(GD&TĐ)- Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày hôm nay (23/8), đã có 35.623 trường hợp bị mắc bệnh tay chân miệng tại 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó đã có 83 trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại là số ca mắc tiếp tục gia tăng từ tháng 5 năm nay, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, và một số tỉnh phía Bắc.
Trẻ dưới 3 tuổi dễ bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng. |
Bộ này dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình mắc bệnh tay chân miệng còn có diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu các tỉnh, thành phố không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, triệt để.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do vi rút EV71 gây ra. Hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh.
Bộ y tế ra thông điệp, để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau:
Trẻ ốm phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Thu gom xử lý phân bằng cờ - lo - ra - min - B (chloramin B), vôi bột hoặc tro bếp. Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch chloramin B (0,5%) quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch.
Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát.
Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng.
Người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloramin B.
Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bá Hải