Đột phá để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học

GD&TĐ - Sáng 6/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đối với lĩnh vực giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT và hơn 100 đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học. Hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Bước chuyển biến mạnh mẽ

Mục tiêu trong thời gian tới là, phát triển nền giáo dục đại học chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và hiện đại, đáp ứng yêu cầu và dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Trình bày một số kết quả triển khai đổi mới giáo dục đại học theo Nghị quyết 29, TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, 10 năm qua, GDĐH Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô. Chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học báo cáo tại hội thảo.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học báo cáo tại hội thảo.

Trong giai đoạn 2013 – 2022, quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4%. Từ năm 2020 đến nay có chiều hướng tăng mạnh Hội nhập quốc tế về chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, kiểm định chất lượng, việc thực hiện khung trình độ quốc gia, ngôn ngữ giảng viên giảng dạy trong cơ sở đào tạo;

So với 10 năm trước đã hội nhập sâu rộng, bước tiến đáng kể. Nhiều chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế.

Một số ngành, nhóm ngành của các cơ sở giáo dục đại học được hiển thị ở TOP 400, 500 và từ 600 đến 1000 của thế giới. Một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới như: Academic Ranking 9 for World Universities (ARWU), Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP), THE Impact Rankings, Tạp chí U.S. News & World Report.

Theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, có 9 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES), AUN-QA, FIBAA và QAA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất 13 lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Kết quả trên tương đương với khoảng hơn 12% số chương trình đào tạo trên cả nước đã được kiểm định, trong đó có khoảng 5% được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế, là con số còn rất hạn chế.

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS Nguyễn Thị Thu Thủy cũng nêu lên một số hạn chế như: Đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước còn rất thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo.

Quy mô đào tạo đại học tăng nhưng vẫn nằm ở mức trung bình khá của thế giới. Tuyển sinh và đào tạo các chương trình thuộc một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn.

Quy mô đào tạo sau đại học rất thấp và không tăng trong nhiều năm qua, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp chưa có sự gắn kết đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Chuyển biến cả lý luận và thực tiễn

“Tự chủ còn là động lực cho sự chuyển đổi mô hình giáo dục đại học thời kỳ bao cấp, quản lý tập trung sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định, chủ trương tự chủ đại học cũng được coi là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước; trong đó có Nghị quyết 29; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học…

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, sự gợi mở và thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước thực hiện quyền tự chủ ngày càng sâu và rộng gắn liền với trách nhiệm giải trình để các bên liên quan và xã hội giám sát.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhìn nhận, tự chủ đại học như giải pháp đột phá để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Quá trình thực hiện tự chủ đại học là tất yếu, là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hoá giáo dục đại học.

Theo định hướng đổi mới, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền tự chủ của mình.

Nhờ đó, các cơ sở giáo dục đại học đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động, cả lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội tham luận tại hội thảo.

Để thực hiện tốt và đúng tự chủ đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, ngoài việc đổi mới quản lý nhà nước thì việc đổi mới quản trị là yếu tố then chốt và hàng đầu.

Trao đổi về vấn đề đổi mới căn bản công tác quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo dựa trên công nghệ số, PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức triển, khai thực hiện.

Theo đó, chuyển đổi số được triển khai nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người học. Các nền tảng số trong quản trị đại học nhằm liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu, tối ưu nguồn lực.

Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức của giảng viên, sinh viên ứng dụng công nghệ trong giảng dạy học tập. Đồng thời, thể chế hóa các quy định của nhà nước, đặc biệt của Bộ GD&ĐT lên môi trường số để quản trị. Cùng với đó, cần hình thành hệ sinh thái số kết nối nhà trường, sinh viên doanh nghiệp và xã hội.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chia sẻ tại hội thảo.

Có cần nghị quyết mới về giáo dục đại học?

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, có nhiều nội dung để đánh giá tổng kết cho tất cả các bậc học và các lĩnh vực công tác trong ngành Giáo dục.

Việc phân tích, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 phải toàn diện, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tạo thành thể thống nhất.

Trong rất nhiều nội dung, các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích kết quả đạt được trong quá trình triển khai từng năm, theo từng mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết.

Theo Thứ trưởng, cần làm rõ những nội dung đã được thể chế hóa tốt trong cơ chế, chính sách và những gì đã triển khai thực hiện. Ngoài ra, phân tích những khó khăn, “điểm nghẽn” trong cơ chế và làm rõ nguyên nhân của vấn đề này. Trên cơ sở đó, chúng ta có những kiến nghị với cấp trên nhằm tháo gỡ, khó khăn, bất cập.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Từ thực tiễn, Thứ trưởng đặt vấn đề, chúng ta có nên đề nghị xây dựng nghị quyết mới hay kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 hay không?

Nghị quyết 29 cho toàn ngành Giáo dục và đào tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, giáo dục đại học có những bước chuyển biến rất mạnh. Tuy nhiên, những nội dung về giáo dục đại học chưa nổi bật. Trong bối cảnh mới, cần những kiến nghị để giáo dục đại học có những bứt phá mới.

Vì vậy, cần thiết có những kết luận, nghị quyết mới về giáo dục đại học. Làm sao để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội thảo khoa học hôm nay không phải là hội nghị tổng kết nhưng cũng nhìn nhận rộng hơn trong hệ thống để thông qua việc đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ đó, giúp chúng ta làm tốt hơn công việc của mình trong thời gian tới.

Ban tổ chức mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học đại diện cho các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Qua đó, có thêm căn cứ để Tiểu ban Giáo dục đại học tổng hợp, hoàn thiện dự thảo báo cáo, làm cho những nhận định, đánh giá trong dự thảo thêm phần sâu sắc và xác đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.