Tháo gỡ điểm nghẽn trong xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học tại Đà Nẵng

GD&TĐ - Nhiều công trình thuộc Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021 - 2025 của Đà Nẵng đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Nhiều trường tiểu học tại quận Liên Chiểu thiếu phòng học, không đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Nhiều trường tiểu học tại quận Liên Chiểu thiếu phòng học, không đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Chiều 28/11, Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Đà Nẵng. Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì; bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch HĐND thành phố cùng tham dự.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của thành phố chi cho ngành GD&ĐT là 1.141 tỷ đồng, trong đó chi xây lắp là 1.126 tỷ đồng, đền bù giải tỏa là 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn bố trí đạt 25,6% so với Đề án được duyệt và 15% so với đề xuất bổ sung của ngành GD&ĐT và UBND các quận, huyện.

Đến tháng 10/2022, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 76 công trình với tổng mức đầu tư là 1.553 tỷ đồng. Trong đó, có 17 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 15 công trình đang triển khai và 44 công trình đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu.

Đến nay, đã gần 2/5 thời gian thực hiện Đề án, nhưng hầu hết các công trình đang còn ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình đã hoàn thành ước đạt 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị Đề án được duyệt.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội với Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội với Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, về đất xây dựng trường học, hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch các phân khu, chưa triển khai quy hoạch chi tiết. Cùng với quỹ đất công rất hạn chế, việc chọn địa điểm để đề xuất đầu tư xây dựng mới cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu ban đầu của đề án là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục đã không thực hiện được.

Ngoài ra, một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học đang vướng các khâu giải tỏa đền bù nên chưa triển khai được như một số trường học thuộc quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu và Trường THPT Hòa Vang cơ sở 2.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến đề án chậm triển khai là khả năng cân đối vốn trung hạn. Đến nay, tổng nguồn vốn bố trí cho cả giai đoạn 2021-2025 đạt 25,6% so với Đề án được duyệt và 15% so với đề xuất của ngành và UBND các quận, huyện. Ngoài ra, còn có các vướng mắc khác thuộc lĩnh vực đầu tư và xây dựng như quy định giới hạn về tầng cao, mật độ xây dựng, tổng mức đầu tư...

Sở GD&ĐT kiến nghị HĐND thành phố quan tâm hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, quan tâm đầu tư mở rộng cơ sở vật chất ở một số điểm trường mầm non công lập; ưu tiên bố trí đất để phát triển các trường học mới.

Với đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025”, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ban VH-XH tích cực có các đề xuất với HĐND để làm rõ tính cần thiết để ưu tiên đầu tư trong kỳ họp sắp tới.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, cần có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm tỷ lệ 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày, nhất là tại quận Liên Chiểu.

Theo đó, Ban Văn hóa – Xã hội cần làm việc các sở, ngành liên quan rà soát lại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về Tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT về quy định giới hạn về tầng cao, mật độ xây dựng, tổng mức đầu tư… để có đề xuất phù hợp trong điều kiện quỹ đất mở rộng trường lớp gặp nhiều khó khăn.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, không nên quá phụ thuộc vào các vấn đề pháp lý của Trung ương mà cần linh hoạt tham mưu xây dựng những chính sách đặc thù của thành phố dành cho ngành giáo dục, miễn là có lợi cho học sinh, giáo viên; phù hợp với năng lực của thành phố.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong ban Văn hóa – Xã hội của HĐND thành phố cũng đã có ý kiến về một số vấn đề giáo dục đang được quan tâm, như: hiệu quả đề án nâng cấp mở rộng trường học, thiếu giáo viên cục bộ, phân luồng học sinh, sách giáo khoa, nhà vệ sinh trường học, công tác phòng cháy chữa cháy trong trường học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.