi số

Chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số ngành Giáo dục được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Năm 2022, ngành GD&ĐT Cà Mau thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đều có Internet băng thông rộng và thực hiện ký số các loại sổ sách của các đơn vị, trường học khi chuyển đổi từ sổ sách truyền thống sang sổ sách điện tử. Các thông tin và báo cáo nhanh được thực hiện qua ứng dụng Zalo góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác chỉ đạo và điều hành…

Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) là điểm sáng về chuyển đổi số. Hiện, nhà trường sẵn sàng để thực hiện nhiều hình thức của chuyển đổi số như: Thanh toán học phí không dùng tiền mặt, tra cứu điểm thi trên điện thoại thông minh, triển khai nhận hồ sơ nhập học đầu cấp, đăng ký thi tốt nghiệp THPT cho khối 12… Thời gian tới, trường sẽ triển khai thư viện số.

Đây cũng là trường đi đầu trong chuyển đổi số khi triển khai các phần mềm quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên. Nhà trường truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh qua Zalo, SMS... phát huy dạy học trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.

Xây dựng “Trường học thông minh” được Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Theo lãnh đạo nhà trường, mục tiêu của trường là từng bước xây dựng “Trường học thông minh”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và dạy học. Ngoài các phần mềm mà giáo viên trường đã xây dựng, nhà trường tiếp tục đặt hàng giáo viên chuyên môn viết các phần mềm theo yêu cầu công việc. Một trong những mục tiêu đặt ra là số hóa toàn bộ các tài liệu cũ của trường đã lưu trữ gần 100 năm trên các văn bản giấy.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 481 trường phổ thông, hiện tất cả các trường đã triển khai nền tảng quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến là người học.

Các phòng GD&ĐT, các trường THPT đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong việc liên thông trao đổi văn bản điện tử, gửi - nhận văn bản có ký số giữa các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện, sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường; sử dụng tối đa lợi ích phần mềm quản lý học tập (LMS) mang lại, giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải…

“Gỡ khó” kịp thời

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục nhiều địa phương cũng xác định còn những khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, chuyển đổi số là lĩnh vực mới nên phần nào các trường cũng còn lúng túng khi thực hiện; ngành phải thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, áp dụng các mô hình hay của các tỉnh bạn để tổ chức triển khai thực hiện.

Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục cũng chưa đảm bảo, nhất là ở các trường tiểu học và mầm non. Hiện, việc khai thác công nghệ thông tin và sử dụng của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học…

Giờ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Giờ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số của một số cán bộ, giáo viên trong ngành còn chưa đầy đủ nên khi triển khai thực hiện còn gặp một số lúng túng, vướng mắc.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế. Khó khăn về kinh phí đã làm tiến độ thực hiện một số mục tiêu còn chậm… Một số địa phương vùng đặc biệt khó khăn, nhiều điểm trường lẻ ở xa trung tâm không được bố trí đủ chỉ tiêu, biên chế, đặc biệt là các môn học đặc thù: Tiếng Anh, Tin học nên rất khó khăn trong triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018…

Tại địa bàn vùng khó, vùng đồng bào dân tộc quá trình chuyển đổi số còn nhiều khó khăn hơn. Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện gặp khó khi năng lực quản lý, năng lực dạy học của một số cán bộ quản lý, giáo viên tuy đạt chuẩn nhưng thực tế còn hạn chế ở một số mặt; ít cập nhật kiến thức mới, chậm đổi mới về quản lý, phương pháp dạy học tích cực, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên yếu công nghệ thông tin, giáo viên lớn tuổi; tâm lý ngại đổi mới, thụ động, khả năng thích ứng với Chương trình GDPT 2018 còn hạn chế…

Theo thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu), xã Vĩnh Hải là vùng đông đồng bào dân tộc nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận những vấn đề mới. Một số giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi, yếu công nghệ thông tin, ít nghiên cứu kỹ chương trình đổi mới nên lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ…

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng chuyển đổi số trong nhà trường, tỉnh quan tâm, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; Khuyến khích giáo viên có tinh thần tự học để nâng cao kiến thức, sáng tạo ra nhiều bài giảng hay kết hợp với các phương tiện nghe, nhìn để tăng cường hiệu quả dạy học, kích thích sự sáng tạo và tăng cường khả năng tự học, sự tìm tòi của học sinh theo từng lứa tuổi; Đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin cho các đơn vị, trường học để nâng cao hiệu quả trong dạy trực tiếp và học trực tuyến. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), để nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng số, ngoài công tác truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thì việc áp dụng vào công việc và lấy hiệu quả công việc làm thước đo đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc chuyển đổi số. Phải làm cho giáo viên và học sinh thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi số thì mọi người sẽ ủng hộ và thực hiện một cách tự giác...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ