Thịt lợn giá thấp khủng hoảng, người nuôi thả rông, dân đua nhau đánh đụng

Chưa bao giờ giá lợn hơi xuống thấp khủng hoảng 15.000 đồng/kg, người dân đua nhau đánh đụng. Có gia đình nuôi lợn mắc kẹt vì không bán được, phải thả rông lợn dọc bờ sông để chúng tự ăn bèo sống qua ngày.

Gia đình ông Khải cùng 3 hộ khác rủ nhau đụng lợn vì rẻ như rau.
Gia đình ông Khải cùng 3 hộ khác rủ nhau đụng lợn vì rẻ như rau.

Hiện giá thịt lợn hơi rơi vào mức thấp khủng hoảng, chỉ từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, khiến nhiều người dân thi nhau “đụng thịt”.

Từ ngày giá lợn hơi xuống thấp thê thảm, khi vào các thôn, xóm không khó để bắt gặp cảnh hàng chục người dân đứng ngồi mổ thịt lợn như những ngày giáp Tết.

Cùng mấy người hàng xóm thoăn thoắt vừa cạo lông, vừa làm lòng, ông Trần Văn Khải (thôn Cầu Nhân, xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc) cho biết, gia đình ông cùng 3 nhà nữa mới chung nhau “đánh đụng” một con lợn nặng hơn 70kg nhưng giá chỉ có 15.000 đồng/kg. Cách đó không xa, bà Trần Thị Đang cùng với 3 hộ khác cũng đang mổ một con lợn, nặng 92kg.

“Lợn trong thôn họ thịt hết rồi nên chúng tôi phải nhờ người bắt hộ ở nơi khác về đánh đụng, với giá 16.000 đồng/kg. Cả con lợn nặng gần 1 tạ, trả thêm công mổ 130.000 đồng nữa mới hết có 1,6 triệu đồng.

Trong khi, tôi đi chợ, mua 1 kg cải thảo giá cũng 29.000 đồng/kg, 1 quả mướp bé bằng 2 đầu ngón tay, dài chừng hơn 1 gang cũng đã 5.000 đồng/ quả. Hay 1kg quả đỗ cũng có giá 25.000 đồng/kg. Mà lợn rẻ thế, tội gì không đụng về ăn cho đã” - Bà Đang nói.

Riêng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thấy giá lợn tụt dốc cũng không “đành lòng” bán cho thương lái mà rủ thêm 2 – 3 nhà hàng xóm “đụng” chung.

“Thấy người người nhà nhà đụng lợn như ngày Tết. Có nhà nuôi lợn lỗ quá, tự thịt lấy gửi lên Hà Nội cho con cái đang trọ học trên đó ăn dần.

Có nhà thấy rẻ hơn ở chợ gấp đôi, ba lần nên chung nhau làm thịt. Tôi cũng đã bàn với 4 nhà nữa sẽ đánh đụng một con khoảng 1 tạ vào dịp 30/4 tới đây”, bà Trần Thị Ngót (thôn Đại Thắng) cho hay.

Trong khi đó, các chủ nuôi khóc ròng.

Thit lon gia thap khung hoang, nguoi nuoi tha rong, dan dua nhau danh dung - Anh 2

Trang trại hàng trăm con không bán được, người nuôi gạt nước mắt bán cho dân mua về tự đụng, giá chỉ 15.000 - 16.000 đồng/kg, một cân lợn hơi có giá tương đương mớ rau muống trong siêu thị.

Trang trại của anh Trần Văn Linh (thôn Đại Thắng), hơn 1 tuần trở lại đây, có rất nhiều người dân đến hỏi mua lợn về đụng. “Chỉ riêng ngày hôm qua đã có 4 con lợn được hàng chục người trong thôn bắt về thịt. Bình quân mỗi con nặng khoảng 1,5 tạ nhưng tôi chỉ bán vo với giá 2 triệu đồng” - Anh Linh cho hay.

Theo anh Linh, giá lợn hạ thấp nên việc đụng lợn có nhiều người tham gia. Bởi thông thường, chỉ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc những dịp nghỉ lễ dài ngày, người dân mới có thói quen “đụng” lợn.

Theo đó, một con lợn cỡ vài chục cân đến hàng tạ được 4 – 5 nhà chung nhau mổ. Lợn đánh đụng thường là những chú lợn còi từ đàn lợn, bị thương lái chê không mua hoặc trả giá rẻ, hay những con lợn nái khả năng sinh sản kém mới được người dân rủ nhau “đánh đụng”.

Hiện trang trại của anh Linh còn hơn 100 con, trong đó có 90 con đang đến lứa xuất chuồng. Bao nhiêu vốn liếng, anh Linh dồn cả vào đàn lợn với hy vọng bán vào dịp lễ, tết 30/4 sắp tới giá sẽ cao. Song, chẳng ngờ được khi giá càng ngày càng xuống dốc không phanh.

“Cách đây hơn tháng, thương lái vào trả với giá 30.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Thấy xót nên tôi cố gắng giữ lại chờ giá cao hơn để gỡ gạc vốn liếng nhưng càng chờ thì giá càng lao dốc. Mà không bán giữ lợn lại thì càng lỗ nhiều hơn” - Anh Linh ngán ngẩm nói.

Theo nhẩm tính của anh Linh,với giá bán vo mỗi con bình quân 1 tạ rưỡi với giá 2 triệu đồng, anh lỗ hơn một nửa số vốn ban đầu.

Cũng chung thảm cảnh, anh Trần Xuân Quyền - Chủ trang trại chăn nuôi cùng thôn - giãi bày: Chưa bao giờ giá lợn ở mức thảm hại như vậy.

Nếu như bằng giờ này năm trước, giá bán hơi ít nhất cũng trên 30.000 đồng/kg, giá bán tại các chợ cũng ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Giá mỗi con lợn giống từ 8 – 10kg ở mức 1,5 triệu/con thì nay chỉ còn 150.000 đồng/con nhưng cũng không chủ trang trại nào dám đầu tư vào.

Chính vì vậy, dù lợn sắp đến ngày xuất nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn không buồn vỗ béo cho đàn lợn của mình vì đã kiệt quệ.

Thậm chí, nhiều ngày nay đàn lợn của gia đình chị Hòa ở Lý Nhân – Hà Nam không được ăn cám mà phải thả rông dọc bờ sông để tự ăn bèo.

Sáng sáng, chồng chị lùa đàn lợn của mình ra sông cho ăn bèo sống qua ngày. Bởi theo lời chị, các đại lý bán cám trên địa bàn hiện cũng lâm vào cảnh vỡ nợ nên cắt đứt nguồn cung cấp cám cho các hộ chăn nuôi.

Trước tình hình giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng nhóm giải pháp để “cứu” ngành chăn nuôi lợn.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đạt trong nhóm các nước có giá thấp nhất trong khu vực.

Đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ