Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng

GD&TĐ - Thời gian qua cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ.

Trẻ Trường Mầm non Thiên Ân rửa tay bằng xà phòng, phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Trẻ Trường Mầm non Thiên Ân rửa tay bằng xà phòng, phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Giáo viên, nhân viên luôn nỗ lực để bảo đảm an toàn khi các em vui chơi, học tập tại trường.

Tích cực phòng bệnh

Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh trong trường học, ngay từ khi trẻ đi học trở lại, Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức) đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo mùa cho đội ngũ giáo viên.

Theo cô Thái Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, ban giám hiệu luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và nhân viên cấp dưỡng về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, các cô giáo còn tăng cường giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ như thực hiện rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Bên cạnh đó, hàng ngày nhà trường tổ chức vệ sinh lớp học và các đồ dùng như ly, khăn, bàn chải đánh răng, các kệ tủ và nhất là tay nắm cầu thang. Mỗi tuần một lần tổ chức vệ sinh đối với đồ chơi trong lớp, nệm, gối và đồ chơi ngoài trời. Tất cả đều được vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch và phơi nắng để bảo đảm an toàn cho trẻ khi sử dụng.

“Trong nhiều năm qua, trường không xảy ra tình trạng trẻ mắc bệnh tay chân miệng hay ngộ độc thực phẩm. Nhà trường luôn chú trọng và quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ trong từng bữa ăn, sinh hoạt. Bên cạnh đó, trước và sau khi ăn, các cháu đều rửa tay bằng xà phòng để giữ vệ sinh cũng như tạo thói quen cho trẻ, cô Nhung cho hay.

Tương tự, để chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức) luôn chú trọng công tác vệ sinh trường, lớp, tẩy rửa vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bằng Cloramin B. Hằng ngày, sau khi trẻ tan lớp, nhân viên sẽ giặt khăn mặt bằng xà phòng, hấp sấy theo đúng quy định. Đặc biệt, thứ 7 hàng tuần tổng vệ sinh toàn trường như lật thảm, quét dọn vệ sinh, mạng nhện, dùng nước tẩy rửa để lau sàn và vệ sinh đồ chơi…

Cô Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng cho biết: “Trường có 105 trẻ, trong đó 100% ăn bán trú. Trước và sau khi ăn, trẻ đều rửa tay bằng xà phòng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dán thông báo tuyên truyền ở khu vực cổng vào để phụ huynh cũng như các cô giáo nắm bắt được những điều cần biết để phòng chống dịch tay chân miệng, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”.

Giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay sạch sẽ.

Giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay sạch sẽ.

Không được chủ quan

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh), từ đầu năm 2022 đến nay số ca tay chân miệng đến khám và nhập viện giảm so với năm trước. Cụ thể,  năm 2019 có 12.500 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám, đến năm 2020, số ca mắc giảm xuống còn 14.000. Vào năm 2021, tiếp tục giảm xuống là 5.890 ca. Trong 4 tháng đầu năm 2022 số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại  bệnh viện chỉ có 500 trường hợp.

“Tuy nhiên, trong đầu tháng 4/2022, số ca bệnh tay chân miệng tăng, một phần do trẻ mầm non đi học trở lại, khiến khả năng lây bệnh ở trường mầm non tăng lên và số ca nhập viện cũng tăng theo”, bác sĩ Tiến nói.

Về các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng ở trẻ, theo chia sẻ của bác sĩ Tiến, trong ba ngày đầu, trẻ có sốt, ho và biểu hiện về bệnh tiêu hóa như ăn không được, nôn ói… Trong đó dấu hiệu rõ nhất là trẻ ăn uống không được, thường quấy khóc, chảy nước bọt. Ngoài ra trên lòng bàn tay, chân của trẻ sẽ nổi hồng ban, thậm chí nổi hồng ban ở đầu gối, mông. Vì vậy khi cha mẹ thấy có những biểu hiện trên nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, định bệnh chính xác. Từ đó có hướng xử lý thích hợp.

“Trường hợp sốt sang đến ngày thứ hai, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để các bác sĩ thăm khám và định bệnh. Khi bác sĩ chuẩn đoán trẻ mắc tay chân bệnh độ 1 (được điều trị ngoại trú), phụ huynh cho trẻ uống thuốc theo đơn và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (chia bữa nhỏ, thức ăn dễ tiêu, tránh thực phẩm kích thích chua, cay). Trong quá trình điều trị tại nhà, trẻ có dấu hiệu giật mình chới với, li bì, khó đánh thức, uống thuốc sốt nhưng không hạ, đi loạng choạng, run tay, ngồi không vững… báo động bệnh trở nặng. Phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay cả trong đêm”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám từ 20 - 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng, có ngày lên đến 50 trẻ. Nhóm trẻ nhập viện điều trị nội trú dao động từ 10 - 15%. Khi trẻ đi học tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì khả năng mắc những bệnh thông thường như sốt xuất huyết, tay chân miệng, nhiễm siêu vi, sốt phát ban… có thể xảy ra. Vì vậy, trong ngày đầu, khi trẻ có dấu hiệu sốt, phụ huynh có thể tự chăm sóc bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt, uống nhiều trước và để trẻ ở nơi thoáng mát - Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ