Tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách để thúc đẩy tự chủ ĐH hiệu quả

GD&TĐ - Tại Hội thảo giáo dục 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu 1 số vấn đề lớn về thể chế, chính sách liên quan tới chất lượng GDĐH.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Những vấn đề nêu ra từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính về GD-ĐT.

Giáo dục đại học (GDĐH) là một dịch vụ công đặc biệt

Theo Thứ trưởng, về khoa học cũng như thực tiễn, chất lượng GDĐH là một vấn đề khá phức hợp, được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, được thể hiện qua nhiều yếu tố, khó đo lường, đánh giá trực tiếp; có quan hệ phức tạp với nhiều yếu tố khác và khó có những giải pháp, công cụ kiểm soát hiệu quả.

Vì vậy, cách tiếp cận phù hợp thường được sử dụng, không chỉ trong khoa học kỹ thuật hay trong khoa học giáo dục, mà cả trong thực tế xây dựng chính sách và quản trị đại học, đó là cách tiếp cận hệ thống.

Mục đích quan trọng nhất, là để các đại biểu dự hội thảo có thể cùng thảo luận, thống nhất chỉ ra bản chất, nguyên nhân mang tính căn cốt của những hạn chế, yếu kém về chất lượng GDĐH. Trên cơ sở đó, thống nhất về những đề xuất, kiến nghị cho những thay đổi cần thiết về thể chế, chính sách cho GDĐH trong giai đoạn tiếp theo.

Trước khi đi vào phân tích các chính sách, Thứ trưởng cho rằng, cần quay lại xem bản chất của GDĐH; từ đó xác định bản chất của chất lượng GDĐH và các yếu tố liên quan là gì.

GDĐH trước hết là một dịch vụ công, mang lại cả lợi ích cho cá nhân và lợi ích công; nhưng cơ bản cũng phải tuân theo những quy luật của thị trường, có cạnh tranh, có phân khúc, có quan hệ giữa chất lượng và chi phí; và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải có vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước.

Hội thảo Giáo dục năm 2023 có chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Hội thảo Giáo dục năm 2023 có chủ đề Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

“GDĐH trước hết là một dịch vụ công đặc biệt, vì người học cũng như Nhà nước, là những khách hàng sử dụng dịch vụ; nhưng lợi ích nhận được có độ trễ, có tính lâu dài, bền vững và gia tăng theo thời gian. Cho nên khách hàng đồng thời là những nhà đầu tư.

Đầu tư cho giáo dục nói chung và cho GDĐH nói riêng là đầu tư cho phát triển, có hiệu quả đầu tư cao, tỉ suất thu hồi lớn. Cả người học/gia đình và Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải đầu tư “đủ tầm” cho GDĐH, cho các cơ sở GDĐH”, Thứ trưởng chia sẻ.

Một khi đã thống nhất bản chất của GDĐH là một dịch vụ công đặc biệt, thì chất lượng GDĐH (dù đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau), sẽ là kết quả thực hiện sứ mạng của mình, được đo lường, đánh giá thông qua các chỉ số thể hiện giá trị gia tăng từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, đáp ứng yêu cầu của người học, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Những chỉ số chính bao gồm: Sự thành công của người học; mức độ gia tăng tri thức khoa học công nghệ; lợi ích mang lại cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hợp tác với doanh nghiệp; tác động kinh tế - xã hội, thể hiện rất đa dạng thông qua đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng thu thuế của nhà nước, số doanh nghiệp start-up được thành lập, số việc làm mới được tạo ra.

Một điều đáng chú ý là, phân tích và đánh giá chất lượng GDĐH luôn phải đi đôi với hiệu quả của cả hệ thống giáo dục đại học; vì đây là yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của các cơ sở GDĐH và cả hệ thống GDĐH. Sẽ không thể duy trì chất lượng lâu dài nếu không có hiệu quả.

Bốn đỉnh của tứ diện phát triển giáo dục đại học. Nguồn: Bộ GD&ĐT.
Bốn đỉnh của tứ diện phát triển giáo dục đại học. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Quản trị chất lượng ở cấp độ hệ thống giáo dục đại học. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Quản trị chất lượng ở cấp độ hệ thống giáo dục đại học. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Đưa giải pháp từ nguyên nhân căn cốt dẫn đến hạn chế về chất lượng GDĐH

Nhìn nhận quản trị ở cấp độ cơ sở GDĐH từ cách tiếp cận hệ thống, theo Thứ trưởng, có thể nhận thấy những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế về chất lượng GDĐH như sau:

Thứ nhất: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Chúng ta muốn biết chất lượng giáo dục đến đâu cần phải có cơ chế đánh giá giám sát chất lượng thực sự hiệu quả.

Thứ 2, hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo sức bật mạnh mẽ cho các cơ sở GDĐH phát huy hết nội lực; năng lực quản trị của một số cơ sở GDĐH còn yếu.

Thứ 3, hệ thống GDĐH còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số cơ sở GDĐH hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.

Thứ 4, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho GDĐH chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.

Từ điểm nghẽn đó, Thứ trưởng cho rằng, chính sách nâng cao chất lượng GDĐH chính là tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng, để khắc phục điểm nghẽn nói trên.

Theo đó, cần có những chính sách và rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng; cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ cở GDĐH; cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống tối GDĐH với bên ngoài, với thế giới; có cơ chế chính sách phân bổ và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Nhà nước cho GDĐH.

Cụ thể, về đánh giá, giám sát chất lượng giáo dục, cần chú trọng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, những vấn đề liên quan đến kết hợp hiệu quả kiểm định cấp cơ sở GDĐH và cấp chương trình đào tạo. Phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước về quản lý chất lượng với dịch vụ đánh giá kiểm định... Kết hợp hiệu quả sử dụng chuẩn cơ sở GDĐH và chuẩn chương trình đào tạo cũng như phát triển, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu GDĐH - công cụ quan trọng để bảo đảm tính minh bạch trong hệ thống.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Trước khi nói về tăng cường nguồn lực GDĐH, theo Thứ trưởng, bản thân cơ sở GDĐH và hệ thống giáo dục phải được tối ưu hóa để làm sao sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Cần tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách để thúc đẩy tự chủ ĐH đi vào chiều sâu và thực chất. Qua đó, từng cơ sở GDĐH cũng như toàn hệ thống có thể phát huy được nội lực, có khả năng khai thác được các nguồn lực khác nhau, đầu tư nâng cao chất lượng GDĐH. Cùng với đó, các cơ sở GDĐH có thể cạnh tranh lành mạnh trong môi trường thông thoáng, minh bạch, lấy chất lượng làm nền tảng.

Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH. Vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước rất quan trọng để thực hiện quy hoạch mạng lưới; vì để thực hiện cần cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, tăng nguồn đầu tư của Nhà nước thực hiện quy hoạch này.

Với việc ứng dụng công nghệ mới trong triển khai mô hình GDĐH số, Thứ trưởng cho rằng, không chỉ dừng lại ở cấp độ cơ sở GDĐH mà có tính liên thông trong toàn hệ thống. Với việc chia sẻ sử dụng chung nguồn lực và cung cấp dịch vụ giáo dục trên môi trường số, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục hợp tác, sử dụng chung môi trường này; cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ giáo dục đối với phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo.

Về huy động nguồn lực tài chính, theo Thứ trưởng, phải bảo đảm nguyên tắc chi phí theo lợi ích. Từ nguồn lực người học, cần rà soát các chế độ, chính sách liên quan đến học phí, học bổng, tín dụng ưu đãi của sinh viên theo đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.

Nguồn lực từ Nhà nước, cần làm sao để tăng mức chi ngân sách Nhà nước cho GDĐH đạt mức trung bình trong khu vực, bảo đảm cho đầu tư vào lĩnh vực và các trình độ đào tạo có hiệu quả cao nhất.

Với nguồn lực từ doanh nghiệp: Cần xem xét hiện nay có điểm nghẽn gì trong chính sách ưu đãi về đất đai và thuế đối với các doanh nghiệp, các cá nhân muốn tài trợ cho GDĐH; những chính sách khuyến khích, đặt hàng theo kết quả đầu ra đã được triển khai chưa?

Cuối cùng, nguồn lực từ chính hoạt động của các cơ sở GDĐH, liệu các nguồn thu khác có giúp nhiều cho việc tăng nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo của từng cơ sở GDĐH hay không?

Ngoài đề xuất tăng ngân sách Nhà nước cho GDĐH, Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế, chính sách phân bổ ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường tính minh bạch, giám sát đưa vào sử dụng.

Hội thảo Giáo dục năm 2023 về Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và ĐHQG Hà Nội tổ chức.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học; trong đó, tập trung về chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, hội thảo hướng tới đề xuất các ý tưởng, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.