Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng ca mắc và tử vong vì Covid-19 do... chủ quan

GD&TĐ - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong do Covid-19, dù tỷ lệ tiêm chủng cao.

Ngày 30/11, Việt Nam ghi nhận 197 ca tử vong do Covid-19.
Ngày 30/11, Việt Nam ghi nhận 197 ca tử vong do Covid-19.

Theo các chuyên gia, lý do có thể là vì không ít người chưa tuân thủ biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, một số trường hợp được chủng ngừa, nhưng vắc-xin không tạo được bảo vệ.

Biện pháp phòng dịch chưa được chấp hành

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tổng cộng 467.041 trường hợp nhiễm Covid-19. Mặc dù, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cao, song, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng.

Ngày 30/11, Việt Nam ghi nhận 197 ca tử vong - cao nhất trong hơn 1 tháng qua. Trong đó, số ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh là 76. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 3,9%. Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã điều động 14 bệnh viện chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh, thành phía Nam.

Ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận số bệnh nhân Covid-19 nặng ở các tỉnh, thành khác chuyển đến. Tỷ lệ này chiếm khoảng 12 - 15% trong tổng số ca tử vong do Covid-19 những ngày gần đây tại thành phố.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng, GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - nhận định, các biện pháp phòng chống dịch hiện tại không được người dân chấp hành nghiêm chỉnh.

“Thậm chí có người còn cho rằng, đây là trách nhiệm của Nhà nước. Một số nhỏ có thói quen sinh hoạt như không có dịch: Không đeo khẩu trang hoặc đeo để đối phó với chính quyền chứ không phải đeo để phòng bệnh.

Các quán xá tuy có quy định quét mã QR, nhưng hầu hết mọi người đều bỏ qua và chính quyền cũng không kiểm soát. Các quán ăn chen chúc nhau chẳng còn khoảng cách. Vậy thì biện pháp 5K đâu còn nữa?”, chuyên gia cho biết.

Theo GS Kính, tình trạng nhiều người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 tức là vắc-xin tác dụng ở mức giảm nhẹ triệu chứng, giảm tử vong, nhưng chưa “bãi trừ” được virus gây bệnh. Do đó, chuyên gia này cho rằng, việc sử dụng kháng thể đơn dòng cần được phổ cập. Bởi, biện pháp này trung hòa virus, ngăn chặn nhanh chóng dịch bệnh.

“Hơn nữa, về nguyên lý, tự nhiên đã sản sinh ra SARS-CoV-2 thì trong tự nhiên cũng sẵn có những hoạt chất có khả năng tiêu diệt. Những công trình khoa học gần đây nhất đã chứng minh rằng, trong một số cây cỏ có các hoạt chất có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của virus.

Nhiều cây thuốc quý đã được sử dụng để điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19 rất hiệu quả như kim ngân hoa, xuyên tâm liên, thanh hao hoa vàng, keo ong…”, GS Kính nhận định.

Trong khi đó, TS.BS Trần Nam Trung - Chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - lý giải, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn đã tiêm đủ 2 mũi. Do đó, các ca nhiễm, ca nặng và tử vong hay xảy ra trên người đã tiêm đủ 2 mũi hơn trước. Điều đó khiến tỷ lệ ca tử vong đã tiêm 2 mũi cao hơn trước đây. Song, theo chuyên gia này, tình trạng đó không có nghĩa là vắc-xin kém hiệu lực.

“Có thể nói, thực tế là vắc-xin đã bảo vệ rất tốt nên số ca mắc và ca tử vong mới thấp như vậy khi chúng ta “mở cửa”. Nên nhớ, tuy vắc-xin giúp giảm nhiễm và đặc biệt giảm sâu khả năng chuyển bệnh nặng/tử vong, vẫn có người tiêm vắc-xin không tạo được bảo vệ. Hay, xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, miễn dịch suy yếu như người già, người có bệnh nền, người đang điều trị thuốc gây suy giảm miễn dịch…”, TS Trung lý giải.

Nên cá thể hóa phòng chống dịch?

Để chống dịch hiệu quả, GS Nguyễn Văn Kính cho rằng, Nhà nước phải có những giải pháp hữu hiệu cho từng người. Các quy định về chống dịch phải chi tiết và cụ thể, thích hợp cho từng cá nhân.

“Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải cá thể hóa phòng chống dịch Covid. Không ai hiểu rõ cơ thể mình bằng chính mình. Mỗi cá thể đều rõ mình cần phải làm gì để khỏi mắc bệnh. Ngành Y tế còn rất nhiều việc cần nghiên cứu để hoàn chỉnh các kế hoạch phòng chống dịch. Chúng ta chưa hiểu biết nhiều về SARS-CoV-2. Vì thế, đừng bao giờ chủ quan với đại dịch”, GS Kính nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS.BS Trần Nam Trung nhận định, phải kết hợp 3 mũi giáp công để giảm bệnh nặng/tử vong ở nhóm nguy cơ. Cụ thể, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, có bệnh nền sau mũi 2 khoảng 6 tháng.

Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho người thân, người chăm sóc nhóm có nguy cơ cao để tạo “bong bóng”, hạn chế phơi nhiễm. Đồng thời, giảm virus lưu hành trong cộng đồng bằng các biện pháp giãn cách, tránh tụ tập, khẩu trang, vệ sinh và tăng cường tiêm chủng cho các nhóm còn lại.

“Có vô cùng ít người chống chỉ định với vắc-xin Covid-19. Hầu hết mọi người trong độ tuổi chỉ định đều tiêm được, cùng lắm là trì hoãn vài ngày, vài tuần khi đang có các bệnh cấp tính, hoặc khi đang dùng thuốc gây suy giảm miễn dịch.

Các vắc-xin Covid-19 đều chống chỉ định nếu có phản ứng dị ứng với chính vắc-xin hoặc thành phần của vắc-xin. Cả hai điều này đều vô cùng hiếm gặp.

Chưa kể, thường rất khó xác định rõ có phải dị ứng với vắc-xin hay thành phần của vắc-xin không, trừ khi phản ứng dị ứng xảy ra sớm ngay sau tiêm. Kể cả có dị ứng với một loại vắc-xin thì có thể chuyển loại khác”, chuyên gia cho biết.

Đối với nhóm không muốn chủng ngừa, TS Trung cho rằng, Nhà nước nên có chế tài bắt buộc. Điều đó giúp bảo vệ cá nhân, cộng đồng, cũng như giảm gánh nặng cho bệnh viện và điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ