Ngày 16.7, ông Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh viện này đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên và chúc mừng bệnh nhân xuất viện.
Để thực hiện được kỹ thuật ghép thận, đầu năm 2017 Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức chuyển giao, đào tạo kỹ thuật ghép thận cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Do đó, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã cử 46 cán bộ, trong đó có 30 bác sĩ của các chuyên khoa tham gia lớp đào tạo kỹ thuật ghép thận.
Theo giám đốc Lê Văn Sỹ, trong thời gian cử cán bộ, bác sỹ tham gia khóa đào tạo về kỹ thuật ghép thận, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương cải tạo cơ sở hạ tầng phòng mổ lấy thận và ghép thận đạt tiêu chuẩn; mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế… để đảm bảo điều kiện kỹ thuật thực hiện tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức.
Đến tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế về thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định và kết luận BVĐK tỉnh Thanh Hóa là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não. “Ngày 29/6/2018, bệnh viện đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên giữa người cho thận là bà Đàm Thị Tuyết (54 tuổi), trú tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, người nhận thận là Nguyễn Thị Hà (31 tuổi), trú tại xã Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà là con gái đẻ của bà Đàm Thị Tuyết. Sau 17 ngày phẫu thuật, đến ngày 16/7/2018, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và ra viện. Các chỉ số chuyên môn của bệnh nhân trước khi ra viện đều đạt tiêu chuẩn (Ure máu 8.9 mmol/L, Creatinin máu 95 unonl/L, các chỉ số hóa sinh khác, huyết học, siêu âm mạch máu thận ghép trong giới hạn bình thường”- ông Sỹ cho hay.
Cũng theo ông Sỹ, mỗi năm trung bình có 420 trường hợp mới mắc suy thận mãn tính điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, có hơn 400 trường hợp suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh đều mệt mỏi và rất tốn kém về kinh tế.
“Việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ mang lại chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn trở về với cuộc sống bình thường và lợi ích kinh tế, giảm hơn 25% so với chạy thận nhân tạo” - ông Sỹ thông tin thêm.
Được biết, ê-kíp thực hiện thành công ca lấy, ghép thận đầu tiên tại Thanh Hóa gồm có gần 10 y, bác sĩ, trong đó có tiến sĩ - bác sĩ Trương Thanh Tùng; bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đình Vũ - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu là những người thực hiện chính của ca ghép thận này.