Đoạn mương hở thuộc địa bàn dân cư số 9, ngõ 279 phố Đội Cấn được UBND quận Ba Đình giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình làm chủ đầu tư triển khai thực hiện để khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực ngõ 279 Đội Cấn với mương thoát nước T2C Đại Yên bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước cho khu vực.
Mặc dù vậy, không hiểu lý do gì mà dự án vẫn ì ạch trong việc khớp nối khiến cho gần 200m mương hở ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Con mương đã trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi suốt đêm ngày đối với các hộ dân xung quanh.
Hãi hùng mương thối
Có mặt tại đoạn mương hở ngõ 279 Đội Cấn, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại tận mắt chứng kiến cảnh tượng con mương ngập tràn rác thải, bốc mùi tanh tưởi, hôi thối. Cảnh tượng bẩn thỉu của đoạn mương hở khiến cho nhiều người không thể tưởng tượng nó lại “chềnh ềnh” giữa quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Theo quan sát, nước mương ở những đoạn trũng thì đen ngòm, đóng váng, nổi lên trên mặt nước là các loại rác, từ túi nilon, chai lọ, giẻ rách, hộp xốp… vứt la liệt. Ven bờ mương từng đàn chuột đào hang, và từ những đống rác ven mương là vô số ruồi bọ, bốc mùi tanh tưởi.
Đi dọc theo con mương vào sâu trong ngõ 279, rác hiện ra không chỉ là một vài đống nhỏ mà thành những “ụ núi” không khác gì một bãi rác lâu đời. Từ rác xây dựng đến rác sinh hoạt đè lên nhau, qua mưa nắng lâu ngày đã bốc mùi nồng nặc và thu hút vô số ruồi nhặng.
Ở phần đất trống ven đoạn mương lại cũng là rác, từ cành cây khô đến bàn ghế, sofa cũ hỏng, chiếu rách đến cả bàn thờ… xếp ngổn ngang. Có những vị trí rác lấp kín cả con mương khiến cho nước không thể lưu thông. Lại có những đoạn có hàng trăm bao tải rác đã được dồn lấp lấn mương.
Một số người dân sinh sống tại đây cho biết, nếu trời mưa làm “loãng” nước bẩn trong mương thì mùi thối bốc lên từ con mương có giảm đi, nhưng ngược lại do nước không kịp tiêu thoát nên rác và mảng đóng váng tràn cả lên đường. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều hộ dân sống dọc theo đoạn mương này đã không dám ở nên phải chuyển đi nơi khác và để nhà cho người lao động nghèo nơi khác đến thuê ở với giá rẻ.
Là người làm nghề thu mua đồng nát, đã quen với mùi ô nhiễm nhưng bà Trần Thị Len thuê trọ ở sát đoạn mương này cho biết: “Mùi trong mương bây giờ không phải là thối nữa mà là tanh, trời càng nóng thì càng tanh. Nhiều lần tôi muốn khơi thông dòng chảy nhưng không được vì các mảng đóng váng đã dày sát xuống đáy mương”.
Rác chềnh ềnh dưới biển cấm
Điều đáng nói là nằm sát đoạn mương này còn khoảng 300m2 đất đã giải phóng mặt bằng, quây hàng rào bảo vệ để làm vỉa hè thuộc dự án cống hóa mương T2C. Tuy nhiên, chính bãi đất trống lại ngổn ngang phế thải. Tại đây có 2 biển đỏ cấm đổ rác ghi rõ số tiền phạt hành chính do UBND phường Ngọc Hà thực hiện. Nhưng, cũng chính tại 2 biển cấm này lại tồn tại rất nhiều rác.
Ông Nguyễn Thành Quang, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà thừa nhận tình trạng đổ trộm rác thải ra khu vực này. Tuy nhiên, ông Quang nói từ trước tới nay, người dân cũng như lực lượng chức năng chưa bắt được đối tượng nào xả rác. Đồng thời, việc xử lý vấn đề môi trường khu vực mương ngõ 279 Đội Cấn là vô cùng gian nan dù chính quyền địa phương rất chú tâm tới việc này.
“Nhiều lần phường, quận ra quân dọn dẹp. Tuy nhiên, cứ dọn xong thì rác lại xuất hiện. Đúng là hiện nay đoạn mương hở đã trở thành điểm nóng ô nhiễm nhưng phải chờ khi nào dự án tiến hành khớp nối với mương thoát T2C Đại Yên thì mới giải quyết được vấn đề”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, rất nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị trực tiếp, và UBND phường Ngọc Hà nhiều lần làm văn bản gửi lên quận Ba Đình cũng như các cơ quan chức năng đề cập tới tình hình ô nhiễm tại khu vực này. Thậm chí, người dân và doanh nghiệp còn xin “tự hoàn thiện” đoạn mương hở nhưng không được đồng ý vì lý do khớp nối đồng bộ hạ tầng bảo đảm việc tiêu nước lâu dài.
Phương án duy nhất cho phường Ngọc Hà để ngăn không cho các đối tượng xả rác bừa bãi là quây tôn dọc đoạn mương. Tuy nhiên, khi quây tôn xong thì rác thải vẫn không giảm mà còn nhiều hơn. Cho đến nay, gần như toàn bộ đoạn mương hở đã kín rác, một số đoạn nước không thể chảy do rác ùn ứ. Và vì vậy, tình trạng ô nhiễm tại đoạn mương hở này càng thêm nặng nề.