Thanh tra thi trọng tâm trọng điểm, không chồng chéo

GD&TĐ - Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ những nội dung đáng lưu ý trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giờ học tại Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Cơ bản ổn định

- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị những gì cho công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thưa ông?

- Trên cơ sở tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, căn cứ vào các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới được sửa đổi, bổ sung và tình hình thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản ổn định như năm 2023.

Thanh tra đã tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Quyết định số 1266/QĐ-BGDĐT ngày 26/4/2024); Kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Kế hoạch số 420/KH-BGDĐT ngày 26/4/2024); ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Công văn số 1932/BGDĐT-TTr ngày 26/4/2024).

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, sở GD&ĐT, hội đồng thi. Thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại 20 sở GD&ĐT; kiểm tra 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi của sở GD&ĐT, hội đồng thi, việc chuẩn bị in sao đề thi. Thời gian kiểm tra: 2 ngày/sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT cũng thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi và khu vực in sao đề thi. Số lượng, thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng do thanh tra sở GD&ĐT tham mưu.

Về coi thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn, kiểm tra công tác coi thi tại 63 sở GD&ĐT. Số lượng cán bộ tối thiểu tham gia đoàn kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp tại một điểm thi theo nguyên tắc sau: Dưới 20 phòng thi: 2 người; từ 20 đến 40 phòng thi: 3 người; từ 41 phòng thi trở lên: 4 người.

Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ kiểm tra/điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định. Ngoài đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi của hội đồng thi và điểm thi.

Với chấm thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mỗi đoàn từ 3 - 5 người. Ngoài đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra công tác chấm thi. Nhiệm vụ: Thanh tra công tác tổ chức làm phách bài thi tự luận, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và việc ghép phách, nhập điểm bài thi của hội đồng thi và các ban có liên quan.

Thanh tra, kiểm tra phúc khảo bài thi, Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra công tác phúc khảo bài thi.

Xét công nhận tốt nghiệp THPT, sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra. Thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng do thanh tra sở tham mưu.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng ban hành Quyết định số 46/QĐ-TTr ngày 15/4/2024 thành lập Ban chuẩn bị hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 16 nhiệm vụ chi tiết, cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, kết quả và tiến độ thực hiện.

Căn cứ Quy chế thi năm 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn, sổ tay và những tài liệu liên quan; tổ chức tập huấn đến cán bộ cốt cán các địa phương, cơ sở giáo dục đại học, thành viên tham gia đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT được trưng tập tham gia thanh tra, kiểm tra thi. Dự kiến tập huấn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2024.

Ông Nguyễn Đức Cường. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Đức Cường. Ảnh: NVCC

Bảo đảm không điểm mờ, khoảng trống

- Ông có thể chia sẻ những điểm đáng chú ý trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

- Trước hết cần khẳng định tính chất quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ đó, đòi hỏi lựa chọn cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải nắm vững và thực hiện đúng quy chế, chức trách, nhiệm vụ, vị trí được phân công.

Một số điểm cần chú ý trong công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay liên quan đến phương pháp, cách thức, nhận thức và hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra kiểm tra; công tác thanh tra, kiểm tra với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn.

Cùng đó, chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra; đoàn thanh tra với thanh tra sở GD&ĐT, Thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra của địa phương, lực lượng công an và các lực lượng khác. Chủ động trong xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung, thời điểm… để bảo đảm vừa bao quát nhiệm vụ, vừa trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo… Đồng thời, chủ động phương án, lực lượng đảm bảo ứng phó với các tình huống đột xuất hoặc thiên tai, dịch bệnh.

- Có giải pháp nào để tránh cơ sở phải đón quá nhiều đoàn thanh kiểm tra, chồng chéo, gây áp lực không cần thiết; nhưng vẫn bảo đảm công tác thanh tra không có điểm mờ, khoảng trống?

- Kỳ thi đã phân định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và địa phương nên mỗi lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát đều có chức năng, nhiệm vụ, khác nhau và cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhịp nhàng, góp phần giúp kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Cụ thể, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, sở GD&ĐT, hội đồng thi, điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của sở GD&ĐT. Đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và điểm thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, các đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được bố trí làm việc sớm với các địa phương đảm bảo kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả.

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Yếu tố quyết định là con người

- Ông có lưu ý gì đối với các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học trong lựa chọn nhân sự làm công tác này?

- Đây là khâu quan trọng góp phần thực hiện thành công công tác thanh tra, kiểm tra thi. Việc lựa chọn nhân sự tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra cần rà soát thật kỹ, phân cấp chịu trách nhiệm rõ ràng theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định pháp luật và Hướng dẫn 1932/BGDĐT-TTr ngày 26/4/2024 của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT: Người tham gia thanh tra, kiểm tra là công chức thanh tra, người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, giảng viên cơ hữu của đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non. Đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GD&ĐT: Người tham gia thanh tra, kiểm tra là thanh tra viên, công chức, viên chức của cơ quan thanh tra tỉnh, các đơn vị thuộc/trực thuộc Sở GD&ĐT. Đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường, người tham gia là cán bộ của Cục.

Người tham gia thanh tra, kiểm tra phải có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2023; đã tham dự tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài đánh giá sau tập huấn.

Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ những người không được tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra, gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích; người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra:

Tại điểm thi nơi có người thân dự thi hoặc làm nhiệm vụ thi; công tác chấm thi, phúc khảo nơi có người thân làm nhiệm vụ tại Ban làm phách bài thi tự luận, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm, Ban phúc khảo; công tác xét công nhận tốt nghiệp nơi có người thân làm nhiệm vụ tại Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Với cán bộ được lựa chọn làm công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT, ông có lưu ý gì để đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ?

- Đội ngũ cán bộ được lựa chọn tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra thi phải ý thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải đạt yêu cầu trong bài kiểm tra sau tập huấn theo quy định, nắm vững và thực hiện đúng quy chế, chức trách, nhiệm vụ, vị trí được phân công.

Chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra, giữa các đoàn thanh tra với thanh tra sở GD&ĐT, Thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra của địa phương, lực lượng công an và các lực lượng khác.

Các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần lưu ý bảo đảm tính độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra; không làm thay nhiệm vụ hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

- Để bảo đảm yếu tố con người, công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì đáng chú ý?

- Năm nay, Bộ GD&ĐT quan tâm tổ chức tập huấn chi tiết, hướng dẫn nghiệp vụ người làm công tác thanh tra, kiểm tra; có đánh giá kết quả sau tập huấn đạt yêu cầu mới bố trí tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra. Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi phải được tham gia tập huấn.

Dự kiến Bộ GD&ĐT tổ chức 2 hội nghị tập huấn. Theo đó, Hội nghị tập huấn cốt cán với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu dự kiến tổ chức từ 20/5 đến 30/5 (tập huấn trực tiếp) tại TP Hồ Chí Minh. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra dự kiến tổ chức từ 20/5 đến 10/6 tại Đà Nẵng với khoảng trên 300 đại biểu.

Thanh tra Bộ GD&ĐT chuẩn bị tài liệu tập huấn kèm sổ tay cũng như tài liệu điện tử để gửi đến tất cả những người dự kiến tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm chủ động học, khai thác khi cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

Cũng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023 trở về trước, năm nay Bộ GD&ĐT vẫn dự kiến huy động khoảng 8 nghìn cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở giáo dục đại học tham gia đoàn kiểm tra của Bộ tại 63 sở GD&ĐT thực hiện kiểm tra công tác coi thi. Thanh tra các sở GD&ĐT phối hợp với thanh tra tỉnh và huy động cán bộ viên chức của sở, cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện thanh tra công tác coi thi.

Về công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT huy động cán bộ, giảng viên cơ hữu từ cơ sở giáo dục đại học, cán bộ, công chức từ các sở GD&ĐT tham gia đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT tại 63 sở GD&ĐT với tổng số dự kiến khoảng 300 người. - Ông Nguyễn Đức Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ