Thanh kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu và phương pháp

GD&TĐ - Việc chuẩn bị cho công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi được Bộ GD&ĐT lên kế hoạch kỹ càng, chu đáo… nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cùng đoàn kiểm tra làm nhiệm vụ tại Điểm thi Trường THPT Sơn Động số 1 (Sơn Động, Bắc Giang). Ảnh: IT
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cùng đoàn kiểm tra làm nhiệm vụ tại Điểm thi Trường THPT Sơn Động số 1 (Sơn Động, Bắc Giang). Ảnh: IT

TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT có lưu ý trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Rõ quyền hạn, trách nhiệm thanh tra các cấp

- Ông có thể cho biết tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã phân định trách nhiệm, quyền hạn ra sao giữa Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh?

- Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 06/CT-TTg ngày 27/5/2022, Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi của địa phương gồm: Bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng ở các khâu (đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT);

Cùng đó chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương; Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi; Bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự; xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19;

Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả  điểm thi; Vận động, hỗ trợ thí sinh diện hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tham dự kỳ thi…

Trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.

TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.
TS Nguyễn Đức Cường, 
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. 

Công tác thanh tra, kiểm tra thi năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi đảm bảo để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới; thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều có sự tham gia của 3 cấp là Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT trong công tác thanh tra, kiểm tra. Ông đánh giá ra sao về sự phối hợp, hiệu quả đạt được?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương phối hợp cùng lực lượng để tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng: Phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, trách nhiệm của từng đơn vị trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Thanh tra các cấp đã tuân thủ quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Sự phối hợp này đã phát huy hiệu quả đáng kể trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, tận dụng tối đa nguồn lực chuyên môn trong công tác thanh tra, kiểm tra…

Sẵn sàng thanh tra/kiểm tra kỳ thi

- Dịch Covid-19 đã cơ bản ổn định, vậy việc chuẩn bị các phương án thanh tra, kiểm tra sẽ có sự điều chỉnh?

- Dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được khống chế nhưng chúng ta không thể chủ quan, Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, hiện tại vẫn chưa đưa ra khỏi nhóm này.

Vì vậy trong phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phòng chống dịch và nhân lực để sẵn sàng tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra ở các khâu trong trường hợp kỳ thi phải tổ chức nhiều hơn 1 đợt.

- Ông có thể cho biết, số lượng cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay?

- Hiện chưa có số liệu chính xác số điểm thi và phòng thi tại một điểm thi của các địa phương, nhưng theo dự báo sẽ cơ bản ổn định như năm 2021. Do đó, năm 2022 Bộ GD&ĐT dự kiến huy động trên 7.000 cán bộ giảng viên cơ sở giáo dục đại học tham gia công tác kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

- Bộ có kế hoạch tập huấn cán bộ, giảng viên làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ra sao?

- Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; Ban hành Kế hoạch tập huấn số 561/KH-BGDĐT ngày 26/5/2022 tổ chức tập huấn cho các sở GD&ĐT, cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức tập huấn trực tiếp cho tất cả đối tượng ở 2 hội nghị. Hội nghị thứ nhất sẽ tập huấn cho lãnh đạo sở GD&ĐT và cốt cán của Thanh tra sở (63 sở GD&ĐT) và cốt cán là Thanh tra nội bộ và lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học (200 cơ sở) về công tác thanh tra, kiểm tra ở các khâu của kỳ thi. Trên cơ sở đó, các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học sẽ tổ chức tập huấn đến thành viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.

Hội nghị thứ 2 tập huấn cho các đoàn kiểm tra của Bộ gồm cán bộ công chức sở GD&ĐT, giảng viên cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo của Bộ GD&ĐT (khoảng 250 người).

- Ông lưu ý gì đối với địa phương trong việc chuẩn bị cho công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi tới đây?

- Trước hết cần chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Thanh tra Chính phủ.

Cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương hiệu quả, thiết thực.

Cùng đó, lựa chọn, cử cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra của sở tham gia đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi và thanh tra chấm thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT điều động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi theo đúng quy định pháp luật. Trong đó chú ý đến đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại địa phương khác do sở chủ trì theo phân công của Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.