Cụ thể hóa chuyển đổi số trong thực tiễn giáo dục

GD&TĐ - Việc Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) có kế hoạch ứng dụng công nghệ vào 35% tiết học trực tiếp được dư luận quan tâm.

Học sinh THCS TPHCM tiếp cận với tiết học trực tuyến. Ảnh minh họa
Học sinh THCS TPHCM tiếp cận với tiết học trực tuyến. Ảnh minh họa

Đây là một trong nhiều minh chứng cho thấy chuyển đổi số đang được cụ thể hóa trong thực tiễn giáo dục.

Tận dụng thiết bị đã đầu tư

2 năm học vừa qua, Trường THCS Kim Đồng (Tân Lạc, Hòa Bình) là đơn vị đi đầu của tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, đặc biệt là dạy học trực tuyến khi học sinh không đến trường; chuyển đổi kịp thời hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Theo thầy Phó Hiệu trưởng Trịnh Đình Thành, khi dịch bệnh được kiểm soát, các điều kiện trang bị cho dạy học trực tuyến vẫn được nhà trường khai thác, sử dụng hiệu quả. Cụ thể, sử dụng để dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi học sinh gặp biến cố không thể đến trường; tham gia các kỳ thi online. Sử dụng để bồi dưỡng học sinh gặp khó khăn trong học tập vào buổi tối hoặc buổi chiều; hoặc khi giáo viên muốn tăng thời lượng ôn tập và tương tác, hướng dẫn học sinh.

Nhà trường cũng sử dụng các nền tảng số phục vụ dạy học, kiểm tra đánh giá ở hình thức dạy học trực tiếp. Các tổ chuyên môn sử dụng để sinh hoạt chuyên môn, tháo gỡ các vấn đề trong thực hiện chương trình khi không thể bố trí được thời gian để thực hiện trực tiếp…

“Có thể nói, nhà trường vẫn khai thác triệt để và có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư dạy học trực tuyến khi chuyển sang dạy học trực tiếp. Với nền tảng đã có, giáo viên, học sinh có thể khai thác để có bài giảng tốt, cuốn hút học sinh góp phần hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi. Đây cũng là phương tiện để học sinh nộp sản phẩm học tập, đánh giá sản phẩm học tập... sử dụng trong kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, trường vẫn kiểm soát về mức độ phù hợp và hiệu quả ở các hoạt động có sử dụng CNTT thông qua kiểm tra, phản hồi của học sinh và phụ huynh học sinh”, thầy Trịnh Đình Thành cho hay.

Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Giáo dục Bến Tre đã có kế hoạch cụ thể ứng dụng nền tảng dạy học trực tuyến đến 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023, định hướng đến năm 2025. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, hiệu trưởng mỗi trường có nhiệm vụ dựng kế hoạch để tổ bộ môn xây dựng bài dạy trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp ở một số tiết, chuyên đề, chủ đề học tập của các khối theo Chương trình GDPT năm 2018 (trừ các nội dung học tập của một số môn học không thể dạy học trực tuyến).

“27 cơ sở giáo dục phổ thông tại Bến Tre được chọn làm mô hình điểm triển khai nền tảng dạy học trực tuyến năm học 2022 - 2023. Những trường này sẽ làm nòng cốt về chuyển đổi số trong quản lý và dạy học; triển khai nền tảng dạy học trực tuyến trên địa bàn huyện, thành phố”, bà La Thị Thúy chia sẻ.

Khuyến khích đơn vị thực hiện cho các khối lớp học khác. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng quy định cho phép học sinh mang thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (laptop, điện thoại, máy tính bảng) để thực hiện học tập, kiểm tra, đánh giá… trên hệ thống quản lý học tập (LMS) trong tiết học tập trực tiếp với sự hướng dẫn và quản lý của giáo viên.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu 100% tổ bộ môn nhà trường cung cấp các khóa học (theo bài học, chuyên đề, chủ đề), tài liệu tham khảo, video dạy học, bài tập… cho học sinh. 50% giáo viên thực hiện theo dõi quá trình học tập, tương tác, nhận/trả lời câu hỏi hỗ trợ học sinh trên hệ thống LMS. Tăng cường thực hiện (với tỷ lệ phù hợp theo điều kiện nhà trường) các bài kiểm tra, đánh giá, theo dõi quá trình học tập của học sinh, qua hệ thống LMS. Thầy cô hướng dẫn học sinh các nội dung có thể tự học, rèn luyện từ tài nguyên được cung cấp trên hệ thống LMS. Nội dung sẽ được hướng dẫn trong tiết học chính thức nhằm hỗ trợ tốt hơn các tiết dạy học này…

Thiết kế chương trình nhà trường theo hướng số hóa

Liên quan đến vấn đề này, TS Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng, cần lưu ý nội hàm của dạy học trực tuyến. Bởi lẽ trên thực tế triển khai và thông lệ của thế giới, tên gọi dạy học trực tuyến bao hàm khá nhiều mô hình.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Có thể kể đến trực tuyến toàn phần bao gồm đồng thời và không đồng thời theo thời gian thực (giao tiếp hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp giữa người dạy và người học). Mô hình này, có thể lựa chọn một số môn để dạy trực tuyến trên nền tảng hỗ trợ quản lý dạy học (LMS, LCMS). Toàn bộ hoạt động dạy học, học tập, kiểm tra đánh giá được thực hiện trên đó, kèm theo có thể tổ chức các môn bổ trợ kiến thức, kỹ năng.

Tiếp đó là trực tuyến một phần theo tỷ lệ phù hợp (song song và kết nối với dạy học trực tiếp). Ví dụ, một số môn có thể chọn những nội dung, hình thức triển khai phù hợp để dạy trực tuyến cùng với trực tiếp.

Trực tuyến tích hợp đồng thời với trực tiếp (theo tỷ lệ thời gian và kết cấu chương trình, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá) là một hướng triển khai. Ví dụ, sử dụng một số nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thực hiện trực tuyến để tích hợp trong các giờ dạy trực tiếp. Học sinh chuẩn bị bài trực tuyến để trao đổi trực tiếp vào ngày hôm sau. Học sinh vẫn đến trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhưng học tập, mở rộng kiến thức, luyện tập thực hành, kiểm tra đánh giá trên nền tảng trực tuyến…

“Để làm được việc này, các nội dung trong Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT, Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, hướng dẫn khá đầy đủ”, TS Tôn Quang Cường cho biết.

Riêng với kế hoạch của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo TS Tôn Quang Cường, thể hiện nỗ lực và bước đột phá mới trong triển khai dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục ở phổ thông. Đưa gợi ý, TS Tôn Quang Cường cho rằng, ban giám hiệu cần rà soát chương trình giáo dục nhà trường, tái cấu trúc, phân rõ nội dung gắn với hình thức dự kiến triển khai (phần nội dung nào, hoạt động nào có thể thực hiện trực tuyến). Xây dựng các kịch bản triển khai (kế hoạch dạy học trực tuyến) cụ thể trên cơ sở sử dụng và vận hành đầy đủ các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý học tập (LMS, LCMS).

Cùng với đó, xây dựng kho học liệu, tài nguyên số phong phú theo các định dạng khác nhau (văn bản, âm thanh, hình ảnh, video bài giảng, thí nghiệm mô phỏng, website liên kết…), lưu trữ, phân phối, chia sẻ hiệu quả, bảo đảm sự tiếp cận linh hoạt cho người học. Xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ, kiểm tra đánh giá phù hợp.

Tập huấn nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh, bao gồm cả phương pháp dạy học hỗn hợp trên nền tảng số, kỹ năng tổ chức hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá học sinh trên nền tảng và công cụ số. Xây dựng, vận hành kiểm tra thử hệ thống hạ tầng công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến đảm bảo chạy ổn định, an toàn lâu dài… trên cơ sở lựa chọn huy động sự tham gia công nghệ giáo dục có uy tín, năng lực.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho rằng, những cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm dạy học trực tuyến tạo điều kiện thúc đẩy số hóa nhà trường. Tuy nhiên, đó không đơn giản là việc chuyển giờ học trực tiếp sang trực tuyến. Trong điều kiện bình thường, dạy học trực tuyến chỉ nên sử dụng dưới các hình thức phối hợp nhằm tăng cường hiệu quả của dạy học trực tiếp. Vì vậy, không chỉ là xây dựng mức độ, tỷ lệ thời gian, mà cần thiết kế chương trình giáo dục nhà trường từng bước theo hướng nhà trường số hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.