Rác thải, cống thối “bao vây” cơ sở giáo dục
Không ít phụ huynh có con em học tại các trường ở phường Thanh Xuân Nam bày tỏ sự không đồng tình với thực trạng. Theo họ, tình trạng này không mới. Nó đã diễn ra nhiều năm nay. Rác thải, cống thối “vây” xung quanh các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và việc học tập của học sinh.
Chị N.T.H có con nhỏ học tại Trường Mầm non Tuổi Hoa, cho biết: “Mỗi lần đưa đón con là mỗi lần lo lắng, xót xa. Rác chất thành đống gần cổng trường. Xung quanh là mương thối bốc mùi xú uế. Nhiều hôm người ta còn đốt rác khiến cho khói bụi bay mù mịt”.
Theo quan sát, cạnh Trường Mầm non Tuổi Hoa là một mương nước luôn trong tình trạng bốc mùi rất khó chịu. Dưới mương ngập rác thải, chuột và các loại côn trùng gây bệnh. Đối diện là bãi tập kết rác tự phát. Bãi này thường xuyên đốt rác nên lượng tro bay bám đen cả cây cối.
Đằng sau trường mầm non này là khu đất trống. Rác đổ trộm vào đây ngày càng nhiều. Những bao tải chứa đủ loại rác, kể cả chăn màn đồ sinh hoạt của người đã khuất. Có những đống rác cao bằng đầu người, dài hàng chục mét dọc bên đường.
Đằng sau Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam cũng là cống thối và bãi rác đốt âm ỉ suốt đêm ngày. Từ kính vỡ, chăn màn, bàn ghế bị ai đó đem ra ven đường rồi châm lửa đốt… bất chấp sức khỏe và việc học hành của các em học sinh.
Trường THCS Nguyễn Lân cũng không kém ảnh hưởng khi mương nước đằng sau trường lúc nào cũng bốc mùi xú uế. Đã vậy, tiếng ồn và lượng bụi từ các công trình chung cư đang xây dựng xung quanh như tra tấn trường học.
Cô - trò cùng... chịu trận
Theo người dân gần đây, rác tồn tại đã rất lâu. Không thấy chính quyền có động thái dọn dẹp, mặc dù một phần đất trống ven mương đã quây thép ngăn đổ trộm rác.
Hàng ngày, rác ở đây bốc mùi theo hướng gió vào trường học. Một giáo viên (xin được giấu tên) cho rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thế nhưng, vì rác mà việc dạy đã bị phân tâm. Các thầy cô còn bị ảnh hưởng thì học sinh khó tránh khỏi. Mùi xú uế, rồi hình ảnh đô thị nhếch nhác bởi rác thải đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thầy – trò.
Một số phụ huynh ở phường Thanh Xuân Nam cho rằng, trách nhiệm quy hoạch cũng như vấn đề vệ sinh môi trường thuộc về chính quyền địa phương. Việc quy hoạch không hài hòa khi cấp phép cho các chung cư cao tầng xây dựng rầm rộ quanh trường học đã gây ra tiếng ồn và bụi làm giáo viên và học sinh không thể tập trung.
Hơn nữa, vấn đề để rác thải tồn đọng kéo theo vấn nạn đốt rác gây khói bụi mà chính quyền không có động thái, đã chứng tỏ sự tắc trách trong việc quản lý địa bàn.
Bà chủ tịch phường: Rình bắt rác đâu có đơn giản
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thúy Anh – Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam - cho rằng: Việc quản lý địa bàn vô cùng phức tạp. Khu vực của 4 trường học lại càng phức tạp hơn bởi sự chồng chéo.
“Con người và đơn vị trường học thì do UBND phường Thanh Xuân Nam quản lý. Nhưng đất lại do UBND xã Tân Triều (Thanh Trì) quản lý. Bởi đó là địa bàn của họ. Muốn dọn rác hay rình bắt các đối tượng đổ trộm rác thì cũng đâu có đơn giản”, bà Thúy Anh cho biết.
Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam cũng thừa nhận môi trường ô nhiễm do rác thải, cống thối ở khu vực 4 trường học trên địa bàn. UBND phường Thanh Xuân Nam cũng nhiều lần nhận được kiến nghị của cử tri đề nghị giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn nói chung, và khu vực các trường học nói riêng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ô nhiễm môi trường chẳng những chưa giảm mà ngày càng trầm trọng.
“Đối tượng đổ trộm rác chủ yếu là người xã Tân Triều. Phần đất cũng là của xã Tân Triều nên vừa rồi hai bên đã ngồi lại với nhau bàn giải pháp và ký cam kết giải quyết vấn đề môi trường”, bà Thúy Anh cho biết.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi cam kết đã được ký kết lâu chưa và đề nghị cung cấp nội dung thì bà Thúy Anh nói “mới đây nhưng không có ở ủy ban”.
Phóng viên đã đến UBND xã Tân Triều (Thanh Trì) trao đổi với ông Đỗ Đình Long – Cán bộ phụ trách môi trường. Ông Long khẳng định, cam kết đã được ký từ tháng 10/2019. Ông cho rằng, rác ở khu vực đó không chỉ là của người dân xã Tân Triều mà còn do phường Thanh Xuân Nam đổ ra.
Phần kết luận của biên bản ký kết giữa hai bên, ghi rõ: Để thuận tiện cho công tác duy trì và đảm bảo vệ sinh môi trường, các thành viên tham gia cùng thống nhất để UBND quận Thanh Xuân thực hiện duy trì vệ sinh môi trường các tuyến đường vào các Trường THCS Nguyễn Lân, Mầm non Tuổi Hoa, Tiểu học Thanh Xuân Nam, THCS Thanh Xuân Nam.
Như vậy, sau gần 2 tháng ký biên bản nhưng cho đến nay chưa một khối rác thải nào được quận Thanh Xuân dọn dẹp. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền quận Thanh Xuân và phường Thanh Xuân Nam đang ở đâu?