Thanh Tịnh – Thơ và đời

Thanh Tịnh – Thơ và đời

Kỳ I: Thanh Tịnh – chuyện xưa chuyện nay

(GD&TĐ) - Hàng năm, cứ đến ngày khai trường, nhiều người bồi hồi nhớ đến bài văn xuôi đẹp như thơ “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Trong sách giáo khoa, nhiều thời kỳ, bài văn ấy được chọn cùng những tác phẩm kinh điển khác... được nhiều thế hệ học trò, thuộc nằm lòng.

Nỗi buồn ấu thơ 

Nhà Thanh Tịnh hồi bé ở cạnh phủ “Định Viễn Quận Vương”
Nhà Thanh Tịnh hồi bé ở cạnh phủ “Định Viễn Quận Vương”
 

Một ngày tháng 7 âm lịch, mưa ngâu rơi nhẹ trên những cành phượng vỹ nở hoa lần cuối bên bờ sông Hương, tôi đi tìm nơi Thanh Tịnh đã sống thời niên thiếu. Con đường vào nhà ông bây giờ đổi thay nhiều (hiện nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đường láng nhựa, nhà cửa san sát. Khi Thanh Tịnh trở lại Huế sau 30/4/1975, ông kể: Nhà mình ở sát bên phủ Định Viễn, gần bến đò chợ Dinh. 

Thanh Tịnh là con trai “độc đinh” của một người thợ mộc nghèo. Dòng tộc “độc đinh”, nội ông chỉ có cha ông là con trai duy nhất, sau này ông có một người con trai tên là Trần Thanh Vệ, anh này cũng chỉ sinh cho ông một cháu nội trai duy nhất. Ông tâm sự: “Anh có biết câu hò ru em mà các bà mẹ Huế hay ru “À ơ… ờ ru con cho théc cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh” không? Chợ Dinh là quê tôi. Qua Đập Đá về Vỹ Dạ, rồi về một đoạn ngắn nữa, làng Dương Nỗ đó. Nhà tôi ở cạnh nhà của ba “đại gia” là nhà “Hồ Đắc”, “Nguyễn Khoa” và phủ “Định Viễn” (con vua Minh Mạng)”... 

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, sống gần những gia đình quyền quý  “danh gia vọng tộc” ở kinh đô Huế, ông có mặc cảm do đó nuôi chí học thật giỏi. Những lúc rảnh rỗi, ông được mẹ dẫn ra chơi nơi hàng nước của bà ở bến đò chợ Dinh, cách nhà khoảng 200 mét. Bến đò chợ Dinh thời ấy tấp nập khách, sang sông Hương lên buôn bán ở các chợ Dinh, chợ Bao Vinh, chợ Đông Ba... Phương tiện duy nhất là chiếc đò chèo tay, trễ chuyến đò, khách thường vào hàng của mẹ ông uống nước chè xanh, ăn quà vặt đợi đò.

Ông kể: Tôi còn bé, nhưng ngồi say mê hóng chuyện. Và ngày qua ngày cái khiếu kể chuyện phát triển khi nào không biết. Một số truyện ngắn của tôi ở tập “Quê mẹ” và “Chị và em” được lấy cái cốt cái sườn, nhân vật thực từ cái “trạm đó”. Tôi chỉ bịa đặt, thêm thắt hư cấu ít nhiều...

Ông nói đơn giản thế, nhưng tôi tin rằng, những điều trong bài “Tôi đi học” là những cảm xúc rất thật, in đậm dấu ấn vào tâm hồn cậu bé nhà quê trong sáng như tờ giấy trắng, để mãi mãi làm người đọc rưng rưng xúc động như thể tâm trạng buổi đầu đi học của mình. Bởi tuổi thơ của ông được hun đúc bằng những hình ảnh đẹp của người cha thợ mộc cần cù, người mẹ tần tảo chịu thương chịu khó.

Lần theo “Tôi đi học”

Quê mẹ Thanh Tịnh ở làng Dương Nỗ
Quê mẹ Thanh Tịnh ở làng Dương Nỗ
 

Theo lời kể của những bậc bô lão trong làng, đã vào hàng “thượng thọ”, mới biết thế hệ của ông và họ thường đi học chữ Hán trước khi học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Cậu bé Thanh Tịnh được học chữ Hán 3 năm với một vị sư chùa Ba La Mật, cách nhà ông 300 mét, nên Thanh Tịnh viết văn rất sinh động về tuổi học trò ê a câu Tam Tự kinh. Học với một vị sư hay chữ trong chốn thiền môn, ông được tiếp thu nhiều điều lễ nghĩa. 

Đi học chữ Quốc ngữ, ông được mẹ dẫn đến trường trong “buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…”. Tôi lần theo trang văn ông viết: “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”.

Được bô lão thôn Tây Thượng, làng Dương Nỗ chỉ dẫn, tôi chạy xe dọc theo con sông nhỏ chảy vào chợ Phổ (xã Phú Thượng huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Bây giờ con sông đã hẹp vì người ta đổ đất bán nền nhà đô thị hóa, cánh đồng cũng không còn. Nhà cửa san sát, con đường “Tôi đi học” của cậu bé Thanh Tịnh ngày xưa vẫn nhỏ hẹp nhưng được láng nhựa và đặt tên ông - đường Thanh Tịnh, nối với con đường mang tên nhà thơ Tùng Thiện Vương.

Đi đến chợ Vỹ Dạ (thành phố Huế), xem ngôi trường Thanh Tịnh miêu tả: “Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng. Nhưng lần này lại khác.

Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa An. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng”. Hỡi ôi! Ngôi trường xưa của ông (1975 trở về trước mang tên Trường tiểu học Thế Dạ, sau 1975 đổi thành Tiểu học Vỹ Dạ) nay đã bị san phẳng thành “khu đất vàng” mời chào nhà đầu tư, trơ lại hai chân cái cổng trường cụt lủn, tạm thời làm bãi đổ vật liệu xây dựng.

Buồn! Tôi ghé thăm ông Trần Đại Vinh - nhà nghiên cứu Huế, người cùng họ, cùng làng Dương Nỗ với Thanh Tịnh. Ông Vinh có nhiều công trình nghiên cứu về làng xã ở Thừa Thiên - Huế, ông cho biết: “Làng Mỹ Lý là cái tên hư cấu. Ông Thanh Tịnh họ Trần Văn (Trần Văn Ninh) có thể là người ngụ cư trên đất Dương Nỗ thôi. Họ Trần chính gốc có 3 phái là Trần Đại, Trần Phước và Trần Văn”.

Địa phận làng Dương Nỗ rất đặc biệt, bắt đầu từ Bến Cạn giáp ranh phường Vỹ Dạ, đến tận chợ Mai xã Phú Thượng, trước đây gọi là thôn Tây Thượng thuộc về làng Dương Nỗ, có đình làng, nghĩa địa và khu dân cư họ Trần đông đúc, gia đình ông Thanh Tịnh sống ở đây. Sau đó các bậc tiền bối đi thêm 5 km, đến cuối làng Nam Phổ, khai canh khai khẩn thành làng Dương Nỗ hiện nay (nơi Bác Hồ thời niên thiếu đã sống cùng cha và anh). 

Dừng lại ở giai đoạn ấu thơ và bắt đầu đi học của Thanh Tịnh, với cái mốc “Tôi đi học”, người viết bài cảm nhận trong ông tất cả văn mạch day dứt nỗi buồn, thấp thoáng giữa ngôn ngữ và hình tượng văn chương, tạo thành nỗi rung động cho người đọc...

Vũ Hào

_____________

Kỳ II: Thanh Tịnh – Chuyện đời buồn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ