Thanh Hóa thiếu vaccine, hàng nghìn trẻ trễ mũi tiêm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang diễn ra tại Thanh Hóa, mỗi tháng tỉnh có 14.000 trẻ trễ mũi tiêm.

Thanh Hóa đang nỗ lực rà soát số trẻ bị trễ mũi để bổ sung khi có vaccine.
Thanh Hóa đang nỗ lực rà soát số trẻ bị trễ mũi để bổ sung khi có vaccine.

Gian nan đi tìm vaccine cho con

Tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình TCMR khiến phụ huynh có con trong độ tuổi không khỏi lo lắng vì liên tục phải hoãn lịch tiêm.

Phải bắt taxi di chuyển quãng đường gần 30km, chị Nguyễn Mai Anh (trú tại thị trấn Nông Cống) mới có thể đưa con đi tiêm mũi dịch vụ. Lý do vì con đã chờ quá 3 tuần so với thời gian quy định mũi tiêm, nhưng trạm y tế gần nhà vẫn chưa có thuốc.

Chị Mai Anh cho biết: “Bé nhà tôi 6 tháng rưỡi và phải tiêm vaccine viêm gan B, C nhưng hiện cơ sở y tế ở địa phương không có loại này. Để con không bị trễ mũi quá lâu, tôi buộc phải tìm đến cơ sở y tế tư nhân để tiêm cho con”.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 2/2023 đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ một số loại vaccine, đặc biệt là các loại vaccine dành cho trẻ em.

Vaccine DPT-VGB-Hib (5 trong 1) tình trạng thiếu xảy ra từ cuối năm 2022 và từ tháng 2/2023, vaccine này đã không còn.

Hiện toàn tỉnh thiếu hơn 81.000 liều vaccine này.

Đối với vaccine DPT (3 trong 1) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván, bị gián đoạn cung ứng từ tháng 3/2023 đến nay, toàn tỉnh hiện thiếu hơn 64.000 liều.

Tại Thanh Hóa, mỗi tháng, sẽ có khoảng 13.000 - 14000 trẻ bị tiêm không đúng lịch.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng “đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ”, thế nhưng việc thiếu vaccine khiến việc tiêm chủng theo lứa tuổi không kịp thời.

Người dân buộc phải bỏ tiền tiêm vaccine dịch vụ hoặc bỏ, trì hoãn tiêm, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực nâng cao tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh cho trẻ em, tạo cơ hội cho các dịch bệnh đã bị đẩy lùi quay trở lại.

Mỗi tháng, Thanh Hóa có khoảng 14.000 trẻ bị tiêm trễ mũi.

Mỗi tháng, Thanh Hóa có khoảng 14.000 trẻ bị tiêm trễ mũi.

Theo BS Trần Tuấn Hiệp, Phòng khám sàng lọc tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Hóa, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tăng cường khả năng bảo vệ bản thân và cộng đồng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Vaccine 5 trong 1 trong Chương trình TCMR hay 5 trong 1 và 6 trong 1 trong chương trình tiêm chủng dịch vụ hoàn toàn có thể thay thế nhau được. Phụ huynh có thể linh động lựa chọn nếu đã đến kỳ hẹn tiêm mà nơi tiêm chủng thiếu vaccine.

Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm vì khi tiêm hay uống dư một loại vaccine nào đó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí việc dùng dư này lại chính là cơ hội để nhắc nhớ và tăng cường hệ miễn dịch”, BS Tuấn Hiệp chia sẻ.

Liên tục rà soát, tiêm bù, tiêm vét

Bà Nguyễn Thị Đào, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Hóa, cho biết, việc thiếu hụt vaccine ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của trẻ.

Bởi trẻ sẽ bị trễ mũi, bỏ lỡ thời gian vàng để tiếp cận vaccine đúng lịch, đủ liều.

Tình trạng thiếu hụt vaccine cục bộ có thể còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Do đó, trong trường hợp cần thiết có thể cân nhắc tới việc tiêm dịch vụ để bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh.

“Hiện nhiều nơi đang khan hiếm vaccine, đặc biệt là các loại cho trẻ em như lao, 5 trong 1, sởi - rubella… Tuy nhiên, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với gần 120 trung tâm trên khắp cả nước nói chung và 4 trung tâm tại Thanh Hóa vẫn nỗ lực cung ứng đầy đủ. Ngay cả với vaccine đang khan hiếm thì giá vẫn bình ổn, không tăng, thậm chí có rất nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ người dân để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch”, bà Đào thông tin thêm.

Ông Lê Thiên Phú, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Tình trạng thiếu hụt vaccine do chuỗi đứt gãy từ tuyến Trung ương.

Trước tình trạng này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, lập danh sách đối tượng trẻ đến lịch tiêm mà chưa được tiêm, để khi được phân bổ vaccine thì có thể tiêm bù, tiêm vét cho các cháu sớm nhất có thể. Để đảm bảo sớm ổn định nguồn vaccine trở lại, chúng tôi đã xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm có hướng tháo gỡ và khắc phục”.

Ông Phú cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh thường xuyên liên hệ với các cơ sở y tế tại địa phương để nắm bắt thông tin về tình hình tiêm chủng cũng như công tác tiêm chủng.

Nhiều phụ huynh tìm giải pháp tiêm dịch vụ để con không bị tiêm trễ mũi.

Nhiều phụ huynh tìm giải pháp tiêm dịch vụ để con không bị tiêm trễ mũi.

Tiêm chủng dịch vụ cũng là một trong những giải pháp mà ngành Y tế khuyến cáo dành cho những bậc phụ huynh có đủ điều kiện chi trả. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện tiêm chủng tại cơ sở y tế đã được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động và có uy tín để đảm bảo an toàn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, Phòng GD&ĐT để triển khai các lớp tập huấn liên quan đến rà soát, tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho học sinh ở hai cấp học mầm non và tiểu học giúp trẻ sớm tiếp cận vắc-xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ