Nhiều trường tiểu học thuộc quận Hải Châu đã thông báo với phụ huynh về sự thay đổi trong kế hoạch dạy học. Một số môn học được tổ chức theo hình thức xã hội hóa cũng không còn, các tiết học tăng cường bị cắt bỏ.
Tổng phụ trách được tính vào chỉ tiêu biên chế giáo viên
Với tổng số 20 lớp, để tổ chức dạy học 10 buổi/tuần, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cần 1,59/giáo viên/lớp. Tuy nhiên, theo tỉ lệ giáo viên/học sinh mà Phòng Nội vụ phê duyệt cho nhà trường thì chỉ có 1,5gv/lớp. Nhưng trên thực tế, số giáo viên dạy văn hóa của nhà trường chỉ đạt 1,45 giáo viên/lớp. Việc tính Tổng phụ trách đội trong các trường học tính vào chỉ tiêu biên chế giáo viên đã khiến cho các trường học thiếu hụt giáo viên đứng lớp. Thay vì đảm bảo hệ số 1,5 giáo viên/lớp thì giờ trường nào cao nhất mới chỉ đạt được 1,46, còn lại là 1,4.
Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết, nếu tổ chức dạy học 10 buổi/tuần thì trường còn thiếu gần 1,6 giáo viên, tức là cần bổ sung thêm 2 giáo viên nữa. Hiện nay, dù đã tổ chức dạy – học 9 buổi/tuần nhưng nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy tăng thay cho các chức danh kiêm nhiệm như Chủ tịch Công đoàn, giáo viên chủ nhiệm. Trong xây dựng lại thời khóa biểu của nhà trường đã không còn các tiết học tăng cường nữa.
Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đón học sinh khối lớp Một trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023. |
Tương tự, học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng chỉ học 9 buổi/tuần và nghỉ học vào chiều thứ 6 do thiếu giáo viên. Cô Nguyễn Quỳnh Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện đang thiếu 7 giáo viên, trong đó có 1 giáo viên Tin học và 1 giáo viên Ngoại ngữ. Với 45 giáo viên/35 lớp, nhà trường chỉ đạt tỉ lệ 1,28 giáo viên/lớp, cách xa rất nhiều so với định mức.
Trường Tiểu học Phù Đổng có chương trình ngoại ngữ 2 là tiếng Pháp với thời lượng dạy – học từ 7-8 tiết/tuần, vì vậy buộc phải tổ chức dạy – học đủ 10 buổi/tuần. Tuy nhiên, theo cô Trương Thị Nhã Trúc, nhà trường vẫn thiếu giáo viên để đảm bảo dạy – học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp, nhà trường tổ chức xã hội hóa đối với môn học kỹ năng sống.
Thực tế dạy – học tại các trường học cho thấy, khối lượng công việc liên quan đến hoạt động hoạt động Đội tại các trường tiểu học là rất nhiều. Đặc biệt, với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến khối lớp 3 thì hoạt động trải nghiệm là một hoạt động giáo dục bắt buộc. Gần như mọi hoạt động trải nghiệm tổ chức theo hình thức tập trung với quy mô từ một khối lớp thì đều có sự tham gia của tổng phụ trách đội. Tổng phụ trách chỉ đảm nhận thêm 2 tiết dạy/tuần với trường hạng 1 và khoảng 8 tiết với trường hạng 2 để đủ số giờ đứng lớp.
Môn Anh văn khối lớp 1-2 trở thành môn học tự chọn
Năm học 2022 – 2023 này, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, môn tiếng Anh ở khối lớp 1-2 sẽ là môn học tự chọn, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo toàn bộ. Trong khi đó, những năm học trước đây, cùng với môn học kỹ năng sống thì đây là môn học được các trường tổ chức theo hình thức xã hội hóa.
Tùy theo thực tế giáo viên hiện có, các trường tiểu học sẽ quyết định tổ chức dạy học Anh văn cho khối lớp 1-2 hay không. Như Trường Tiểu học Núi Thành vẫn đủ giáo viên để dạy Anh văn cho khối lớp 1-2. Nhưng Trường Tiểu học Lê Lai chỉ có 2 giáo viên Anh văn. Theo tính toán, nếu dạy môn Anh văn cho cả khối lớp 1-2, với định mức 23 tiết/giáo viên/tuần thì có 18 tiết không có giáo viên để dạy. Vì vậy, buộc lòng nhà trường không thể tổ chức dạy Anh văn cho khối lớp 1-2.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu ưu tiên dạy Anh văn cho khối lớp 1-2 thì buộc lòng phải “cắt” hợp đồng một giáo viên dạy văn hóa để hợp đồng giáo viên Anh văn. “Nếu được xã hội hóa dạy – học Anh văn cho khối lớp 1-2 như những năm trước thì nhà trường được “gánh bớt” 28 tiết/tuần. Như vậy sẽ giải quyết được hơn 1 định biên giáo viên. Đội ngũ chúng tôi sẽ có độ giãn để giáo viên chủ nhiệm dạy các tiết tăng cường” – cô Quỳnh Vân phân tích. Do không có nguồn giáo viên Tin học để hợp đồng, hiện Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu chỉ dạy môn Tin học cho khối lớp 3 và lớp 5.
Cô Nguyễn Quỳnh Vân cho rằng, Tổng phụ trách phải là 1 chỉ tiêu độc lập đối với các trường tiểu học chứ không thể tính vào định mức giáo viên đứng lớp được. Vì trên thực tế, số tiết đứng lớp nhiều nhất của Tổng phụ trách đội chỉ là ½ số tiết quy định, tức là khoảng từ 11-12 tiết đối với trường hạng 3.
Năm học 2022 – 2023 này, quận Hải Châu chỉ có 5/18 trường duy trì được dạy – học 10 buổi/tuần cho học sinh tiểu học. Việc chưa có định biên giáo viên tiếng Anh cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lớp 1 -2 và cách “gộp” vị trí việc làm Tổng phụ trách Đội vào để tính tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp đã khiến cho quận trung tâm của Đà Nẵng, vốn đã cán đích mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày bị phá vỡ.