Đánh tráo tiêu chí?
Cuối tháng 3/2019, câu chuyện xét GVDD lại bùng lên, khiến nhiều thầy, cô giáo bất an và bức xúc. Trong đó có việc UBND huyện Thường Xuân tự ý đảo các tiêu chí mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã quy định. Cụ thể, ngày 22/3/2019 UBND huyện Thường Xuân gửi Công văn số 387/UBND-NV đến các trường THCS trên địa bàn để hướng dẫn xét GVDD. Trong văn bản này, các tiêu chí để xét GVDD đã bị “đánh tráo” so với quy định trong Công văn 9656/UBND-VX, ra ngày 26/8/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, tiêu chí trong xét điều động GVDD thực hiện theo thứ tự “Người có tuổi đời ít hơn” rồi đến “Người có thời gian công tác ít hơn”. Thế nhưng, không hiểu lý do gì, UBND huyện Thường Xuân lại xét theo thứ tự “Người có thời gian công tác ít nhất” rồi mới đến “Người có tuổi đời ít nhất”?
Chính từ cách làm trên của UBND huyện Thường Xuân, đã đẩy nhiều GV không thuộc diện dôi dư (theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa) trở thành GVDD ở địa phương này. Theo đó, ngày 27/3, Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ huyện Thường Xuân công bố “Danh sách giáo viên THCS dôi dư năm học 2018 - 2019” trên địa bàn huyện với tổng số 39 GV. Những GV này sẽ được điều chuyển đến các trường thiếu GV hoặc phải xuống dạy ở bậc tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện sau khi hoàn thành khóa học văn bằng 2…
Tuy nhiên, bản danh sách này lại bị nhiều GV phản ứng dữ dội. Họ cho rằng; việc xét duyệt GVDD thiếu công bằng, chưa khách quan và quan trọng nhất là làm trái quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, nhiều GV tỏ ra càng bức xúc hơn khi UBND huyện Thường Xuân làm theo cách riêng của mình. Đó là, tại Trường THCS Xuân Cẩm, có hai GV được UBND huyện “ưu ái” không có tên trong danh sách, mà lẽ ra nếu xét theo đúng quy định của tỉnh, thì hai người này phải là GVDD. Hai trường hợp nêu trên là cô giáo Lê Thị Hà và thầy giáo Phùng Duy Ngọc - GV dạy Toán ở Trường THCS Xuân Cẩm.
|
Vì sao có GV được “ưu ái”?
Một số GV đề nghị giấu tên, phản ứng: Chúng tôi công tác trong ngành đã hàng chục năm trời, từng phải đi những nơi khó khăn, xa xôi của huyện. Ngày ấy, người ta gọi chúng tôi là “những chiến binh diệt giặc dốt”, sau hàng chục năm công hiến trong ngành, bây giờ lại nói chúng tôi là “dôi dư” là sao? Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của huyện, nhưng trước hết chúng tôi cần có một sự công bằng, khách quan.
Theo tìm hiểu, cô giáo Hà là em gái vợ của một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện. Năm học 2017 - 2018, cô Hà đã thuộc diện dôi dư nhưng huyện vẫn không điều chuyển đi. Đến năm học 2018 - 2019 này, vì căn cứ vào quy định của huyện, nên cô Hà lại nghiễm nhiên ở lại Trường THCS Xuân Cẩm. Cũng như cô Hà, thầy Ngọc là cán bộ Phòng GD&ĐT huyện cử về dạy môn Toán. Mặc dù, nhà trường đã lập danh sách đưa lên huyện, thế nhưng khi huyện chuyển xuống thì thầy Ngọc lại không phải diện dôi dư nữa.
Theo ông Cầm Bá Quý - Hiệu trưởng nhà trường, Trường THCS Xuân Cẩm là trường hạng 2, có 8 lớp. Theo quy định, ngôi trường này chỉ được có 2 GV dạy Toán. Tuy nhiên, năm học 2017 - 2018, nhà trường vẫn có 3 GV dạy Toán. Trong đó, cô giáo Hà là GV thuộc diện dôi dư.
Năm học 2018 - 2019, huyện Thường Xuân lại điều động thêm 3 GV dạy Toán về trường này, nâng tổng số GV dạy Toán lên 6 người. Trong số GV mới được điều động đến, có thầy Phùng Duy Ngọc. Vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Theo nhiều GV, mặc dù nằm sát với thị trấn Thường Xuân, giao thông thuận tiện nhưng Trường THCS Xuân Cẩm lại nằm trong danh sách vùng khó khăn. Do đó, GV dạy ở ngôi trường này sẽ được cộng thêm 140% lương (2 chính sách là thu hút và dạy vùng khó khăn), nên rất nhiều GV muốn được về đây công tác.
Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề trên, ông Lâm Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân, cho biết: “Việc đảo 2 tiêu chí cho nhau trong cách xét GVDD so với quy định của tỉnh là do GV đề nghị xét như thế, nên chúng tôi mới làm. Còn việc giữ 4 giáo viên dạy Toán lại Trường THCS Xuân Cẩm là do tình hình chung của huyện. Đối với trường hợp thầy Ngọc, nằm trong danh sách dôi dư, mà nhà trường đưa lên huyện, nhưng sau đó lại không có tên trong diện dôi dư nữa, là do huyện giữ thầy Ngọc lại Trường THCS Xuân Cẩm để luân chuyển sau”.
Ngày 2/4 vừa qua, ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân lại tiếp tục cho ban hành Văn bản số 470/UBND-NV về việc Chỉ đạo các trường THCS có GVDD tiếp tục động viên GV thuộc diện dôi dư đăng ký đi học văn bằng 2, chuyển xuống bậc tiểu học, mầm non giảng dạy. Công văn cũng yêu cầu các nhà trường vẫn tiếp tục chi trả chế độ cho GV thuộc diện dôi dư, đến khi có quyết định của Chủ tịch UBND huyện.