Thời gian gần đây, Công an các địa phương liên tục bắt giữ nhiều vụ các đối tượng tổ chức sản xuất ma tuý tổng hợp trong nội địa Việt Nam, thu giữ hàng chục tấn tiền chất các loại dùng để sản xuất ma tuý tổng hợp, trong đó có nhiều loại dễ kiếm, thông dụng trên thị trường có thể dùng để sản xuất ma tuý, đồng thời là những hoá chất cơ bản không thể thiếu trong ngành công nghiệp hoá chất (như axit acetic, axit sunfuric, toluene,...), chính vì vậy, nếu không quản lý chặt chẽ các loại tiền chất này các đối tượng sẽ lợi dụng núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp kinh doanh thuốc để sản xuất ma tuý tổng hợp.
Nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động xuất nhập khẩu, quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất ma túy trong lĩnh vực y tế và công nghiệp (gọi tắt là tiền chất) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Quyết định sổ 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý những hành vi lợi dụng các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất để kịp thời chấn chỉnh khắc phục, không để các tổ chức và cá nhân lợi dụng để hoạt động phạm tội.
UBND tỉnh yêu cầu tập trung kiểm tra tư cách pháp nhân của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất; chế độ ghi chép, báo cáo.
Đối tượng kiểm tra gồm các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhiệm vụ xuất, nhập khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất; các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng các loại tiền chất; các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động mua bán, sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất. Thời gian kiểm tra từ ngày 20/10 đến 31/12/2019.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Cục Hải quan và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo tổ công tác liên ngành có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất cụ thể để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; định kỳ tập hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND tỉnh và Chính phủ theo quy định. Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành theo đúng quy định của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất phục vụ Tổ công tác liên ngành kiểm tra thực hiện có hiệu quả.