Thanh tra nội bộ - đòn bẩy cho kỷ cương, chất lượng đào tạo các trường Đại học

GD&TĐ - Ngày 7/12 tại Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị “Công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục Đại học”.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động công tác thanh tra nội bộ theo quy định về thanh tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của các cơ sở giáo dục ĐH thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện của 74 trường Đại học từ Huế trở ra, trong đó có 20 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT; 54 trường không thuộc Bộ GD&ĐT. 46 lãnh đạo trường Đại học (16 Hiệu trưởng; 30 Phó Hiệu trưởng)...

Phát huy vai trò, tháo gỡ vướng mắc

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, qua công tác thanh tra nội bộ của 123/232 trường ĐH (39/45 trường trực thuộc Bộ, 84/187 trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập) cho thấy công tác này thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định, góp phần vào sự ổn định, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho các cơ sở giáo dục. Đặc biệt đã tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của Bộ GD&ĐT trong đó có việc triển khai tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Cụ thể các Đại học cơ bản đã quan tâm đến xây dựng bộ máy, đội ngũ thanh tra, đã cơ cấu 2 cấp đúng theo mô hình của ĐH. Cấp ĐH có Ban Thanh tra, cấp đơn vị thành viên (cấp Trường) đều thành lập phòng Thanh tra - Pháp chế, một số đơn vị lập bộ phận hoặc cử cán bộ phụ trách công tác thanh tra.

Chủ động phối hợp với Học viện Quản lý GD, Trường CBQLGD TP.HCM mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho viên chức làm công tác thanh tra.

Các trường đã thành lập phòng thanh tra, có bộ phận hoặc cử cán bộ phụ trách công tác thanh tra tại đơn vị; ban hành đầy đủ quy chế hoạt động thanh tra; bổ nhiệm cộng tác viên thanh tra cấp trường...

Hầu hết các trường đã ban hành chức năng nhiệm vụ và quy chế tổ chức hoạt động thanh tra. Một số đơn vị, không thành lập phòng riêng, chức năng thanh tra được lồng ghép vào các phòng chuyên môn của đơn vị.

Các trường từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến công tác thanh tra nội bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Việc ban hành hệ thống văn bản đã giúp cho hoạt động thanh tra nội bộ của trường được chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động thanh tra nội bộ...

Hội nghị đánh giá kết quả đạt được, tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục Đại học.
Hội nghị đánh giá kết quả đạt được, tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục Đại học. 

Tuy nhiên, công tác thanh tra nội bộ thời gian qua còn những hạn chế, vướng mắc cả về tổ chức và hoạt động, cần sớm khắc phục để giúp hoạt động thanh tra nội bộ thời gian tới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu triển khai các quy định về thực hiện tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật GDĐH; vượt qua những khó khăn, thách thức mới trong phát triển giáo dục ĐH, nhất là trong điều kiện một số văn bản pháp luật có liên quan còn chưa đồng bộ và thống nhất…

Ví như việc thành lập phòng Thanh tra chưa thống nhất, thiếu cơ sở để ghép các nhiệm vụ khác vào công tác thanh tra hoặc thanh tra với các nhiệm vụ khác, làm mất đi tính độc lập, thiếu khách quan trong hoạt động thanh tra hoặc có sự né tránh nhiệm vụ...

Số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ của đơn vị. Thực tế, qua kết luận thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền, nhiều nội dung được thanh tra đều có hạn chế, thiếu sót, sai phạm, nhưng hầu hết các nội dung chưa được trường tự thanh tra, kiểm tra.

Một số trường chưa chú trọng việc xây dựng văn bản, chưa ban hành Quy trình công tác thanh tra nội bộ; chưa ban hành văn bản về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhiều trường chưa chú trọng công tác tự thanh tra, kiểm tra (qua tổng hợp, có 18 trường không tiến hành cuộc thanh tra theo kế hoạch cũng như đột xuất nào trong năm học 2019 – 2020)...

Các trường cùng đẩy lùi tiêu cực

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục Đại học.

Theo Thứ trưởng, thực tế cho thấy những cơ quan, đơn vị nói chung, các cơ sở giáo dục ĐH nói riêng, người lãnh đạo, quản lý chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và tiến hành thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra thì không những kỷ cương, pháp luật trong quản lý được duy trì mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, đào tạo, cung ứng sản phẩm, dịch vụ giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tốt cho thị trường và xã hội.

Những nơi không chú trọng công tác thanh tra, dễ dẫn đến những vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự (như một số vụ việc liên quan đến giáo dục đã, đang bị điều tra hoặc đề nghị khởi tố, xét xử thời gian gần đây).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị cho toàn khối ĐH không phân biệt công – tư: Có những nội dung không phân biệt đơn vị thuộc và không thuộc Bộ, cần rút gần khoảng cách bởi tất cả đều là cơ sở giáo dục ĐH, đều chăm lo cho hoạt động giáo dục đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chỉ có sự hợp nhất, chia sẻ thông tin, cùng nhau trao đổi thảo luận mới tạo nên sức mạnh. Hay nói cách khác phải cùng nhau đồng hành mới đi nhanh hơn, hiệu quả chất lượng hơn trong công tác thanh tra nội bộ....

Hội nghị nhận được sự quan tâm của đại biểu thuộc 74 trường Đại học từ Huế trở ra.
Hội nghị nhận được sự quan tâm của đại biểu thuộc 74 trường Đại học từ Huế trở ra.

Các trường ĐH công – tư phải cùng nắm tay nhau thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, chấn chỉnh tốt kỷ luật kỷ cương, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai phạm; hạn chế tối đa những vi phạm, khi vi phạm thì xử lý nghiêm.

Thứ trưởng đề nghị Hội nghị trao đổi thẳng thắn bằng kinh nghiệm, thực tế ở đơn vị mình. Những nội dung có thể giải quyết luôn, Bộ sẽ hướng dẫn giải quyết; những nội dung vượt quá thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ tham mưu đề xuất, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo, sau Hội nghị Thanh tra Bộ có nghiên cứu để có kiến nghị phù hợp về sắp xếp bộ máy thanh tra trong cơ sở giáo dục ĐH (Có nhất thiết phải có bộ máy về thanh tra ít nhất là cấp phòng? Vì tự chủ ngày càng khó, ngày càng phức tạp. Nếu không có bộ phận chuyên trách theo dõi cho Hội đồng trường, cho lãnh đạo thì nguy cơ ra sao? Nếu có bộ máy Thanh tra sẽ giúp lãnh đạo nắm được vấn đề gì? Đưa ra những đề xuất, kiến nghị gì?...

Tại Hội nghị, đại diện các trường ĐH đã nêu đề xuất, kiến nghị để hỗ trợ cho hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục Đại học thời gian tới thêm hiệu quả.

Trước hết, các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục ĐH, trường TCCN cho phù hợp thực tế về số lượng, quy mô tổ chức.

Có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ phụ cấp đối với người làm công tác thanh tra chuyên trách, cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để các cơ sở giáo dục đại học căn cứ thực hiện đồng bộ.

Ban hành quy trình nghiệp vụ thanh tra theo đặc thù của ngành; quan tâm hơn đến việc xây dựng bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách đối với người làm công tác thanh tra nội bộ; bổ sung viên chức thanh tra chuyên trách đủ điều kiện cho phòng Thanh tra.

Kiện toàn tổ chức thanh tra và nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy hiệu quả việc phát triển cộng tác viên thanh tra; Có cơ chế khích lệ, động viên kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác tiếp công dân, thanh tra nội bộ và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo;

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục ĐH; Khen thưởng các đơn vị tổ chức thanh tra nội bộ có hiệu quả; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục khác có cơ hội tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục ĐH đã làm tốt công tác thanh tra nội bộ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.