Thanh Hoá: Người dân bất lực nhìn cá giống được cấp chết nổi trắng bụng

GD&TĐ - Chưa kịp mừng vì được cấp cá giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, người dân ở Thanh Hoá thất vọng vì ngày nào cũng chứng kiến cá chết.

Cái giống được cấp từ dự án liên tục chết.
Cái giống được cấp từ dự án liên tục chết.

Bất lực nhìn cá chết

Theo phản ánh, nhiều bà con xã Trung Xuân, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hoá) được nhận cá giống từ Chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhận cá về, người dân lại bất ngờ chứng kiến cảnh cá chết rải rác không rõ nguyên nhân.

Gia đình ông Lữ Văn Đa (bản Phụn, có 6 nhân khẩu, thuộc hộ nghèo của xã) được hỗ trợ 50kg cá giống, 2 bao cám thức ăn cho cá và 10kg vôi bột.

Chưa kịp mừng thì ngày nào ông Đa cũng bất lực nhìn cá liên tục chết.

“Từ hôm nhận cá giống hỗ trợ từ dự án (17/5/2024) đến nay, ngày nào cũng có cá chết. Đến thời điểm hiện tại, lượng cá chết đã lên tới 15kg”, ông Đa buồn bã nói.

Ngoài cá chết, ông Đa cũng không khỏi thắc mắc khi cá giống gia đình tiếp nhận có nhiều kích cỡ khác nhau, không đồng đều, khiến cho việc nuôi thả cũng gặp những nhiều khó khăn.

Cách lồng bè của hộ ông Đa không xa là khu nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Trường ở bản Phụn.

Hộ nhà anh Trường thuộc diện hộ cận nghèo, được hỗ trợ 40kg cá giống, thức ăn, vôi bột.

Tới nay, cá giống của gia đình anh Trường đã chết khoảng 50 con. Những con cá chết có biểu hiện tróc vảy, yếu dần và chết...

Không chỉ riêng hộ ông Đa, anh Trường, tình trạng cá chết diễn ra ở nhiều hộ, biểu hiện giống nhau và được các trưởng bản thống kê, ghi danh sách.

Yêu cầu cấp bù

Ông Hà Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Trung Xuân, xác nhận tình trạng cá giống từ dự án cấp cho bà con bị chết.

Khu vực nuôi cá lồng của bà con xã Trung Sơn, huyện Quan Sơn.
Khu vực nuôi cá lồng của bà con xã Trung Sơn, huyện Quan Sơn.

Theo ông Nghị, hiện nguyên nhân cá chết chưa được xác định.

“Xã đang khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp truyền thống như bỏ thêm vôi bột, vệ sinh các lồng thả. Đồng thời, đề nghị các bản thống kê danh sách, chụp hình ảnh để báo cáo”, ông Nghị thông tin.

Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết thêm, với dự án này, cũng có phần cấp bù, nguồn dự phòng từ đơn vị cung ứng. Xã tiếp tục theo dõi tình hình, tìm hiểu nguyên nhân và sẽ yêu cầu đơn vị cung ứng đưa cá giống cấp bù đến cho bà con.

Ngày 23/4, UBND huyện Quan Sơn ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án liên kết sản xuất nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VIETGAP tại lòng hồ thủy điện Trung Xuân (Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, thuộc Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022) tại xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn.

Đơn vị chủ trì liên kết là HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh (địa chỉ tại Khu phố 5, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn). Đơn vị tham gia liên kết là HTX Nông lâm nghiệp, dịch vụ thủy nông Trung Xuân (địa chỉ bản Piềng Phố, xã Trung Xuân).

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 2,4 tỷ đồng (số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 800 triệu đồng; kinh phí hợp tác xã và người dân tham gia, huy động vốn hợp pháp khác là hơn 1,6 tỷ đồng).

Chủ đầu tư là Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Quan Sơn. Thời gian thực hiện năm 2024.

Nội dung hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ vật tư giống, thức ăn, vôi và thuốc thú y thủy sản; chi phí tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP trong sản xuất; quản lý sản xuất và chất lượng; chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá thương phẩm.

Quyết định cũng nêu rõ nội dung, hoạt động và trách nhiệm thực hiện của các bên. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp thực hiện liên kết là cá trắm cỏ, có đặc điểm không dị hình, không bệnh lý, kích cỡ đồng đều...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ