Thanh Hóa sẵn sàng đón khách du lịch trong điều kiện “bình thường mới”

GD&TĐ - Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái "bình thường mới", ngành du lịch Thanh Hóa đã chủ động chuẩn bị các điều kiện, để phục hồi hoạt động.

Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản văn hóa thế giới.

Du lịch là một ngành tổng hợp, do đó sự phục hồi hoạt động du lịch phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, ngành du lịch phải phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Khôi phục du lịch trong trạng thái “bình thường mới”

Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tích cực tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Covid-19, nhằm tăng độ bao phủ vắc xin Covid-19 lên mức tối đa, để đạt “miễn dịch cộng đồng”.

Đây là cơ sở để phục hồi nền kinh tế, tạo đà cho ngành du lịch Thanh Hóa phục hồi trở lại. Dự kiến, đến cuối năm 2021, ngành du lịch Thanh Hóa sẽ thu hút được 700 nghìn lượt du khách.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc bảo đảm an toàn điểm đến, an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh;

Tổ chức quán triệt, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch song hành với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đảm bảo an toàn.

Ngành cũng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động du lịch, để sẵn sàng cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch an toàn.

Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa ban hành bộ tiêu chí an toàn đối với khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn, kiểm tra, công nhận các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch “Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19” và được phép đón tiếp, phục vụ du khách.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đã, đang công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông danh sách các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được công nhận đảm bảo an toàn; Xây dựng, công bố các “tuyến du lịch xanh” để chào bán, thu hút khách du lịch.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa).

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa).

Ngày 7/10 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái “bình thường mới”.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đều thống nhất cho rằng: Tỉnh Thanh Hóa cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để từng bước phục hồi ngành du lịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Theo đó, tỉnh cần tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ví dụ: Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, dự án đường Quốc lộ 1A nối với các khu, điểm du lịch...

Đồng thời, chú trọng đầu tư các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử, nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch. Tiêu biểu là các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ Từ; Trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan di tích lịch sử Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, (Vĩnh Lộc) với mức đầu tư 756 tỷ đồng; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long (Hà Trung) giai đoạn II, với mức đầu tư 457 tỷ đồng;

Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, với mức 14 tỷ đồng; Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (giai đoạn I, thuộc nhóm dự án số 3, có kinh phí 745 tỷ đồng);

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. 

Tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục công trình Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, với mức đầu tư 188 tỷ đồng; Tôn tạo Khu Tượng đài Bà Triệu, thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, với mức đầu tư 187 tỷ đồng...

Thúc đẩy các dự án đầu tư kinh doanh du lịch

Để du lịch từng bước phục hồi trở lại, thu hút du khách, cần đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Do đó, tỉnh Thanh Hóa cần tạo điều kiện để thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Điển hình là dự án Sầm Sơn Golf links và Khu đô thị sinh thái FLC - giai đoạn II của Tập đoàn FLC, với mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến, với mức đầu tư 3.200 tỷ đồng...

Ngoài ra, một số dự án có quy mô lớn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư, như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En, có mức đầu tư 4.960 tỷ đồng.

Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (giai đoạn I) của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời, với mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã của Tập đoàn FLC, với mức đầu tư 2.200 tỷ đồng ...

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đang chú trọng đầu tư đổi mới, sáng tạo, xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc sắc, nhằm đáp ứng được xu hướng mới của thị trường.

Hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kêu gọi, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chung tay, hưởng ứng, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu du lịch, với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, bảo đảm tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch.

Bãi tắm biển Sầm Sơn ken đặc du khách vào mùa hè năm 2017.

Bãi tắm biển Sầm Sơn ken đặc du khách vào mùa hè năm 2017.

Thanh Hóa cũng chuẩn bị sẵn sàng nội dung, kịch bản, điều kiện cần thiết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ khách du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Đặc biệt, để phục hồi trở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh “sống chung” với dịch bệnh hiện nay, cần gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển du lịch.

Theo đó, ngành du lịch Thanh Hóa đang chú trọng triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa phục vụ công tác tuyên truyền trên không gian mạng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code. Đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; Chào, bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt)...

Để quảng bá rộng rãi thông điệp truyền thông “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ngoài các kênh truyền hình Trung ương, địa phương và báo chí, ngành du lịch Thanh Hóa cũng chú trọng tuyên truyền trên các website, mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo...

Đồng thời, căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để lựa chọn cách thức tổ chức, tham gia tổ chức (trực tuyến hoặc trực tiếp) các sự kiện xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ