'Thành phố Vàng' bên bờ sụp đổ

GD&TĐ - Hoạt động khai thác vàng trái phép đã và đang để lại hậu quả tàn khốc và đe dọa tính mạng con người tại thành phố Kwekwe (Zimbabwe).

Mỏ vàng Globe and Phoenix bỏ hoang nhiều năm.
Mỏ vàng Globe and Phoenix bỏ hoang nhiều năm.

Mặt đất sụt lún

Mỗi ngày, Dorothy Moyo đều cầu nguyện khi cô đi bộ, chạy hoặc lái xe ở thành phố Kwekwe, miền Trung Zimbabwe vì lo sợ mặt đất sẽ sụp xuống dưới chân và bản thân bị chôn vùi trong lòng đất.

Nỗi sợ của Moyo, 36 tuổi, là cảm giác chung của hàng trăm gia đình sống tại cộng đồng Globe và Phoenix, một khu khai thác mỏ ở Kwekwe, cách thủ đô Zimbabwe hơn 200km. Vào một chiều giữa tháng 5 năm ngoái, khi Moyo đang họp phụ huynh cho con gái tại Trường Tiểu học Globe and Phoenix thì đột nhiên mặt đất rung chuyển. Theo sau là tiếng bàn ghế rơi đổ và tiếng la hét của trẻ em.

“Tôi chỉ cách hiện trường vài mét và tôi cũng ở trong vùng nguy hiểm. Cảm giác lúc đó rất đáng sợ. Tôi chỉ biết chạy đi tìm nơi an toàn”, Moyo kể lại.

Ngày hôm đấy, 14 trẻ bị thương khi một dãy lớp học sụp xuống do những người khai thác mỏ trái phép đào hầm, đụng trúng lớp móng đã chống đỡ cho ngôi trường trong hơn một thế kỷ. Ngay sau đó, Cục Bảo vệ Dân sự cảnh báo toàn bộ khu vực đang gặp nguy hiểm và trường học đóng cửa vĩnh viễn.

900 trên tổng số 1,5 nghìn học sinh đã được chuyển đến các trường lân cận và số còn lại thuê địa điểm xung quanh làm lớp học. Kể từ đó, nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra do tình trạng khai thác mỏ trái phép.

Tại các khu vực công cộng xung quanh thành phố, gia súc là nạn nhân chính của tình trạng sụt lún. Đôi khi, một số nhà dân bị sập và bị các đường hầm mỏ “nuốt chửng”.

Hai tay ôm lấy mặt cố ngăn nước mắt tuôn rơi nhưng Kimberly Rusike không thể kìm được cảm xúc khi kể lại câu chuyện gia đình cô thoát chết trong gang tấc. Ngôi nhà của gia đình Rusike nằm tại khu Globe and Phoneix ở Kwekwe. Trước đó nhiều ngày, gia đình đã nghe thấy những tiếng khai thác dưới ngôi nhà nên quyết định rời đi, chỉ để lại một hai người để trông coi của cải.

Đến một hôm, phòng ăn và phòng bếp nhà Kimberly đổ sập xuống dưới đường hầm khai thác đá quý cùng phần lớn tài sản của gia đình. Những người được cắt cử ở lại trông coi bị thương nặng, suýt thì không qua khỏi. Ngôi nhà hoàn toàn không thể phục dựng như trước. Cả nhà không còn nơi ở, lâm vào tình cảnh khốn cùng khi tài sản cũng tan biến.

“Chúng tôi không còn nơi nào để đi và cũng không biết ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự cố này. Chúng tôi đang được những nhà hảo tâm giúp đỡ nhưng tình trạng này không thể kéo dài”, chị Kimberly nói.

Điểm nóng khai thác khoáng sản

Là một phần trong lộ trình kinh tế vĩ mô hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Chính phủ Zimbabwe đã cho phép phục hồi ngành khai khoáng từ tháng 10/2019. Nước này kì vọng lĩnh vực trên sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế trị giá 12 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Chính phủ cho biết kế hoạch này sẽ được thúc đẩy từ việc khai thác vàng, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Zimbabwe, cùng với bạch kim, kim cương, crom, quặng sắt, than đá, lithium và các khoáng sản khác. Kwkwe, tỉnh Midlands, trở thành điểm “nóng” về khoáng sản và khai thác mỏ.

Thành phố có hơn 100 nghìn dân này là nơi đặt trụ sở của nhà máy thép lớn nhất Zimbabwe, nhà máy sản xuất ferrochrome lớn nhất cả nước và một nhà máy sản xuất điện lớn. Nơi đây còn có tên gọi khác là “Thành phố Vàng” do đất phù sa giàu vàng và có một trong những mỏ vàng lớn nhất cả nước.

Đó là mỏ Globe and Phoenix, được thành lập vào năm 1894 nhưng đã dừng hoạt động từ năm 2002. Phía trên mỏ Globe and Phoenix bỏ không là khu vực sinh sống của cộng đồng lớn mạnh.

Việc thăm dò ở khu vực xung quanh cũng như sự xuất hiện của các mỏ mới chỉ ra Globe and Phoenix có hàng tấn vàng. Kết quả là trong 30 năm qua, hàng ngàn thợ mỏ tự phát hoặc theo nhóm đã thử tìm kiếm vận may tại Kwekwe. Họ đào hố trên bề mặt và đào đường hầm dưới lòng đất, dẫn đến một số vụ tai nạn sập hầm đáng tiếc.

Sau vụ sập trường học vào năm ngoái, Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cách thức khai thác mỏ hiện nay. Cơ quan giám sát môi trường cho biết: “Vụ sập lớp học tại Trường Tiểu học Globe and Phonenix một lần nữa nhắc nhở rằng hoạt động khai thác mỏ vô trách nhiệm là hành vi thụt lùi và không thể chấp nhận”.

ZELA đánh giá cao việc khai thác mỏ là xương sống của sự phục hồi kinh tế và các chiến lược như nền kinh tế khai thác mỏ trị giá 12 tỷ USD rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng, một chiến lược thành công phải nhận thức được giá trị của môi trường, cộng đồng và được hỗ trợ bởi một khuôn khổ quản lý và giám sát chặt chẽ.

ZELA cảnh báo: “Sự cố này là lời kêu gọi chính quyền hành động theo cách tốt nhất có thể để quản lý ngành khai thác thủ công và quy mô nhỏ nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp và tình trạng không tuân thủ”.

thanh pho vang ben bo sup do (1).jpeg
Một lớp học tại Trường Globe and Phoenix, Zimbabwe, bị sụt lún.

Nỗ lực ngăn sụp đổ

Còn theo nghiên cứu năm 2024 của Cơ quan Không gian và Địa lý quốc gia Zimbabwe (ZINGSA), Kwekwe có một mạng lưới đường hầm khai thác trái phép kéo dài tới 1,5km, nằm bên dưới khu thương mại trung tâm và khu dân cư. Việc khai thác “chui” sẽ gây ra rủi ro đáng kể cho người dân. Người ta lo ngại những khu vực này có thể sụp xuống do có nhiều hố ngầm kích thước lớn.

Ngoài ra, việc khai thác trái phép còn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và môi trường của thành phố. Thành phố Kwekwe ghi nhận ngày càng nhiều hố sụt, kết quả từ sự sụp đổ của các khoảng trống ngầm. Việc nổ mìn để đào hầm khai thác tạo ra những rung động trên mặt đất gây ảnh hưởng đến cấu trúc kiến trúc.

“Nghiên cứu cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Chúng ta đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ. Việc khai thác trái phép có thể dẫn đến sụp đổ các tòa nhà và ảnh hưởng tàn khốc”, đại diện ZINGSA nói.

Thị trưởng thành phố Kwekwe, ông Albert Musungwa Zinhanga, cho biết thành phố có các luật lệ liên quan đến việc xâm phạm tài sản tư nhân để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Cụ thể, mỏ vàng Globe and Phoenix trước đây do tư nhân khai thác và để không nên nó là “bất khả xâm phạm”.

Ngoài ra, thành phố đang cập nhật thêm các chính sách cần thiết. Đơn cử, thành phố đang ban hành các điều lệ để bảo vệ khu thương mại trung tâm khỏi hoạt động khai thác mỏ. Cấm khai thác mỏ ở các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện.

Những người khai thác vàng bất hợp pháp, thường di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm vàng, sẽ đào hang ở vùng ngoại ô của khu vực khai thác chính thức hoặc trong các đường khai thác ngầm hiện không còn sử dụng.

Theo người dân và các nhà hoạt động vì môi trường ở Kwekwe, những người khai thác bất hợp pháp không tuân thủ các hoạt động khai thác có trách nhiệm, thường nhắm vào các trụ đỡ bên trong các đường hầm ngầm.

Bà Runyaraso Priscilla Mashinge, Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền quốc gia ZimRights chi nhánh Midlands, cũng từng là thợ mỏ tự do ở Kwekwe. Bà cho biết, các trụ ngầm trong hầm được giữ nguyên để mỏ không bị sụp xuống nhưng hiện tại, những người khai thác trái phép đang đe dọa nền móng đó.

“Toàn bộ thành phố nằm trên mạng lưới đường hầm nhưng giờ đây, những người thợ mỏ tự do khi nhìn thấy vàng trên các trụ cột, họ đào xuyên qua, gây nguy hiểm tính mạng cho con người”, bà Mashinge nói.

Các trụ là những khối đá còn nguyên vẹn, dùng để chống đỡ các tầng đất bên trên khi hoạt động khai thác bên dưới. Trong các trụ thường chứa vàng nên những kẻ khai thác bất hợp pháp thường nhắm vào các trụ trong các mỏ cũ mà không quan tâm đến hậu quả về mặt cấu trúc.

thanh pho vang ben bo sup do (1).jpg
Hoạt động khai thác vàng diễn ra sôi nổi tại Kwekwe, Zimbabwe.

Sống chung với lũ

Thợ mỏ Patrick Hokoyo cho biết thợ mỏ thường không đào sâu hơn xuống lòng đất mà thường đi theo những đường hầm hiện có để tìm kiếm vàng. Họ thường nhầm lẫn vàng trên trụ cột và vàng trong đất vì dưới hầm quá tối và không gian hẹp. Chỉ khi có chuyện không may xảy ra, họ mới được thông báo đó là một trụ cột.

Bất chấp những mối nguy hiểm trên, Thị trưởng Zinhanga cho biết hoạt động khai thác thủ công sẽ không cản trở tương lai của chương trình phát triển kinh tế tại Kwekwe. Ông cam kết thành phố đã cấm gần hết những kẻ khai thác trái phép và những người khai thác hiện nay chủ yếu là cư dân thành phố.

Tuy nhiên, những kẻ khai thác bất hợp pháp có một đường dây hỗ trợ chặt chẽ, liên kết với chính phủ nên khó có thể bị đuổi khỏi Kwekwe dễ dàng như vậy. Hầu hết thợ mỏ tự do đều thuộc Liên đoàn Thợ mở Zimbabwe, do bà Henrietta Rushwaya, cháu gái Tổng thống Emmerson Mnanagagwa, đứng đầu. Đầu năm 2024, bà Rushwaya đã bị bắt sau cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư Ấn Độ 1,5 triệu USD. Năm ngoái, bà bị kết án do tìm cách buôn lậu 6kg vàng đến Dubai.

thanh pho vang ben bo sup do (2).jpg
Kwekwe, Zimbabwe, được mệnh danh là 'Thành phố Vàng'.

Bên cạnh đó, những người khai thác bất hợp pháp là những người bị đẩy đến bờ vực tuyệt vọng vì khó khăn kinh tế và khai thác đá quý để sinh tồn. Họ phá hủy thành phố nhưng cũng là một phần của cộng đồng Kwekwe, cố gắng kiếm sống trong một nền kinh tế suy thoái. Vì vậy, nếu không có kế sinh nhai khác, họ sẽ quay lại với con đường khai thác lậu bằng bất cứ giá nào.

Về phía người dân, dù nhiều lần kêu gọi chính quyền tăng cường biện pháp ngăn chặn khai thác trái phép nhưng vấn đề chưa được tháo gỡ triệt để. Ngày ngày, những con người nơi đây vẫn “sống chung với lũ”.

Moyo cho biết, vụ sập trường học gây sốc nhưng không phải điều đáng ngạc nhiên. “Mọi người thường nói đùa rằng thành phố này chẳng còn gì bên dưới vì những người khai thác đã đào bới để tìm vàng. Chúng tôi đang sống trong một thành phố mà bất cứ lúc nào cũng có thể sụp xuống”, Moyo cho biết.

Theo Aljazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiếm có cô gái nào yêu đương mà nghĩ nhiều về mẹ chồng tương lai, người cô ấy chưa từng gặp mặt. (Ảnh: ITN).

Nỗi khổ của mẹ chồng thời 4.0

GD&TĐ - Mẹ chồng luôn được miêu tả là người độc đoán, thích can thiệp vào chuyện riêng của con cái... Nhưng sự thật có phải luôn như vậy?