Dịch Covid - 19 phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra công điện khẩn

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành công điện về tăng cường một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Theo công điện ngày 17/2 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu: Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới tăng cao.

Chỉ tính từ ngày 6 đến ngày 16/2, toàn tỉnh đã có 8.395 người nhiễm Covid–19. Bình quân mỗi ngày có 763 người nhiễm, ngày cao nhất là 998 người nhiễm.

Số bệnh nhân diễn biến nặng, phải chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid–19 số 1 của tỉnh tăng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 47 bệnh nhân Covid–19 tử vong. Riêng trong ngày 16/2,  có 8 bệnh nhân tử vong.

Tình hình trên cho thấy mức độ nghiêm trọng, phức tạp của dịch bệnh Covid–19 trên địa bàn tỉnh. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid–19 của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, tổ chức chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do Covid–19 gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tổ chức tiếp nhận, điều trị bệnh nhân theo tinh thần “Về việc phân tuyến, phân tầng điều trị nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid–19 ”.

Trong đó, yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, gồm: các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, từ tuyến tỉnh đến cơ sở, Trạm y tế xã, phường, thị trấn (cả công lập và ngoài công lập) phải thực hiện việc tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid–19, cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phân tuyến điều trị hiện hành.

Sở Y tế theo đõi, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thành lập Trạm y tế lưu động ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Ung bướu tỉnh sẵn sàng kích hoạt, khởi động trở lại Bệnh viện điều trị Covid–19  số 2 của tỉnh để chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân thuộc tầng 3 và tầng 4.  

Bệnh viện điều trị Covid–19 số 1 của tỉnh trước mắt tiếp tục thực hiện điều trị bệnh nhân Covid–19  thuộc tầng 3 và tầng 4. Chưa thực hiện mô hình “Bệnh viện tách đôi” (một nửa tổ chức khám chữa bệnh thông thường, một nửa điều trị bệnh nhân Covid–19 ), để tập trung toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực cho việc điều trị bệnh nhân Covid–19.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho giáo viên Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa).
Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho giáo viên Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa).

Bệnh viện Covid–19 số 1 của tỉnh chỉ thực hiện mô hình “Bệnh viện tách đôi” khi số ca nhiễm Covid - 19  trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt và phải có ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 tỉnh trước khi thực hiện.

Sở Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid–19 tập trung tại cơ sở y tế một cách linh hoạt. Bảo đảm an toàn, phù hợp với từng đối tượng, theo hướng phân tầng, phân tuyến, phân cấp mạnh hơn nữa việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid–19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời, bố trí lực lượng y tế giám sát chặt chẽ, kịp thời xử trí và chịu trách nhiệm nếu để bệnh nhân diễn biến nặng, xảy ra sự cố đáng tiếc do lỗi chủ quan.

Sở Y tế ban hành ngay văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn về thời gian cách ly y tế đối với cán bộ, nhân viên y tế nhiễm Covid–19 (F0) đã khỏi bệnh và các trường hợp F1 để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Thống nhất thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh Covid–19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Danh sách thành viên tham gia Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh Covid - 19 (gồm: họ tên, số điện thoại) phải được công bố công khai tại địa bàn khu dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của địa phương, cơ quan, đơn vị để tư vấn, hỗ trợ người bệnh 24/24 giờ.

Yêu cầu hoàn thành việc thành lập các Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh Covid–19 ở tất cả các cấp trong toàn tỉnh chậm nhất ngày 18/2.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó cần cập nhật, tích hợp chức năng hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc bệnh nhân Covid–19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà trên phần mềm. Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid–19 tỉnh trước ngày 22/2.

Giao Viễn thông Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng chức năng tiếp nhận, phân loại thông tin, yêu cầu hỗ trợ của bệnh nhân Covid–19, trên tổng đài 1022 của tỉnh.

Chuyển thông tin đến Tổ tư vấn, chăm sóc bệnh nhân Covid–19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid–19 tỉnh trước ngày 22/2.

Giao Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid–19 trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hằng ngày trước 17 giờ, Sở Y tế tổng hợp tiến độ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid–19 tỉnh....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ