Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều bệnh nhân gặp di chứng hậu Covid-19

GD&TĐ - Chăm sóc sức khỏe người hậu Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022. Bệnh hậu Covid-19 sẽ tác động lên sức khỏe, công việc của cá nhân và cả kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 12/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của kế hoạch năm 2022. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã điểm qua tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021.

Tính đến ngày 11/1, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 504.244 ca nhiễm Covid-19 (chiếm khoảng 5% dân số Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó 312.475 ca xuất viện và có trên 20/154 ca tử vong.

Một trong những thách thức của ngành y tế thời gian tới là sự xuất hiện của biến thể Omicron; phát hiện và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu Covid-19.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế thì qua thống kê trên 1.021 ca hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 40 ngày qua cho thấy, đa số bệnh nhân hậu Covid-19 đi khám bệnh vì mệt mỏi, lo lắng, khó thở. Có đến 510 bệnh nhân đến khám về hô hấp (gần 50%), 182 ca khám thần kinh, 134 ca khám tim mạch, 80 ca khám nội tiết, 66 ca khám tiêu hóa và 49 ca khám cơ xương khớp.

Tại Việt Nam chưa có ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 tại cộng đồng. Nhưng qua các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có từ 33 - 76% bệnh nhân có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh, trong đó 20% bệnh nhân phải tái nhập viện. Có tới 80% bệnh nhân phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Hiện tại, hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc lớn tuổi cần nhập viện, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ.

Tuy nhiên, hiện thiếu dữ liệu liên quan hội chứng hậu Covid-19. Để đáp ứng, một số quốc gia đã biên soạn hướng dẫn, lập phòng khám và mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng, truyền thông nâng cao hiểu biết, xác định nhu cầu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.

Hai chiến lược chăm sóc hậu Covid-19

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, tác động của hội chứng hậu Covid-19 lâu dài lên sức khỏe, công việc và kinh tế - xã hội. Do đó, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra hai mục tiêu y tế hậu Covid-19: Chiến lược tiếp cận về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; Chiến lược can thiệp sớm về điều trị, chăm sóc sớm cho người mắc hội chứng hậu Covid-19.

Và ngành y tế đặt ra 5 mục tiêu, đầu tiên là xác định mô hình bệnh tật của người dân hậu mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố; Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm Covid-19; Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu nhiễm Covid-19, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở; Xây dựng Hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị; Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong công tác tự chăm sóc và theo dõi điều trị hậu nhiễm Covid-19.

Bệnh nhân hậu Covid-19 sẽ được quản lý tại y tế cơ sở; quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2022 ngành y tế có 9 nhóm hoạt động trọng tâm, trong đó hoạt động đầu tiên là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).

Đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trong các hoạt động theo các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Theo dõi sát diễn biến của biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên... Đặc biệt là tiêm xong mũi 3 trước Tết Nguyên đán.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện theo hướng chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho các nhóm đối tượng bị tác động hoặc có nguy cơ tác động cao, đặc biệt là bệnh nhân hậu Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.