Trong bối cảnh dịch phức tạp, việc TPHCM tiến hành giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả mang tới nhiều kỳ vọng cho thị trường bất động sản.
Tỉ lệ giải ngân cao hơn năm trước
Theo chuyên gia kinh tế, tỉ lệ giải ngân vốn thấp sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại TPHCM tuy gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo cao hơn tỉ lệ giải ngân cùng thời điểm năm trước. Theo số liệu thống kê của UBND TP tính đến hết quý II/2021, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của TP đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP đạt 9.090 tỉ đồng (tỉ lệ 25%) tổng kế hoạch vốn đã giao (35.749.218 tỉ đồng), cao hơn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm trước (22%).
Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP nên từ cuối tháng 6/2021, TP đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân 95% trở lên trong năm 2021.
Cụ thể, trong quý II/2021, TP đã khởi công 15 dự án giao thông mới, bên cạnh 10 dự án đã khởi động trong quý I của năm, trong đó có khá nhiều dự án quan trọng được giới đầu tư chờ đợi từ lâu. Đơn cử, Dự án Xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh với tổng mức vốn đầu tư 830 tỉ đồng, Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) với tổng mức đầu tư hơn 380 tỉ đồng.
Đặc biệt là Dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Trần Văn Mười (Hóc Môn) với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 500 tỉ đồng hay dự án nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu… dự kiến hoàn thành năm 2025. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM và Long An, khi hoàn chỉnh kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Sự kiện hoàn thành nhà ga ngầm trước chợ Bến Thành thuộc dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng mang lại niềm hy vọng lớn cho giới kinh doanh bất động sản khi dọc theo tuyến Metro này có tới 40 dự án bất động sản đã và đang triển khai.
Trong khi đó, dù chưa chính thức khởi công, nhưng thông tin dự án Metro số 2 đang tăng tốc bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến… đủ để nhiều đơn vị phát triển bất động sản và nhà đầu tư vui mừng. Rất nhiều chủ đầu tư không bỏ lỡ cơ hội “đu theo” thông tin này để quảng bá sản phẩm như: Gia Định Plaza, Dopotmetro Tham Lương (Quận 12), Sơn Kỳ Building (Tân Phú)...
Cũng là một trong những dự án được chờ đợi, sau nhiều lần chậm trễ, tuyến đường Vành đai 3 đã được khởi công khi Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” để vay 190 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Tuyến đường Vành đai 3 chạy qua 4 tỉnh: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An được đánh giá là tuyến giao thông kết nối đặc biệt phía Đông của TP. Do đó, số tiền huy động được TP sẽ dùng để hoàn thành đoạn từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch, với tổng chiều dài 34,2 km. Hiện toàn tuyến chỉ mới đưa vào sử dụng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn trên địa phận tỉnh Bình Dương nhưng bất động sản khu vực này đã “dậy sóng” và trên đà tăng trưởng rất mạnh.
Tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản
Trong bối cảnh đại dịch Covid- 9 tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, thì để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tốt, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.
Bởi theo các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân vốn đầu tư công tốt, đúng tiến độ vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công teo thống kê của Chính Phủ ở nhiều địa phương vẫn khá thấp.
Tính đến 31/7, tổng vốn đầu tư công cả nước giải ngân mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%).
Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%). Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích cầu nền kinh tế.
Theo TS Đinh Thế Hiển, giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ mang lại tác động tích cực cho tỉnh, TP đó không chỉ về hạ tầng mà còn tạo sức hút cho nền kinh tế, môi trường đầu tư của địa phương đó, nhất là thị trường bất động sản.
Đánh giá về mục tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn công của TP đạt 95% trong năm 2021, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, đó là mục tiêu với sự lạc quan hơi quá nhưng việc TP tích cực chuyển động bằng 25 dự án mới đã và đang triển khai vẫn mang đến sự “kích thích” cho thị trường bất động sản của TP và khu vực phụ cận.
“Từ nhiều năm nay, công tác giải ngân ở nước ta từ cấp Trung ương đến địa phương đều chậm. Nguyên nhân là vì thủ tục giải ngân thường rất phức tạp, qua nhiều bước, trong đó công tác nghiệm thu là quan trọng nhất. Quý II, TPHCM đã triển khai 15 dự án giao thông lớn với tính kết nối hạng tầng khu vực và vùng kinh tế khá ổn.
Nếu tình hình dịch được sớm kiểm soát thì các dự án hạ tầng còn lại như; dự án 1A thuộc dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, hay dự án nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công sẽ giúp thị trường bất động sản có nhiều điểm sáng” - TS Hiển đánh giá.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cũng nhìn nhận, giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ kích thích thị trường bất động sản phát triển. Ngược lại, sự phát triển của thị trường bất động sản cũng giúp đầu tư công sớm hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng đô thị.
“Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn cuối năm 2021 của TP có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi ngoài tác dụng kích cầu nền kinh tế, việc giải ngân tốt còn có tác động tích cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Với lộ trình và mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của mình, nếu TP đạt được chắc chắn sẽ tạo lực đẩy rất lớn cho thị trường bất động sản của cả khu vực vệ tinh” - ông Châu nhận định.