Đứng trước thực trạng này, mới đây ngành GD&ĐT Ninh Bình đã nghiêm túc tìm nguyên nhân và cách tháo gỡ… để dạy và học môn Sinh học tại các trường THPT đạt hiệu quả cao thời gian tới.
Nốt nhạc “trầm”
Đánh giá về thực trạng dạy học môn Sinh học trong trường THPT hiện nay tại Ninh Bình, ông Hoàng Hải Nam - Trưởng phòng GDTrH (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ.
Cụ thể, vẫn còn những đơn vị chưa bố trí được thời lượng ôn tập trong năm, chỉ bố trí khi bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, chưa xây dựng được ngân hàng đề cung cấp cho HS ôn luyện.
Phương pháp giảng dạy môn Sinh chủ yếu tập trung về lý thuyết trên lớp học, HS không được thực hành bên ngoài lớp học hay trên phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó một số nhà trường khó khăn về trang thiết bị dạy học đã ảnh hưởng đến các tiết học thực hành.
Thực tế cũng cho thấy, số lượng HS sử dụng kết quả môn Sinh xét tuyển ĐH-CĐ rất nhỏ so với các môn học khác trong nhà trường, hàng năm chỉ khoảng 10-15 HS/khối lớp. Đây cũng trở thành lý do dẫn tới việc đầu tư thời gian cho giảng dạy và ôn tập môn Sinh chưa thỏa đáng. Cùng đó, môn Sinh học không nằm trong tổ hợp xét tuyển của nhiều trường nên sự hứng thú của HS với bộ môn không cao.
Trong công tác ôn thi tốt nghiệp môn Sinh học, các trường đều bố trí ôn tập cho HS nhưng rất khác nhau; một số ôn tập cho HS từ lớp 10 đến lớp 12, một số lại cho HS ôn tập từ đầu lớp 12, nhưng cũng có trường đến tháng 1/2021 HS lớp 12 vẫn chưa được ôn thi buổi nào. Thời lượng ôn tập đối với bộ môn Sinh học ở các nhà trường cũng khác nhau…
Trong tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT (THPT quốc gia) môn Sinh học, ông Hoàng Hải Nam cũng chỉ ra bất cập: HS đăng kí thi tổ hợp tự nhiên gồm 3 môn bắt buộc là Vật lý, Hóa học và Sinh học, trong đó môn Sinh học dùng cho đăng kí ĐH chủ yếu với HS khối B, còn lại kết quả môn Sinh chỉ dùng để xét tốt nghiệp. Do đó khó khăn trong việc xếp lớp để tổ chức ôn thi.
Tình trạng trong 1 lớp ôn thi môn Sinh nhưng chỉ vài HS có nhu cầu học các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao nên đôi khi ảnh hưởng đến tâm lý các em. Hơn nữa, trong thời gian thi, môn Sinh lại là môn thi thứ 3 trong tổ hợp KHTN. Do đó, HS không thi khối B sẽ dành thời gian thi môn Sinh để suy nghĩ tiếp các câu Lí, Hóa, thậm chí ngồi chơi, không làm bài do đã quá mệt với 2 bài thi trước trong tổ hợp, dẫn đến kết quả không cao.
Môn Sinh học là bộ môn có tính đặc thù, kết hợp lý thuyết và bài tập. Trong đó có nhiều bài tập khó và phức tạp nên HS ngại học, GV ngại dạy và không yêu cầu cao đối với HS trong quá trình giảng dạy…
Ý thức học tập bộ môn của HS cũng chưa cao. Sự tác động của các yếu tố xã hội, đặc biệt là xu hướng chọn ngành nghề khiến phần lớn HS học môn Sinh chủ yếu đối phó chứ không mấy yêu thích, say mê. Thời lượng ôn tập buổi chiều các nhà trường dành cho môn Sinh học cũng chưa tương xứng so với các môn Vật lý, Hóa học trong cùng tổ hợp KHTN...
Đặc biệt, với phương thức xét tuyển tốt nghiệp của Bộ căn cứ vào điểm tổng kết lớp 12, điểm thi tốt nghiệp (không có điểm liệt) và không xếp loại bằng. Vì vậy có khoảng 85% HS chọn thi tổ hợp Tự nhiên khi thi môn Sinh chỉ có mục tiêu điểm Sinh trên điểm liệt, để đủ điều kiện tốt nghiệp. Vì vậy HS không có động lực học môn Sinh…
Tìm giải pháp nâng “chất” dạy học môn Sinh
Ông Hoàng Hải Nam cho biết trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện chương trình các môn học trong đó có bộ môn Sinh học trong các trường THPT.
Cùng đó, tổ chức tốt các lần thi thử tập trung, thi theo cụm trường; Tổ chức các hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp dạy và học môn Sinh; Sở sẽ làm đầu mối tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi môn Sinh học để các đơn vị có nguồn học liệu, đề thi phong phú, giúp GV, HS chủ động trong quá trình dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT;
Một biện pháp khác là sẽ giao chỉ tiêu chất lượng cụ thể cho các nhà trường. Năm học 2020-2021 phấn đấu đưa điểm TB môn Sinh nằm trong tốp 30. Làm đối sánh kết quả thi với điểm tổng kết của HS, gắn với việc xét thi đua các đơn vị.
Đối với các trường THPT, yêu cầu xây dựng kế hoạch giáo dục theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; Xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT khoa học, phù hợp; Có phương pháp quản lý dạy và học hiệu quả, chú trọng đến quản lý hoạt động dạy học chính khóa với môn Sinh học…
Phân công GV có năng lực hướng dẫn, kèm cặp GV mới, GV trẻ còn thiếu kinh nghiệm giảng dạy bộ môn. Làm tốt công tác phối hợp với gia đình HS trong việc định hướng, phân luồng HS; quản lý chuyên cần của HS nhất là trong giai đoạn tổ chức ôn thi tốt nghiệp...
Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình- ông Phan Thành Công nêu ra giải pháp: Cần tập trung làm tốt hai nhiệm vụ: dạy tốt kiến thức nền cho HS trong các giờ dạy chính khóa và tổ chức ôn thi bài bản, nghiêm túc; Đặt ra điểm trung bình môn Sinh học mỗi trường cao hơn điểm trung bình toàn quốc 0,3 điểm.
Đối với lãnh đạo nhà trường cần rà soát, xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lí, tính toán thời lượng, phân công phân nhiệm theo đúng năng lực của GV, quản lí tốt nề nếp dạy và học.
Với nhóm chuyên môn, nghiên cứu đề thi các năm để tổng kết, rút kinh nghiệm; khảo sát, đánh giá, nhận định tình hình chất lượng... Với GV cần nâng cao lương tâm, trách nhiệm trong công tác giảng dạy, yêu nghề, có giải pháp làm cho môn học hấp dẫn hơn với HS; Xây dựng nội dung giảng dạy, ôn tập phù hợp với năng lực và nhu cầu của HS, dạy nội dung nào chắc nội dung đó...
Về phía phòng GDTrH, ông Phan Thành Công chỉ đạo: Cần nâng cao chất lượng dạy học chính khóa; Triển khai xây dựng ngân hàng đề, ngân hàng câu hỏi ôn tập theo từng chuyên đề với dung lượng hợp lí; Tổng kết theo từng nhóm trường để rút ra bài học kinh nghiệm cho thời gian tiếp theo...