Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, thực hiện công văn số 75/UBND - VP7 ngày 24/2 của UBND tỉnh về việc tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thông báo cho cha mẹ trẻ thời gian tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 1/3.
Phòng GD&ĐT thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP Nam Định và các cơ quan chuyên môn về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố ngày 17/2 về việc mở cửa trường học của các địa phương.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với y tế phường, xã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Trả lời câu hỏi của đoàn công tác Bộ GD&ĐT về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp trên địa bàn tỉnh Nam Định mới đây, Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định Nguyễn Thế Lâm cho hay:
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau Tết, số F0 là trẻ mầm non bắt đầu xuất hiện nhiều. Đây là đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hơn nữa, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã vào giữa tháng 2. Khi trẻ đi học nửa tháng thì vẫn phải đóng học phí cả tháng nên số lượng trẻ đi học sau Tết thường ít. Do đó, Phòng GD&ĐT dựa trên tình hình thực tế và ý kiến thăm dò phụ huynh nên đã tham mưu với UBND thành phố, Sở GD&ĐT để đề xuất cho trẻ mầm non trên địa bàn trở lại trường từ ngày 1/3".
Cũng theo ông Lâm, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ được các nhà trường trên địa bàn triển khai rất khẩn trương và nghiêm túc. Thành phố cũng huy động gần 40 cán bộ y tế trường học đi tập huấn cùng với Sở Y tế trong công tác phòng chống dịch tại trường học. Các nhà trường cũng xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch khi đón trẻ đi học lại.
"Do chưa có biên chế nhân viên y tế trường học nên ở thành phố chúng tôi đã điều động các nhân viên y tế của toàn ngành thành lập một tổ y tế lưu động để trực. Nếu một trường nào phát hiện F0 thì tổ này sẽ đến phối hợp xử lý theo quy định. Ngành giáo dục thành phố cũng tuyên truyền, vận động phụ huynh chủ động test nhanh Covid-19 cho con trước khi đến trường. Nếu trẻ dương tính, bố mẹ trẻ sẽ cho con ở nhà để điều trị kịp thời" - ông Nguyễn Thế Lâm nói.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh, trong thời gian các cơ sở giáo dục tranh thủ “thời gian vàng” lựa chọn nội dung, tổ chức các hoạt động giáo dục cốt lõi, phù hợp với khả năng của trẻ. Các trường mầm non đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung để phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà khi trẻ em không tới trường. Triển khai xây dựng hơn 1.200 video, audio, các bài viết hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Toàn tỉnh huy động được 79.208 trẻ mẫu giáo ra lớp, đạt 87,39% dân số độ tuổi. Riêng mẫu giáo 5-6 tuổi huy động 29.290 trẻ đạt 97,7% dân số độ tuổi.